Bao giờ một xã hội có “khuôn mặt người”?

Nguyễn Chương (VNTB)|

“Anh ở trong Nam, đâu phải chịu bom rơi, đâu trở thành nạn nhân chiến tranh”.

Tàn cuộc chiến, kẻ thắng reo vui, người thua buồn bã; đau thương hơn, có những đứa con của mẹ đã vùi sâu xuống đất lạnh.

(Đặc biệt xin dành tặng bài này cho bạn đồng nghiệp báo giới, và một số quý bằng hữu đàn anh khác)

Một chị năm nay cỡ 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở miền bắc, vào sống ở Sài Gòn (đổi tên thành TP.HCM) được hơn mười năm. Tôi gặp chị trong một trung tâm Anh ngữ (có người nước ngoài giảng dạy). Chị nói chị công tác trong một cơ quan cấp sở, và trong câu chuyện kể lể về quá khứ, chị chép miệng mà nói: “Anh ở trong Nam, đâu phải chịu bom rơi, đâu trở thành nạn nhân chiến tranh”.

Tôi nghe xong, lặng người đi, buồn rười rượi.

Phải chi hồi năm 1976, lúc đó chị còn nhỏ, không biết gì, không trách. Sao bây giờ, 60 tuổi rồi, vô Nam sống cũng mươi năm rồi, mà chị vẫn chưa đủ trí khôn hay sao? Mà, chẳng riêng gì chị, vẫn còn biết bao người bằng lòng với mớ ‘lệch sử’ được học quấy quá ở trường…

Chị nào biết người dân ở trong Nam đã phải nếm thảm cảnh chiến tranh chẳng phải chỉ vài đợt bom, rải rác trong vài năm như ngoài Bắc, mà là suốt hai mươi năm – từ thôn quê cho đến thành thị, lúc nào cũng nơm nớp dẫm phải mìn chôn dọc quốc lộ, chôn ở vỉa hè phố phường, lúc nào cũng nơm nớp trúng phải lựu đạn hoặc pháo kích tan xương nát thịt!

Chưa kể những trận chiến hãi hùng vào Tết Mậu Thân 1968, vào mùa hè đỏ lửa 1972, người dân bồng bế nhau chạy loạn.

Tôi không nói đến chuyện lính tráng đôi bên. Mà đau đớn hơn nhiều, thê lương hơn nhiều là hàng trăm ngàn dân lành vô tội ở miền Nam Việt Nam đã trở thành nạn nhân chiến tranh, mỗi ngày đều có người gục chết. Mỗi ngày trong suốt hơn bảy ngàn ngày của hai mươi năm!

Họ mang dòng máu Việt Nam, là đồng bào của chị, của tôi, của tất cả chúng ta.

***

Ông Sáu Dân (cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) nói về cuộc chiến hai mươi năm, “có hàng triệu người vui, có hàng triệu người buồn”.

Ở đây tôi không bàn gì về hậu cảnh chánh trị của ông Sáu khi nói điều đó, nhưng cũng rất rõ một điều: do ông Sáu Dân sống trong miền Nam nên ông biết được thực tế ở miền Nam: là có nhiều, rất nhiều gia đình bà mẹ nuốt nước mắt nhìn con cái đôi ngả phân ly, đứa vào quân đội Sài Gòn, đứa theo “giải phóng quân”. Tàn cuộc chiến, kẻ thắng reo vui, người thua buồn bã; đau thương hơn, có những đứa con của mẹ đã vùi sâu xuống đất lạnh.

Có được bao nhiêu người sống ngoài Bắc thấu hiểu cho hoàn cảnh “kẻ vui, người buồn” trong cùng một gia đình? Vì không hiểu, nên họ cứ nhấn mạnh ngoài Bắc là “nạn nhân chiến tranh”.

Trong khi đó, có biết bao đồng bào ở miền Nam sinh sống nơi tỉnh thành, nơi thôn quê – thuộc những vùng do chánh quyền Sài Gòn quản trị – đã gục chết trong Tết Mậu Thân 1968, chết dọc đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị 1972, thì… ráng mà chịu, không được phép xem là nạn nhân chiến tranh!

***

Trong giai đoạn ông Sáu Dân đưa ra quan điểm “triệu người vui, triệu người buồn”, tôi nhớ, dân làm báo ở trong Nam khấp khởi nghĩ rằng có lẽ sắp đến lúc khép lại hình ảnh vỗ tay reo mừng trên xác người.

Và, mong chờ rốt cuộc sẽ là một xã hội có-khuôn-mặt-người (mượn cách nói của GS Trần Đức Thảo, với cuốn sách Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người”, được xuất bản hồi bấy giờ).

Mong chờ một ngày. Có lẽ. Và rồi, cứ “có lẽ” kéo dài miết.

***

Tôi đã từ giã công việc viết báo có ăn lương, trở thành viết báo không ăn lương (tiếng Anh nó gọi là “freelancer” đó đa). Một số đồng nghiệp trẻ hơn tôi hiện vẫn còn viết báo có ăn lương, liệu còn nuôi dưỡng trong tâm hồn khát vọng vì một xã hội có khuôn mặt người?

Vào lúc này, và sắp tới?