Hơn bốn năm qua, mục “Kinh tế cũng là Chính trị” đã nhiều lần nói về vụ khủng hoảng của khối tiền tệ Euro nằm trong sự phân rã chậm rãi mà khó tránh của Liên hiệp Âu châu. Vì vậy, biến cố “Brexit” tuần qua không thể là chuyện lạ. Bất ngờ ở đây là vì sao người ta lại ngạc nhiên, và tại sao các thị trường tài chánh lại bàng hoàng rớt giá và mất cả ngàn tỷ đô la?
Đâm ra, sự ngạc nhiên ấy mới là điều đáng ngạc nhiên! Tại sao vậy?
Từ nhiều năm rồi, Liên Âu trôi vào giai đoạn đình trệ kinh tế, với tốc độ tăng trưởng ngày một thấp hơn. Chiều hướng ấy thật ra khởi sự từ 1970, với đà tăng trưởng sản xuất của cả Âu Châu cứ giảm dần, từ 3,2% một năm xuống 2,5 rồi 2,2 và chỉ còn 1,2% một năm khi thế giới bước vào Thế kỷ 21. Tình hình trở thành nguy kịch hơn sau vụ khủng hỏang tài chánh năm 2008, nhưng người ta cứ cho là tại nước Mỹ mà không thấy ra những yếu kém tương tự tại Âu Châu trong các thị trường gia cư và ngân hàng. Trong khu vực Liên Âu có 28 nước và khối Euro có 18 thành viên, tình trạng khủng hoảng kinh tế đặc biệt nổi bật tại các quốc gia ở miền Nam, từ Pháp trở xuống, với số thất nghiệp thường xuyên mấp mé 10%.
Hệ thống Liên Âu không thể vận hành hoàn hảo. Vậy mà một số người cho rằng về dài thì cũng sẽ giải quyết được bài toán ấy và còn nói rằng Vương quốc Anh Thống nhất United Kingdom có thể là góp phần là giải pháp nên cũng có lợi. Họ là những ai? Là những người chủ trương việc Anh Quốc vẫn nên ở trong Liên Âu.
Dẫn đầu trường phái lạc quan đó là các thành phần có tiền, có quyền, và có tiếng. Có tiền là giới đầu tư tài chánh; có quyền là các chính khách; và có tiếng là truyền thông thuộc dòng chính, những người thừa chữ nghĩa và lý luận để hướng dẫn dư luận.
Giới đầu tư thì đầy khả năng kiếm tiền, dù thị trường lên hay xuống giá, khi kinh tế suy trầm hay tăng trưởng. Họ chỉ e ngại một điều là sự bất trắc khó lường. Vì vậy, có thể là từ trong tiềm thức họ đã thiên về giải pháp lạc quan là duy trì hiện trạng, là Anh Quốc không đi. Và họ tự củng cố niềm tin ấy qua việc tiếp xúc hay vận động các thành phần có quyền và có tiếng.
Vì vậy, nhận định chung của giới ưu tú này đã có sự thiên lệch – mà họ không biết.
Sở dĩ không biết vì khi kiểm chứng với các cơ quan thăm dò ý kiến thì ai cũng thấy trào lưu “Ở” vẫn chiếm đa số nếu so với trào lưu “Đi” (Remain vẫn đông hơn Brexit).
Có một lý do khác giải thích hiện tượng này. Các ccơ quan khảo sát đều dùng phương trình khoa học tinh vi để xác định dân số mẫu và tiến hành việc thăm dò chủ yếu qua điện thoại với mã số địa phương là cách định vị đối tượng. Nhưng thế giới đã đổi thay, điện thoại cố định ở nhà là sản phẩm bị điện thoại di động thay thế trên thị trường. Dân nghèo và cao niên còn dùng điện thoại cố định, chứ giới trẻ, thành phần có học và có tiền thì dùng điện thoại thông minh, dù giữ mã số địa phương thì người chủ đã bay bổng làm việc ở nơi khác. Vì vậy kết quả khảo sát bị sai lệch. Chưa kể là nhiều cơ quan thăm dò ý kiến lại thực hiện việc thăm dò cho các thân chủ, là giới có tiền, có quyền hay có tiếng.
Một thí dụ kiểm nghiệm tại “hiện trường” Anh Quốc vào đêm 23 rạng 24 là dự báo tỷ lệ Đi/Ở là 48/52 ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa. Nhưng kết quả sau đó là hoàn toàn trái ngược! Kết quả ấy cũng khác hẳn nhiều cuộc thăm dò về tâm lý chống hay thuận với Âu Châu tại từng địa phương trong Vương quốc Anh Thống nhất.
Nói vắn tắt thì những người lạc quan không kịp thấy nhiều đổi thay sâu xa và cứ nghĩ như nhau, rằng ngày mai trời lại sáng. Chưa kể là họ còn có thói khinh thường đối lập.
Với họ, thành phần đòi rũ áo ra đi chẳng biết gì về sự tinh vi của trung tâm tài chánh City, chỉ có tinh thần dân tộc bảo thủ, già nua, hoặc thất thế vì không theo kịp sự tiến hóa của nhân loại. Các lãnh tụ chủ trương ra đi như Nigel Farage của đảng UK Independence Party hay cựu Đô trưởng Boris Johnson của đảng Bảo Thủ Anh cũng cực đoan dị hợm chẳng khác gì nhân vật Donald Trump của Hoa Kỳ!
Hiện tượng ấy không là đặc thù của Anh Quốc mà là một sự phổ biến.
Thành phần ưu tú của một thế giới toàn cầu hóa, là doanh gia, chính khách, trí thức hay bình luận gia quốc tế không thèm để ý rằng thế giới ở dưới chân họ đã có sự chuyển dịch đáng ngại. Thành phần bình dân và giới trung lưu đang thất thế từ nhiều năm nay có cái nhìn khác về tương lai và muốn thay đổi bằng lá phiếu. Họ không tin vào đẳng cấp ngồi trên và đòi một trật tự khác. Giới ưu tú thì cho rằng mình thừa sức vượt qua làn sóng bất mãn này mà không ngờ là bị quét vào bờ.
Còn trật tự mới là gì thì chưa ai biết!
Vấn đề không chỉ là kỷ cương ngân sách, biện pháp giảm chi để trả nợ, hoặc chánh sách kinh tế tự do hay thiên tả. Liên Âu mất tám năm tranh luận về các giải pháp ấy mà chẳng hiệu quả. Vấn đề không chỉ là quyền quyết định của các quốc gia khi tung tiền chuộc nợ cho ngân hàng, có quyền bội chi ngân sách quá một tỷ lệ nào đó, hay phân phối hạn ngạch tiếp nhận di dân, v.v… Vấn đề không là tình trạng mặc nhiên xé rào của nhiều thành viên, như Pháp, Ba Lan hay Hung, mà chẳng chịu hậu quả.
Vấn đề cũng chẳng thu hẹp vào sự đối lập của 52% dân Anh với các công chức nặc danh mà có đầy quyền hạn tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu hay quyền tự quyết của người Anh trước các hồ sơ an ninh hay kinh tế. Nhìn từ Hoa Kỳ, vấn đề cũng không chỉ là phản ứng bực bội của dân Anh sau khi Tổng thống Barack Obama qua tận London để răn đe rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Âu thì sẽ nối đuôi đứng ở cuối hàng để xin làm ăn với nước Mỹ! Chẳng những Obama can thiệp vào cuộc tranh luận nội bộ của Anh mà còn lời hăm dọa, không chỉ xếp hàng mà còn đứng ở dưới đuôi. Ông là tiêu biểu cho thành phần ưu tú.
Vấn đề thuộc về lãnh vực chính trị hơn kinh tế, là trong các xã hội dân chủ, phân nửa dân số lại không biết và chẳng thèm đối thoại với phân nửa kia. Và những kẻ quyền thế nhất lại thiếu trí tưởng tượng để tìm ra sự thật ở ngoài vòng quen biết cố hữu của họ. Vì vậy, họ cứ tưởng rằng hiện trạng có thể tiếp tục, cho tới khi hiện trạng chấm dứt với biến cố Brexit.
Sau khi Ngoại trưởng của sáu quốc gia sáng lập Âu Châu thống nhất là Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg, lên giọng răn đe Anh Quốc hôm Thứ Sáu, rằng nếu đã muốn đi thì hãy đi cho sớm, hôm Thứ Bảy 25 họ phải xuống giọng xề trong bản thông cáo chung.
Rằng Liên Âu công nhận nhiều cấp tham vọng khác biệt của các thành viên trong tiến trình hội nhập Âu Châu, sẽ tập trung nỗ lực giải quyết những thách đố này bằng đáp án chung, để lại cho các cấp quốc gia và địa phương thẩm quyền giải quyết những vấn đề kia. Tức là sau khi dân Anh rũ áo, giới lãnh đạo trôi vào khủng hoảng, nhiều nước khác thì vùng vằng do dự, Liên Âu đang lui về tư thế của một câu lạc bộ kinh tế. Nói văn hoa là một khu vực tự do thương mại hơn là một tập thể thống nhất về chính trị.
Sau 70 năm có tham vọng hội nhập thành một Liên bang Âu châu, Liên hiệp Âu châu vừa tuột xích và đang tìm một trật tự khiêm nhường hơn mà chẳng thỏa mãn một ai. Thực tế trước mắt thì ác ôn hơn vậy vì thị trường và chính trường cứ chao đảo như chảo rang. Các đại gia đầu tư mất tiền, các chính đảng truyền thống bị đảo chánh hợp pháp ngay trước mắt thiên hạ.
Nhiều người muốn nhảy ra khỏi cái chảo nóng, và có khi rơi xuống lửa. Đó là thời sự của mấy ngày tới, trong khi thế giới Hồi giáo hực lửa và nhiều nơi khác tự bảo nhau, rằng đừng học theo phương thức hội nhập trong hòa bình của Âu Châu!.... Bắc Kinh vừa mất đầu cầu London để chinh phục thị trường Liên Âu nhưng lại được một lợi thế tuyên truyền: đừng theo Tây phương mà dại.
Dễ sợ biết mấy.
Theo dainamaxtribune.blogspot.de/