Bắt đối kháng dằn mặt… đồng chí?

Ông Nguyễn Tường Thụy (phải) trong một lần biểu tình chống Trung Quốc.

Trân Văn - VOA

Quan sát phản ứng của công chúng trên mạng xã hội, đặc biệt là phản ứng của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam, có thể thấy việc bắt giữ thêm ông Nguyễn Tường Thụy (70 tuổi, ngụ ở Hà Nội) hôm 23 tháng 5, không những không đạt tác dụng “răn đe, giáo dục” mà còn ngược lại.

Tại sao trước đây công an Việt Nam không sử dụng các biện pháp hình sự để “ngăn chặn” những nhân vật như Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành (Phạm Thành hay Bà Đầm Xòe), Trần Đức Thạch,… mà để họ tự do chỉ trích hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong một thời gian dài?

Có hai lý do: Đó là những cá nhân này thuộc nhóm… bất trị và thời thế đã khác nên không… dễ trị! Tình thế từng buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải… “đổi mới” và hội nhập buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải chứng tỏ có… thiện chí đối với… luật chơi chung của thiên hạ về nhân quyền.

Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thích luật chơi chung, không ít lần chà đạp luật chơi chung nhưng cũng không ít lần buộc phải tự chùi rửa, đôi khi còn tự kiểm rồi thề sẽ… thăng tiến nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền không… dễ chịu nhưng không chịu thì… kiệt quệ về nội lực. Kinh tế suy sụp là tự sát về chính trị.

Hội nhập còn tạo ra cơ hội tiếp cận, chia sẻ thông tin, ý kiến. Dân chúng không chỉ biết nhiều hơn để so sánh, ngẫm nghĩ nhiều hơn mà còn chia sẻ thông tin, ý kiến mạnh mẽ hơn. Số lượng cá nhân… bất trị đông hơn. Từ chỗ chỉ thì thầm, rồi lên tiếng theo kiểu bóng gió xa gần, giờ, thường dân thi nhau bày tỏ sự bất bình ra mặt.

Trong bối cảnh bắt đối kháng rõ ràng là tối kỵ về đối ngoại, khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương rùng rùng dắt díu nhau chạy theo dư luận, điều chỉnh đủ thứ chủ trương, chính sách bị chỉ trích là bất nhân, bất trí, có lẽ chẳng viên chức nào tin rằng, bắt đối kháng có thể đạt tác dụng “răn đe, giáo dục” trong đối nội.

Vậy thì tại sao lại xảy ra hiện tượng bắt hàng loạt đối kháng? Có những dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy, những vụ bắt giữ đối kháng từ cuối năm ngoái đến gần đây liên quan mật thiết đến việc lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương của nhiệm kỳ tới.

***

Cho dù thể chế chính trị ở Việt Nam là độc đảng song đảng cầm quyền là tổ chức nhiều phe nhóm. Cũng vì vậy, lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo nhiệm kỳ kế tiếp chưa bao giờ suôn sẻ, an ổn. Thời điểm trước các đại hội đảng luôn luôn là giai đoạn phức tạp vì các phe nhóm tìm đủ mọi cách để giành ảnh hưởng, thâu tóm quyền lực.

Sự khác biệt giữa trước với nay chỉ nằm ở chỗ, mâu thuẫn giữa các phe nhóm đã đến mức không thể thỏa hiệp. Tám năm trước, các phe nhóm còn có thể nhân nhượng nhằm duy trì lợi ích chung là bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của đảng, qua đó bảo vệ lợi ích riêng của mình, cho nên lịch sử đảng mới mọc ra… “đồng chí X”!

Nay, “lò” đã thiêu rụi cả truyền thống lẫn khả năng thỏa hiệp ấy. Khi chống tham nhũng “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” nhưng dứt khoát không công bố tài sản của các viên chức trong diện phải kê khai tài sản và Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng độc quyền chọn “củi” theo định hướng, sẽ có bao nhiêu đồng chí cả tại chức lẫn đã nghỉ hưu ngồi yên chờ đến lượt bị đốt thành tro, đặc biệt… nghịch lý là nhiều đồng chí khác đáng ra tro hơn lại vô sự, thậm chí còn được qui hoạch để đảm nhận vai trò lựa… “củi”?

Do đặc điểm của thể chế chính trị ở Việt Nam, chắc chắn nhiều đồng chí sẽ chế tạo đạn rồi chủ động cung cấp đạn cho công chúng tiêu diệt các đồng chí khác. Chưa rõ từ nay cho đến lúc diễn ra Đại hội Đại biểu đảng toàn quốc lần thứ 13 vào quý một năm tới, có diễn đàn điện tử nào kiểu như Quan Làm Báo chào đời hoặc hồi sinh hay không (?) nhưng vừa qua, số người gửi loại bài này cho một số diễn đàn điện tử có nhiều người xem hoặc cung cấp thông tin cho một số cá nhân được công chúng tin cậy đang tăng.

Xu hướng đó không chỉ đe dọa nỗ lực qui hoạch nhân sự, cách lựa chọn thông tin, trình bày vấn đề của một số bài viết như đã kể mà còn khác trước ở chỗ người viết, người cung cấp thông tin cố gắng chứng minh đảng chỉ là tập hợp những cá nhân bất xứng tới mức cần hủy diệt. Phải chăng đó cũng là lý do, sau khi dựng “lò”, đảng bắt đầu xác định “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là nguy cơ, xem chuyện đảng viên vạch áo cho người xem lưng, bày tỏ sự nghi ngại, bất bình với chủ trương, đường lối của đảng là đại kỵ?

Ông Trọng – người từng nói rất nhiều về công tác cán bộ, về qui hoạch nhân sự - lại vừa nói thêm về lựa chọn, sắp đặt cán bộ: Đừng tưởng đỏ là chín! Cho dù tái xác định quy hoạch là nhiệm vụ then chốt của then chốt phải có con mắt tinh đời để chọn đúng người, bố trí đúng chỗ nhưng chính ông lại lưu ý cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa (1). Đồng bào có thể hoang mang về những mâu thuẫn trong chỉ đạo của ông nhưng ông không nói với đồng bào, ông nói với… đồng chí!

Đối kháng đã trở thành thực tế mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bất lực, không thể triệt tiêu. Đối kháng có sự ủng hộ càng ngày càng mạnh mẽ của đồng bào. Bắt đối kháng để dọa chính họ hay dọa đồng bào dường như bất khả nhưng trước đại hội đảng, trước hiện tượng đồng chí đã hoặc đang tính đến việc dựa vào đối kháng để phá hỏng qui hoạch nhân sự, có vẻ như bắt đối kháng là một cách nhằm ngăn chặn đảng viên cậy đến đối kháng tố đảng.

Chú thích

(1) https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/44245102-mot-so-van-de-can-duoc-dac-biet-quan-tam-trong-cong-tac-chuan-bi-nhan-su-ðai-hoi-xiii-cua-ðang.html