Cái giá phương Tây phải trả nếu cắt cầu với Trung Quốc

Von Frank Stocker - Welt
Nguyễn Xuân Hoài
 
Bắc Kinh tiếp tục tập trận đe dọa Đài Loan. Nếu Đài Loan bị tấn công, có thể làm cho quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây bị kết thúc. Các nhà kinh tế đã xem xét điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế và thị trường tài chính.
 
Quân đội Trung Quốc tiếp tục "luyện công". Lẽ ra các cuộc diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan phải kết thúc hôm chủ nhật, nhưng theo truyền hình nhà nước Trung Quốc, tập trận vẫn đang diễn ra. "Quân Giải phóng Nhân dân TQ" tập trung vào "các hoạt động chung chống lại tàu ngầm và các cuộc tấn công trên biển". Một số nhà bình luận Trung Quốc thậm chí còn cho rằng các cuộc tập trận quân sự sẽ diễn ra thường xuyên và có thể trở thành một bình thường mới. Mối đe dọa thường trực về một cuộc chiến tranh thôn tính Đài Loan có thể hình thành.
 
Nếu Trung Quốc thực sự xâm lược Đài Loan, sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Khi đó thế giới tự do có thể sẽ phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Kết quả sẽ là sự tách biệt kinh tế của phương Tây với Trung Quốc, với những hậu quả nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp ở Đức và thị trường chứng khoán.
 
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Đức trước Hà Lan và Hoa Kỳ. Năm 2021 Đức nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trị giá 142,3 tỷ Euro, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc trị giá 103,7 tỷ Euro.
 
Gấp sáu lần cái giá phải trả vì Brexit
 
Viện Ifo đã tính toán hệ quả cụ thể đối với nền kinh tế Đức nếu những mối quan hệ bền chặt này bất ngờ bị xé bỏ. Kết quả là: Việc tách EU và Đức khỏi Trung Quốc sẽ khiến Đức thiệt hại gần sáu lần so với Brexit.
 
Bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ là ngành công nghiệp ô tô, mất khoảng 8,5% giá trị gia tăng, tức là khoảng 8,15 tỷ euro. Tiếp theo là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị vận tải, mất 5,1% doanh thu (1,5 tỷ euro) và kỹ thuật cơ khí giảm 4,3% (5,1 tỷ euro).
 
Tất nhiên, không chỉ kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển như vậy. Joshua Kutin, chiến lược gia đầu tư của nhà đầu tư Columbia Threadneedle, tin rằng cả thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc.
 
Kutin cũng đã xây dựng một kịch bản trong trường hợp phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với Trung Quốc. Và theo quan điểm của ông, có một điều rất rõ ràng: “Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với Nga.” Do đó, ảnh hưởng sẽ lớn hơn.
 
Ông cho rằng trong trường hợp như vậy, các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới sẽ thua lỗ trầm trọng. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, ông tính có thể âm 20%, đối với Châu Âu, mức thua lỗ có thể là 27% và đối với khu vực Châu Á / Thái Bình Dương thậm chí còn tệ hại hơn, 34%.
 
Kutin nói: “Tất nhiên, những điều này không nên được coi là những dự báo chính xác. Đây chỉ là các con số tương đối. Nhìn chung, thị trường tài chính Mỹ vẫn sẽ bị giảm nhẹ nhất, một phần do nền kinh tế Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, rất nhiều tiền có thể đổ vào Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới vì nơi này được coi là bến đỗ an toàn nhất.
 
Mặt khác, châu Âu và châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn về mặt kinh tế. Ở châu Á, có một thực tế là chứng khoán Trung Quốc hiện có tỷ trọng đáng kể trong nhiều chỉ số châu Á. Do đó, các thị trường chứng khoán ở đó có khả năng bị ảnh hưởng tương đối nhiều nhất.
 
Nói chung là tình hình khá tệ hại. Viện Ifo còn đi xa hơn một chút trong phân tích của mình. Ifo cũng đã kiểm tra xem mọi thứ có thể tiến triển như thế nào trong trung hạn sau các lệnh trừng phạt quyết liệt và sự tách rời trên thực tế của nền kinh tế châu Âu khỏi Trung Quốc.

Các thỏa thuận với Hoa Kỳ có thể giảm bớt hậu quả
 
Để xử lý vấn đề này đã mô phỏng năm kịch bản. Thứ nhất, việc các nước phương Tây tách khỏi Trung Quốc được kết hợp với một thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và EU. Một thỏa thuận như vậy có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của việc Trung Quốc tách rời nền kinh tế Đức và Mỹ, nhưng không bù đắp được hoàn toàn .
 
Tuy nhiên, lợi ích kỳ vọng từ mối quan hệ thương mại mở rộng với Mỹ sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí quay lưng lại với Trung Quốc. Cuối cùng, chi phí ròng sẽ xấp xỉ ở mức tương đương với chi phí dự kiến của Brexit.
 
Florian Dorn, người đã tham gia nghiên cứu này kết luận: “Nếu Đức với tư cách là một quốc gia xuất khẩu muốn thiết kế lại mô hình kinh doanh của mình, thì việc quốc hữu hóa chuỗi cung ứng không phải là giải pháp giúp ích cho nền kinh tế”. Sẽ hứa hẹn hơn nếu ký kết các quan hệ đối tác chiến lược và các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia cùng chí hướng như Hoa Kỳ. Ông nói: “Điều này nên là mục tiêu của chính sách kinh tế Đức và châu Âu.
 
Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất sẽ là tình hình sẽ không đi xa đến vậy, lý trí sẽ chiếm ưu thế ở Bắc Kinh. Song điều đó có thể gặp khó khăn. Một thông điệp trên Twitter từ Hua Chunying, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho thấy tình hình khó khăn như thế nào.
 
Phát ngôn viên này lập luận rất nghiêm túc rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc vì ở đó có rất nhiều tiệm ăn cung cấp thực phẩm cho các tỉnh của Trung Quốc. Những người dùng Twitter khác sau đó lưu ý rằng có rất nhiều chi nhánh của McDonald ở Bắc Kinh./.
 
Ảnh: Lính Trung Quốc quan sát khinh hạm "Lan Yang" của Đài Loan.
 
Nguồn:https://www.welt.de/.../Taiwan-Konflikt-So-teuer-waere...