Sau bốn mươi bẩy năm, tất cả các hình ảnh liên quan đến ngày 30/4/75 được cất chung vào tập hồ sơ ghi tên“biến cố 30 tháng Tư 75”. Vì thế khi xem lại, hình ảnh lẫn vào nhau, cảm xúc bị biến dạng trở nên xấu xí.
Xúc động dâng tràn khi xem những tấm ảnh chụp đoàn người thất thểu dài hàng cây số trên đèo Hải Vân chạy vào Đà Nẵng; đoàn người rồng rắn từ Cao nguyên đổ về Sài gòn, nhưng bức ảnh chụp hàng chục lính bộ đội hăm hở nghênh ngang trên những chiếc xe gắn máy (tất nhiên là gia tài của người dân miền Nam) lại đập vào mắt, khiến cảm xúc tinh tuyền dành cho dân mình bỗng tắt lịm, nhường cho sự tức giận, uất nghẹn, cảm xúc bỗng loang lổ, khó coi.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn cố gắng giữ cảm xúc của mình đâu ra đấy phân minh và rất thất vọng khi cảm xúc bị biến dạng, như khi thiện và ác lẫn vào nhau, trạng thái lẫn lộn ấy là nơi ẩn náu an toàn cho cái ác.
Trong mớ hình chụp lính bộ đội, có một bức hình, chỉ một bức hình này thôi, khi vừa thoáng nhìn, tôi đã phải bấm nút cho bức ảnh đi qua và tim tôi đập thình thịch.
Đã lâu tôi không nhìn lại, nhưng chỉ một lần thoáng nhìn bức ảnh, mọi chi tiết đã hằn trong trí óc tôi và cả tim tôi nữa. Người lính bộ đội gầy, dong dỏng cao, lưng đeo cái ba lô to, hai tay bận rộn với những túi xách gì đó, nhưng đặc biệt anh ta có cầm cái túi nylon, dài cỡ 50cm, trong đó có hình dáng con búp bê, chắc chắn búp bê được gắn thiết bị nhắm mắt mở mắt, đôi khi nó còn phát ra tiếng khóc, tiếng cười…
Năm nay không nhìn bức ảnh, nhưng nghĩ về bức ảnh, tôi thấy nhẹ nhàng đôi chút.
Tôi nghĩ thời gian chồng chất, đã vô tình tạo nên sợi dây gắn kết giữa tôi và bức ảnh. Gắn kết này là sự pha trộn nhiều cảm xúc của sự sợ hãi, sự tức giận và niềm thương cảm. Tất cả dã gom lại thành một cảm nhận duy nhất. Cảm nhận này làm tôi an tâm. Như giòng nước, người ta nhìn thấy nước, vọc tay vào nước, nhưng không thể thấy hay cầm được các phân tử Oxygen, Hydrogen cùng nhiều khoáng chất khác ở trong nước.
Tôi tin sự gắn kết màu nhiệm này sẽ giúp tôi viết được những giòng kế tiếp
Người ta nói hễ sợ điều gì, cần phải đối mặt với điều đó, thì sẽ vượt qua được. Nhưng từ hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn vậy, tôi chấp nhận thất bại, vì sự thua cuộc này đem lại bình an cho tôi.
Hồi tôi học lớp ba trường tiểu học Trương Minh Giảng, cha tôi đi tu nghiệp ở Mỹ. Khi trở về, ông mua quà cho chúng tôi, và cho các chị con của hai bác ruột tôi nữa. Món quà của chúng tôi là búp bê Barbi và Ken. Bọn chúng tôi mê Barbi như điếu đổ.
Một thời gian ngắn sau, cha tôi đổi ra làm việc ở Đà Nẵng. Tôi học lại lớp Ba ở trường Trung Tiểu học Tư thục Thánh Tâm. Tại đây, tôi có hai cô bạn mới, chúng tôi cùng có búp bê Barbi, nên thân nhau lắm.
Ngày ấy, mẹ tôi sắm cái máy may Singer và dậy tôi may vá. Hàng ngày sau giờ học, tôi cặm cụi miệt mài may đủ kiểu áo cho ba con Barbi. Tuổi thơ của chúng tôi vô cùng tinh khiết và đẹp đẽ.
Khi lên Trung học, vì không học cùng trường với hai bạn nữa, chúng tôi xa và quên nhau từ đó. Riêng tôi, tuổi thơ và Barbi vẫn đeo theo tôi cho đến gần hết bậc Trung Học.
Năm tôi học đệ nhị, một hôm có lẽ vì học thi quá mệt và ngủ muộn, tôi đã mơ thấy Barbi tiến về phiá giường và ghé vào tai tôi nói gì đó.
Tôi giật mình tỉnh dậy nhìn con búp bê trên bàn, cứng ngắt bằng nhựa đang nhìn tôi. Tôi hoảng sợ hét lên, mẹ tôi chạy sang, tôi lắp bắp kể, mẹ tôi đem con búp bê ra ngoài. Từ đó tôi không thấy nó nữa. Tôi không dám nói về nó, nhưng nó vẫn lẩn quẩn trong đầu tôi, tôi bị mất ngủ trầm trọng, cho đến bây giờ vẫn còn dư chứng.
Tôi có hai con gái, nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến việc phải mua búp bê cho con hay nghĩ con tôi thèm chơi búp bê như tôi hồi nhỏ.
Các con biết tôi rất sợ búp bê, nên cũng không đòi, nhưng con tôi mượn búp bê của bạn về chơi và giấu dưới gầm giường để tôi đừng thấy.
Tôi thương con, nhưng không vượt qua được nỗi sợ. Nghĩ đến con, tôi đã đi qua đi lại trước cửa tiệm bán loại búp bê bằng vải gọi là Cabbage Patch Kid, tôi tự nhủ chúng chỉ là những tấm vải, những cuộn len mà tôi thường may, hay đan áo cho con.
Tôi thu hết can đảm mua cho con mỗi đưá một con búp bê Cabbage. Nhìn con sung sướng ôm chặt con búp bê vải vào lòng, tôi cảm thấy mình là người mẹ tồi tệ nhất, tôi đã làm mất vài năm tuổi thơ của con mình.
Sau này tôi có con bé cháu ngoại, từ lúc cháu còn bé, khoảng ba bốn tuổi, mỗi lần tôi sang thăm, cháu mau mắn nắm tay tôi, nhìn tôi như thương cảm và nói như vỗ về: “con cất búp bê trong tủ rồi, không có ở gầm giường đâu, bà đừng sợ.” Tôi không hiểu con tôi đã nói gì với con của nó, nhưng tôi thương con quá đỗi, và thầm cảm ơn con.
Hôm nay, nghĩ đến tấm ảnh, tôi muốn xoá bỏ nó khỏi máy điện toán, nhưng không thể xóa vĩnh viễn, nó vẫn nằm trong mớ ảnh chụp những người lính bộ đội có mặt tại Sàigòn sau ngày 30 tháng Tư năm 75, vì chúng là sự thật, là lịch sử.
Mớ ảnh này biết biểu cảm và biết nói. Từng tấm một, người ta nhìn thấy sự thoả mãn, hăm hở, ngạc nhiên, và sung sướng trên các gương mặt hốc hác của người lính bộ đội. Người ta có thể nghe từ các bức ảnh, những lời phấn khích: “Thích quá, sướng quá, có cái đài, cái đồng, cái đạp, toàn hàng tốt!”
Có cố gắng đến đâu, cũng không thể nói khác.
Bức ảnh người bộ đội cầm con búp bê cũng nói lên vài điều quan trọng.
Anh ta sải bước nhanh, nét mặt tươi vui, như vừa được giải phóng, anh được giải phóng thật, giải phóng khỏi cuộc chiến mà anh không biết rõ ngọn ngành. Anh chỉ muốn trở về với gia đình.
Ai đó trong gia đình anh, hoặc em gái, cháu gái hay đưá con gái bé nhỏ …rất thích búp bê, mong ước có được con búp bê, như cha tôi biết tôi thích búp bê hồi nhỏ. Anh đã ghi nhớ mong ước này.
Không biết trong chiếc ba lô to tướng anh đeo sau lưng có những gì, tôi ước một người miền Nam nào đó tặng anh vài thứ để anh đem về làm quà cho gia đình, và tặng anh cái đồng hồ hai cửa sổ để đánh dấu ngày giờ anh được sống sót trở về.
Vào những ngày đầu tháng Năm, gia đình tôi cũng có người thân ngoài Bắc đi bộ đội đến tìm. Cha mẹ tôi có tặng quà và một số quý kim làm vốn. Mẹ tôi dặn: Cháu cần gì cứ nói với cô, đừng tự động lấy bất kỳ thứ gì của bất cứ ai.
Người lính bộ đội trẻ măng, tôi gọi là anh họ, gật đầu nói nhỏ: cháu biết ạ.
Tôi mong người lính bộ đội cầm con búp bê cũng biết điều đó. Tôi ước anh không tự động lấy bất cứ thứ gì của người miền Nam. Nhưng nếu anh ta có lỡ tay thì vì con búp bê anh cầm trên tay, có lẽ tôi cũng bỏ qua. (PDH 04/22)
28.04.2022