Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ ngày 26/10 đã đi vào hải phận sát với 2 bãi đá nổi trong quần đảo Trường Sa, mang tên đảo đá Subi và đảo đá Vành Khăn , tên Trung quốc là đảo Chữ Bích và đảo Mỹ Tế.
Đây là 2 đảo nhân tạo đắp trên bãi đá, khi chìm khi nổi, Trung Quốc đã bồi đắp 2 năm nay, không được quốc tế công nhận theo Luật về Biển, nhưng Trung Quốc đơn phương tự nhận là thuộc « vùng biển cốt lõi không thể tranh cãi » của họ.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố trước từ đầu tháng 10 rằng Hoa Kỳ sẽ cho tàu chiến đi vào vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa, chỉ chờ lệnh của Tổng thống. Và ngày 26/10 Tổng thống B. Obama đã ra lệnh cho tàu hải quân Hoa Kỳ được phép đi vào vùng Biển Đông của Việt Nam, nơi Trung quốc tự nhận là Nam Hải của họ.
Đây là một hành động rõ ràng, công khai, đàng hoàng của Hoa Kỳ , được báo trước.
Cái lý của Hoa Kỳ và dư luận thế giới là mọi nước có quyền tự do thông thương hàng hải ở bất kỳ nơi nào là hải phận quốc tế, không loại trừ một nơi nào, đó là quyền tự do của hàng hải quốc tế, để cho tàu mọi nước qua lại tự do trong thời đại toàn cầu hóa.
Hai tuần nay, phía TQ liên tiếp lên tiếng khẳng định các bãi đá - đảo nhân tạo nói trên là thuộc vùng lãnh hải của họ, không tàu nước ngoài nào được vào trong hải phận 25 hải lý quanh các đảo nếu không có phép , còn răn đe là hải quân TQ sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Thế nhưng phía Hoa Kỳ dứt khoát không thể để cho TQ lũng đoạn một vùng biển hàng hải tự do quốc tế, từ chỗ biến các đảo nhân tạo đó thành những căn cứ quân sự riêng của mình. Nếu nước nào cũng đắp các rặng đá ngầm thành đảo nhân tạo rồi nhận vơ đó là vùng biển của riêng mình thì thế giới sẽ hỗn loạn, thông thương trên biển sẽ bị trở ngại và đảo lộn.
Hơn thế, trong cuộc gặp Tổng thống B. Obama trong Nhà Trắng mới đây, ông Tập Cận Bình đã long trọng, công khai tuyên bố « Trung Quốc không hề có ý định quân sự hóa
các đảo trong vùng biển này“. Ngay sau đó Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hàng loạt ảnh vệ tinh các đảo nhân tạo nói trên, được thấy rõ trên 2 hòn đảo nhân tạo này, TQ đã xây dựng những căn cứ quân sự như trại đóng quân, đèn biển, trạm ra đa, đặc biệt là một đường băng cho máy bay rộng 60 mét, dài 2.200 mét, đang kéo dài ra 3.000 mét cho máy bay quân sự lên xuống trên bãi đá Subi. Tổng bí thư Cận nói láo !
Bất chấp lời tuyên bố có vẻ lên gân mạnh mẽ, “cảnh báo nghiêm khắc” của Bắc Kinh, tàu khu trục USS Lassen mang tên lửa Tomahawk đã đàng hoàng đi vào vùng biển gần sát 2 đảo nhân tạo nói trên, trong vùng 25 hải lý, tỏ rõ ý chí của Hoa Kỳ là khẳng định đây là vùng biển quốc tế, dứt khoát bác bỏ ý định của TQ là độc chiếm một vùng biển quốc tế, xây dựng trên đó những cơ sở quân sự phi pháp.
Vì sao Hoa Kỳ chọn USS Lassen cho cuộc thâm nhập công khai vào vùng biển quốc tế mà TQ nhận liều là của riêng họ? Đây là tàu hải quân thuờng ghé qua các cảng Đông Nam Á và Nhật Bản, rất quen thuộc vùng biển này, từng nhiều lần chạm trán với các tàu TQ trong vùng. Điều lý thú là tàu USS Lassen từng ghé thăm cảng Đà Nẵng tháng 11/2009, lúc ấy do hạm trưởng Lê Bá Hùng, người gốc Việt chỉ huy.
Lần này phản ứng của phía Trung Quốc ra sao ?
Họ không có môt hành động quân sự ngăn cản hay cảnh cáo nào.
Họ chỉ còn biết đánh võ mồm, qua chiếc loa của bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị , vẫn khẳng định rằng đây là vùng biển TQ, khuyến nghị Hoa Kỳ “hãy thận trọng xem xét lại hành động nguy hiểm”…, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại triệu tập Đại Sứ Max Baucas nói lên “cực kỳ bất bình”, “ kiên quyết phản đối “, “yêu cầu phía Hoa Kỳ lập tức uốn nắn sai lầm, tránh tiếp tục làm tổn hại quan hệ song phương” ( theo tin của mạng Chuyển hóa 28/10).
Về hành động phía TQ đã cho tàu hướng dẫn và hộ tống Giang Khải và Giang Hổ đi gần tàu Hoa Kỳ, nhưng không có một hành động chống đối náo động nào. Vùng biển vẫn êm ru.
Đây là một tiền lệ để sắp tới tàu Hoa Kỳ và các nước sẽ đàng hoàng, tự do đi lại trong vùng biển này. Theo báo Mỹ và le Monde / Pháp (28/10), ngoại trưởng J. Kerry tuyên bố ngay rằng “ Bất kỳ tàu chiến hay tàu nhỏ đánh cá nào của bất kỳ nước nào trên nguyên tắc đều có quyền di chuyển trong mọi vùng biển quốc tế, và quyền này phải được mọi nước tôn trọng “.
Như vậy là tàu chiến USS Lassen đã làm tròn sứ mệnh nắn gân cốt của nhà cầm quyền Bắc Kinh, kẻ luôn “khẳng định chủ quyền không thể bàn cãi” của họ trong khắp vùng biển Đông. Nói cho vui, đây là cuộc vuốt râu hùm Bành trướng, con hùm đã không dám dơ nanh vuốt ra đối phó. Tuy vẫn đánh võ mồm, nhưng hành động đối phó quả là “nhã nhặn”, biết điều.
Cuộc vuốt râu hùm bành trướng diễn ra đúng lúc Đảng CS TQ khai mạc cuộc họp Ban chấp hành TƯ lần thứ 5 của kỳ XVIII, một cuộc họp quan trọng, định ra chính sách cho 5 năm tới. Hành động này nắn gân luôn hơn 200 ủy viên TƯ của đảng CS TQ.
Điều khá lý thú là các báo Hoa Kỳ và phương Tây rất nhạy cảm, kịp thời đưa tin, bình luận về sự kiện hệ trọng này, như CNN của Mỹ, Kyodo News của Nhật bản, the Guardian / Anh quốc, trong khi đó 2 chiếc loa chính là báo Nhân Dân và Quân đội ND của đảng CS thì vẫn im re, lại đăng tin thuật lại lời của Đại tướng Phùng Quang Thanh và tướng Nguyễn Chí Vịnh nhân cuộc họp quốc hội, về giữ “quan hệ tốt đẹp, hòa khí giữa 2 nước” ! Thật là lạc lõng, vô duyên , trơ tráo và nhục nhã không để đâu cho hết !
Điều lý thú nữa là các báo lề phải Thanh Niên, Tuổi Trẻ và VN Express đã đăng tin, nhưng không bình luận, trong khi các mạng tự do truyền tin rất nhanh, có bình luận.
Bravo ! tàu USS Lassen đã có một cuộc tuần du thú vị, được ghi vào lịch sử chống Bành trướng ! Toàn dân Việt Nam ta hãy vỗ tay hoan hô !
Bùi Tín