Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Giờ này năm ngoái, màn trao đổi qua lại bằng những “lời xỉ vả” hiếm có giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn chung quanh các vụ thử hoả tiễn mang đầu đạn hạt nhân liên tiếp của Bình Nhưỡng, hoà bình thế giới có vẻ đang đứng trên bờ vực thẳm. Nhưng cuối cùng ngày 12/6/2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cũng được dàn xếp gặp nhau tay bắt mặt mừng ở Singapore để gọi là “xúc tiến hoà bình”.
Cuộc họp được cả thế giới mong đợi, tưởng chừng hoà bình sắp ló dạng trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều thập niên căng thẳng, dù cuộc chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt bằng một thoả hiệp ngưng bắn tạm thời từ năm 1953.
Thế nhưng cuộc gặp gỡ của Trump và Kim ở Singapore đã không mang lại những kết quả như người ta trông chờ. Ngoài những lời trao đổi, hứa hẹn hào nhoáng, dư luận đánh giá đó chỉ là những màn kịch xã giao quốc tế mà phía sau còn ẩn chứa nhiều bất đồng sâu sắc. Khả năng biến những lời hứa hẹn giữa hai bên thành hiện thực tốt đẹp thật ra chỉ đáng khuyên con số không.
Đầu năm 2019, tức gần 8 tháng trôi qua, sau những chuyến đi con thoi dàn xếp giữa Hoa Thịnh Đốn và Bình Nhưỡng của các viên chức cao cấp đôi bên, Tổng thống Trump loan báo cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với lãnh tụ Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam trong 2 ngày 27 và 28/2, thay vì Đà Nẵng như lời đồn đại trước đó.
Tự dưng Hà Nội lại trở nên nổi tiếng. Việt Nam trở thành địa điểm tổ chức cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa hai nhân vật có vẻ như đang nắm chìa khoá của nền hoà bình thế giới. Hãy còn quá sớm để nói đến một kết quả nào đó mang tính thực chất, nhưng ít ra trên bề nổi sự kiện hai phía chấp nhận ngồi lại lần thứ hai là một tin tức đáng quan tâm.
Trước hết, việc chọn Việt Nam để gặp nhau là điều dư luận chung có thể hiểu. Vì lẽ ngoài Singapore, ông Kim Chính Ân chỉ có thể đến Hà Nội hoặc Bắc Kinh là nơi tương đối an toàn cho tính mạng mình. Còn những địa điểm khác như Bangkok, Manila, Kuala Lumpur hay Tapei của các quốc gia Á Châu, không có thủ đô nào an toàn cho lãnh tụ Bắc Hàn. Mà nếu chọn Nga hay các quốc gia Âu Châu thì lại không tiện cho ông Trump và có thể ông Kim cũng không muốn cho lắm. Vì thế, Hà Nội là địa điểm dù không muốn hai người cũng phải đến, nếu không muốn ghé Tân Gia Ba một lần nữa.
Nhưng từ lúc đầu, họ đã có dự tính gặp nhau ở Đà Nẵng vì đây là nơi thuận tiện nhất bàn chuyện riêng tư giữa Mỹ và Bắc Hàn. Đà Nẵng đã từng là địa điểm tổ chức Hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương) tương đối suôn sẻ vào cuối năm 2017 mà ông Trump đã đến tham dự cùng với 20 lãnh đạo các quốc gia thành viên. Ngoài ra trong thâm tâm, Trump cũng nghĩ rằng tới Đà Nẵng lần này mình khỏi phải bận tâm chào hỏi xã giao các lãnh đạo Hà Nội. Nhưng cuối cùng, chính ông Kim lại muốn cuộc họp diễn ra tại Hà Nội, để có thể sau đó làm một chuyến công du Việt Nam. Không để cơ hội thượng đỉnh lần hai bất thành, ông Trump phải chìu theo ý Kim để thúc đẩy tiến trình hoà bình như mong muốn của cả hai bên.
Đó là lý do cắt nghĩa vì sao nói Hà Nội đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh.
Bởi vì ngay sau khi có tin Hà Nội được chọn làm địa điểm cho cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng đăng đàn chỉ thị thành phố Hà Nội phải giúp tổ chức hội nghị thành công lớn. Tức là Hà Nội phải chịu chi ra nhiều triệu đô-la trong công tác tổ chức, vẽ vời hoa lá cành để có được một dịp chia chác lẫn nhau mà đáng lý ra Đà Nẵng được hưởng. Hà Nội phải vừa có tiếng vừa có miếng, mà phải là miếng ngon.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng vội nhào qua Bắc Triều Tiên gọi là thăm hữu nghị theo lời mời, cũng như với lý do để phối hợp chuẩn bị cho chuyến công du của lãnh tụ Kim. Trước đó Phạm Bình Minh còn khoe khoang lố bịch là để giúp Triều Tiên chuyển hóa nền kinh tế theo gương Việt Nam. Đúng là ngành ngoại giao cũng “tranh thủ” trước Ban Tuyên giáo, lợi dụng cơ hội để tuyên truyền đánh bóng mình. Chìm đắm trong nợ nần, kinh tế quốc doanh lụn bại trầm trọng, hoạt động công quyền thiếu hiệu quả, tình trạng nhân quyền bị chà đạp, nạn tham nhũng nằm ngay trong cơ quan chống tham nhũng thì Việt Nam còn mong gì để giúp Bắc Hàn chuyển hoá kinh tế?
Hầu như dư luận đều có chung một cảm nhận là cuộc hội đàm tay đôi này rồi cũng chẳng đi tới đâu. Bởi người ta thấy ước mơ của Hoa Kỳ và Bắc Hàn vẫn còn là điều mơ ước của riêng hai nhà lãnh đạo, chứ không phải là một kế hoạch được tiến hành sau những bàn thảo hoặc có ủng hộ từ các quốc gia liên hệ trong vùng.
Phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên khó trở thành hiện thực khi Tập Cận Bình vẫn còn đang ấp ủ “Giấc Mộng Trung Hoa”, vẫn muốn qua mặt Mỹ để lãnh đạo thế giới ngay trong thế kỷ 21 này. Vậy làm sao Tập có thể để Bắc Hàn tiến tới với Trump. Mặt khác, đối với Bắc Hàn, tham vọng hạt nhân của họ đã kéo dài từ đời ông đến đời cha mà mãi đến nay đời cháu Kim Chính Ân mới đạt được ước mơ.
Với biết bao công sức, tiền của bỏ ra, Bắc Hàn không dễ gì từ bỏ tham vọng của mình khi đã bắt đầu đặt chân được vào ngôi nhà của những quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Nếu không đạt được những điều kiện thuận lợi và có sự bảo đảm minh bạch sự sống còn cốt lõi của đất nước từ Mỹ và Tây Phương nói chung, việc giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn sẽ còn treo lâu dài giữa những bàn hội nghị vô bổ.
Nói cách khác, thời gian này chưa phải là lúc giải quyết vấn đề an ninh của bán đảo Triều Tiên hay nói rộng ra là hoà bình thế giới. Con chim hoà bình vẫn đang đau nặng khi Hoa Kỳ và Nga trước sau rút khỏi Hiệp ước về vũ khí nguyên tử tầm trung (INF Treaty – Intermediate-Range Nuclear Forces), trong khi ở Trung Đông Iran tiếp tục thủ đắc và thí nghiệm hoả tiễn loại mới nhất.
Đây là lúc mà cuộc xung đột Mỹ – Trung phải được ngã giá cho xong trên mọi lãnh vực của tham vọng bành trướng trong thế kỷ này của Bắc Kinh. Đó có thể coi như những mặt trận đối đầu gay cấn từ chính trị, lãnh thổ, kinh tế đến thương mại, văn hoá. Tuy nhiên mong muốn đạt được một Hiệp định thương mại song phương với Bắc kinh vẫn là mục tiêu trước mắt của Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, trên bàn cờ thế giới các nhà ngoại giao mới có thể tính tiếp cho một nền hoà bình lâu dài tại bán đảo Triều Tiên.
Bởi lẽ đó, bất cứ một thượng đỉnh nào khác trong tương lai, bắt buộc phải có mặt Nhật Bản, Nam Hàn, Nga, Trung Cộng đã từng tham dự các hội nghị giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên mà không chỉ Mỹ nói chuyện tay đôi với Bắc Hàn.