Không còn không khí hoan hỉ chào đón, giờ đây, những người tị nạn Ukraine sang các nước Âu châu đang nhận được thái độ khác – sự lạnh nhạt!
Khi Âu châu bắt đầu vào Đông và Nga tiếp tục không kích các cơ sở hạ tầng điện nước của Ukraine, lại bùng lên làn sóng người tị nạn, lần này khủng hoảng hơn nhiều.
Từ trái: Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, Petr Fiala, Thủ tướng Cộng hòa Czech, Eduard Heger, Thủ tướng Slovakia và Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Ba Lan tham gia cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh V4 hôm 24 của Tháng Mười Một năm 2022 tại Bankov, Kosice, Slovakia. Thủ tướng Slovakia, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary thảo luận về tình hình hiện tại ở Âu châu trong bối cảnh Nga gây hấn ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Cuộc họp cũng tập trung vào vấn đề di cư bất hợp pháp và đánh giá hợp tác trong khu vực V4. (ảnh: Robert Nemeti/Getty Images)
Áp lực và căng thẳng
Hồi Tháng năm, sau năm tháng di tản sang Italy, trở về quê hương, niềm mơ ước lại được ngồi ghế nhà trường ở đại học danh tiếng tại Kyiv của Polina Sydorenko, 19 tuổi, nhanh chóng sụp đổ. Vài tuần sau khi cô sinh viên hồi hương, cuộc sống bình thường ở Kyiv mới được khôi phục. Nhưng quá trình khôi phục đâu phải ngày một ngày hai, vì nó không những bị quân Nga tàn phá trước đây, mà ngay bây giờ cũng có những đợt không kích mới, nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.
Trường của Sydorenko lại bị đóng cửa, khiến em một lần nữa phải chạy loạn tiếp sang Italy cùng với một người bạn thân. “Tình tình quá tồi tệ, giờ tụi em chẳng biết phải làm gì,” Sydorenko nói, và cho biết những người bạn của cô cũng từ bỏ ý định trở về quê hương.
Từ khi chiến tranh nổ ra, Âu châu mở cửa đón làn sóng người tị nạn đầu tiên từ Ukraine và luôn duy trì chính sách này, cho tới bây giờ. Người tị nạn Ukraine được cấp quyền di chuyển tự do trong EU, được làm việc và nhận trợ cấp để ổn định cuộc sống. Sydorenko là một trong số 173,000 người Ukraine di tản sang Italy. Các gia đình Italy và các nhóm xã hội dân sự mở cửa, quyên góp đồ dùng và giúp các học sinh, sinh viên Ukraine tiếp tục chương trình học.
Nhưng gần 10 tháng sau khi nổ ra chiến sự, không khí chào đón nồng nhiệt ban đầu đang lạnh dần, như khí trời chuyển Đông. Cộng với nạn lạm phát gia tăng và ngân sách chính phủ hạn chế, những gia đình cưu mang người tị nạn quá mệt mỏi và không còn hào hứng đón tiếp người tị nạn mới.
Khi châu Âu bắt đầu vào Đông và Nga tiếp tục không kích các cơ sở hạ tầng điện nước của Ukraine, các quốc gia thành viên Liên minh Âu châu (EU) chuẩn bị đón một làn sóng người tị nạn Ukraine. Và đó chính là mục đích của Putin, vì Nga muốn tạo ra khủng hoảng tị nạn để gây áp lực lớn hơn cho EU, theo lời ủy viên di cư của EU – Ylva Johansson.
Dưới thời Thủ tướng Giorgia Meloni, chính phủ cánh hữu mới của Italy đang kêu gọi thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn người nhập cư bất hợp pháp, cũng như áp dụng cơ chế công bằng hơn để chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn trong EU. Cùng lúc, chuyên gia nhập cư tại Trung tâm Chính sách Âu châu – Alberto-Horst Neidhardt, cho rằng những luận điệu chính trị về nhập cư đang leo thang khắp châu lục này, đồng thời nhấn mạnh những khó khăn mà nhiều nước thành viên gặp phải để đưa ra giải pháp đồng bộ. “Viễn cảnh về dòng người mới từ Ukraine và các khu vực khác có thể gây căng thẳng nhiều hơn cho nhiều nước EU,” Neidhardt nói.
Cho tới Tháng Chín vừa qua, Âu châu tiếp nhận khoảng 4.4 triệu đơn xin tị nạn của người Ukraine, dù nhiều người trong đó đã trở về nước, theo Washington Post. Các nước EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein còn tiếp nhận hơn 680,000 đơn tị nạn từ Syria, Afghanistan, các nước châu Phi và châu Á, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, theo cơ quan tị nạn EU.
Người Ukraine xếp hàng ngoài trời lạnh buốt, bên ngoài văn phòng kiểm soát passport tại nhà ga ở Przemysl, Ba Lan. (ảnh: Artur Widak/ Getty Images)
Tại Đức, nơi tiếp nhận hơn 1.1 triệu người tị nạn, chính quyền các thị trấn phải làm thêm nhiều nơi trú ẩn khẩn cấp và trưng dụng nhiều phòng gym, ký túc xá cho người tị nạn. Các thành phố đang phải xây nhà và thuê phòng khách sạn cho người mới đến. Nhưng sức người có hạn, đất đai không tự nở ra, nên chính phủ nước này cho biết sẽ không còn chỗ trong các trường học và nhà trẻ để tiếp nhận trẻ tị nạn.
Ba Lan, “người anh em láng giềng”, giúp đỡ rất nhiều cho Ukraine từ đầu cuộc chiến, nay cũng đối mặt với tình hình khó khăn. Piotr Buras, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Đối ngoại Âu châu ở Warsaw cho biết người Ba Lan lo sợ tình hình kinh tế và lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật , nên càng ngày, họ càng trở nên khó chịu với những ưu ái dành cho người tị nạn Ukraine. Thực tế, chính quyền Ba Lan đã cắt nhiều khoản hỗ trợ người Ukraine như sử dụng phương tiện công cộng miễn phí và khoản trợ cấp $67. Những tháng gần đây, người tị nạn ở Ba Lan trên 120 ngày phải chi trả 50% chi phí chỗ ở mà chính phủ nước này cung cấp.
Nảy sinh nạn thù ghét
William Flemming, nhà hoạt động người Anh của tổ chức từ thiện Kharpp, chuyên giúp đỡ người tị nạn Ukraine ở các cửa khẩu, cho biết mặc dù phản ứng ban đầu của chính quyền địa phương rất ấn tượng, nhưng vì số người tị nạn quá tải, họ không còn chỗ để ngồi chờ, không đủ đèn sưởi, nên nhiều người phải xếp hàng nhiều giờ giữa trời lạnh để đi tàu. Mà nhà ga ở Przemysl, một trong những thị trấn trung chuyển chính của người Ukraine vào Ba Lan, rất tồi tệ, chưa được tu sửa.
Những người Ukraine xếp hàng bên ngoài văn phòng việc làm ở Prague gần đây cũng không hơn gì. Zoya Valentinovna Vakulenko, 70 tuổi, đến Cộng hòa Czech từ Tháng Ba, thấy mình may mắn khi tìm được nơi ở ổn định trong trung tâm tị nạn và được trả lương vì làm lễ tân ban đêm ở đó. Nhưng không phải ai cũng được như bà. Katya, 34 tuổi, có con nhỏ, nói gia đình cô đang đối mặt với tình trạng thù ghét ngày càng nhiều ở một đất nước mà chỉ vài tháng trước còn nồng nhiệt chào đón người Ukraine. “Con tôi thường bị những đứa trẻ Czech đuổi khỏi sân chơi vì cháu nó nói tiếng Ukraine,” Katya kể.
Không chỉ trẻ con mới gặp khó khăn về ngôn ngữ, người lớn cũng vậy. Dù nhu cầu lao động ở EU lớn, những người Ukraine vẫn khó tìm kiếm việc làm vì không có kinh nghiệm hoặc chưa thể đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ.
Về nơi ăn chốn ở, tình hình đặc biệt căng thẳng ở Prague, nơi vốn có thị trường nhà ở rất cạnh tranh trước khi Cộng hòa Czech tiếp nhận 450,000 người tị nạn. Sự xuất hiện của những người tị nạn đã khiến số người ở Prague tăng thêm 7%, gây áp lực lớn cho hệ thống nhà ở công cộng và thị trường cho thuê. “Lúc đầu mọi người rất thoải mái cho người Ukraine thuê nhà, nhưng thái độ của họ giờ đã thay đổi. Dù người Ukraine sẵn sàng trả tiền, nhiều chủ nhà vẫn nảy sinh ác cảm với họ. Rất nhiều người giờ cảm thấy người Ukraine đang được ưu ái quá nhiều và họ cũng sợ những người tị nạn này sẽ đột ngột rời đi sau vài tháng,” Petra Vybiralova, nhân viên môi giới bất động sản ở Prague, nói.
Martina Kavanova, nhà phân tích của tổ chức PAQ Research, cho biết hơn 1/2 số người Ukraine ở Cộng hòa Czech sống trong những nơi chật chội, thậm chí một số thiếu phòng tắm riêng hoặc không có chìa khóa phòng riêng. Lilia Rusenko và Olha Petrenko được đưa tới một khu ký túc xá ở ngoại ô Prague. “Nhà thì không có chìa khóa đề khóa cửa, còn ban đêm thì chuột bọ tùm lum, chúng tôi ngủ mà không dám tắt đèn luôn,” Petrenko kể.
Không kể những người hồi hương, nhiều người Ukraine đang dần tìm cách thích nghi với cuộc sống mới, nhưng rất lo lắng về tương lai, khi sự nhiệt tình chào đón của Âu châu với người tị nạn Ukraine đang phai nhạt. Bi kịch là ở chỗ đó!