Câu chuyện ly kỳ về Jacky Ly

Jacky Ly cùng bố và em gái (ảnh nhân vật cung cấp)
 
 
Khó có thể biết Lý Vĩnh Thắng – tên tiếng Việt của Jacky Ly – sẽ trở thành người như thế nào nếu Thắng và gia đình vẫn còn ở một ngôi làng nghèo miền núi ở Phó Bảng, Hà Giang. Có thể Thắng là một “học sinh nghèo vượt khó” xuất sắc nhưng cũng có thể Thắng chỉ là một anh nông dân chăn bò, làm nương rẫy, như thời niên thiếu, và chôn cuộc đời ở một ngôi làng nhỏ đến mức thậm chí gần như “không có tên” trên bản đồ các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Câu chuyện về Jacky Ly là trường hợp điển hình của vô số gia đình Việt Nam trong đó việc quyết định tìm kiếm tự do bằng con đường vượt biên là chọn lựa duy nhất và quyết định đó đã mang lại những bước ngoặt thay đổi khó có thể ngờ…
 
Băng rừng vượt biên
 
Việc chuẩn bị được thực hiện chu đáo và cẩn thận. Trước khi đưa cả nhà đi, ông Lý Hội Quyền – cha của anh Lý Vĩnh Thắng – đã một mình lẻn sang Vân Nam-Trung Quốc để dò xét và tìm chỗ ở tạm. Một đêm năm 1987, Thắng – lúc đó 10 tuổi – cùng hai chị và đứa em gái được bố mẹ chở trên xe đạp. Hành lý mang theo chỉ là vài bộ đồ và ít thức ăn. Họ bắt đầu cuộc hành trình bí mật. Phải kín đáo và thận trọng tuyệt đối. Chỉ một dấu hiệu đáng ngờ, họ cũng có thể bị hàng xóm trình báo và bị công an bắt. Đây là lần thứ hai họ vượt biên. Lần thứ nhất, đi từ Hải Phòng, trước đó vài năm (1979), đã thất bại. Sau chuyến đi không thành đó, gia đình ông Lý đến sống ở Tân Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Họ lầm lũi sinh nhai bằng nghề nông. Tuy nhiên, ông Lý vẫn âm thầm tìm cách thoát. Hành trình vượt biên lần thứ hai khởi hành từ đây, cách biên giới Việt-Trung đến 400 km.
Băng qua biên giới một cách an toàn là điều không đơn giản. Vết tích cuộc chiến Việt-Trung 1979 vẫn còn in đậm. Cả hai bên biên giới đều đầy mìn và bẫy chông. Để tránh bị phát hiện bởi lính biên phòng của cả hai bên, gia đình ông Lý phải len lỏi đi trên những con đường mòn nhỏ, xuyên rừng. Có những đoạn ông Lý phải cõng đứa con gái sáu tuổi gần như suốt ngày lẫn đêm (sau này khi kể lại, ông nói rằng nếu không phải là cô con gái của ông mà là khối vàng thì ông cũng sẵn sàng vất bỏ vì quá cực nhọc).

Đại tá Jacky Ly cùng vợ và con (ảnh MK)
 
Sau 14 ngày, gia đình ông Lý vào đất Vân Nam-Trung Quốc. Thở phào. Nhưng chưa nhẹ nhõm. Không giấy tờ tùy thân, họ có thể bị nghi ngờ, tố giác và bị công an Trung Quốc bắt đuổi trở về Việt Nam. Cả nhà ông Lý phải di chuyển liên tục và có khi phải chia ra ở rải rác. Họ chỉ tá túc một chỗ trong vài tuần rồi lại tìm nơi khác. Cuối cùng, họ đến Phòng Thành, Quảng Tây. Tại đây, ông Lý cùng một số người Việt khác, cũng vượt biên trốn khỏi Việt Nam, tìm cách đi khỏi Trung Quốc. Họ tìm được một đầu mối giới thiệu mua thuyền và thuê tài công. Họ dự tính thoát đến Macau. Nếu Macau từ chối nhận tỵ nạn, họ sẽ đi Hong Kong. Nếu Hong Kong khước từ, họ sẽ đi Nam Triều Tiên. Nếu lại bị từ chối, họ sẽ đi Nhật Bản!

Ảnh ID của Vĩnh Thắng-Jacky tại trại tỵ nạn Hong Kong (ảnh nhân vật cung cấp)
 
Ngày 18-6-1988, 72 người tỵ nạn, trong đó có sáu thành viên gia đình ông Lý, lục tục xuống chiếc thuyền đánh cá cũ nát. Con thuyền dài 12m-rộng 3m chỉ có mái che sơ sài cho khoang động cơ. Mọi người mang theo lương thực cho khoảng 30 ngày và phó mặc số phận cho hai tài công. Sau vài ngày lênh đênh, giữa cái nắng lột da và những cơn đói dữ dội, họ bị một trận bão dập tơi bời, những tưởng thuyền bị lật úp và tất cả chết đuối giữa biển. Khi đến Bắc Hải, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc, họ lại bị một “cú sét đánh” thậm chí choáng váng hơn: qua radio, họ biết tin Macau lẫn Hong Kong vừa tuyên bố ngưng nhận người tỵ nạn Việt Nam. Bất kỳ người tỵ nạn Việt Nam nào đến Hong Kong sau ngày 16-6-1988 đều bị đưa vào trại tập trung để trả lại quê nhà. Không lẽ quay về? Họ liều mạng đi tiếp.
 
Sau 13 ngày “nướng” mình dưới nắng biển, họ đến gần Macau. Hai tài công rời thuyền. Họ được thuê chỉ để đưa mọi người đến đây, như thỏa thuận. Một người Việt, tên Thái, bất đắc dĩ trở thành người lái thuyền. Sự thiếu kinh nghiệm đi biển lập tức được “trả giá” sau đó khi thuyền va vào đá ngầm. Hỗn loạn và sợ hãi. Thật may là họ được cảnh sát biển Macau phát hiện và cứu. Sau khi giúp sửa thuyền, cảnh sát Macau yêu cầu tất cả rời đi. Mọi người lại ra khơi, gần như trong vô vọng. Cuối cùng, ngày 1-7-1988, thuyền đến Hong Kong. Đây là con thuyền thứ 47 của người tỵ nạn Việt Nam đến sau khi Hong Kong ban bố chính sách mới dành cho người tỵ nạn kể từ ngày 16-6-1988.
 
Những năm tháng ở trại tỵ nạn Hong Kong in sâu ký ức Thắng. Nếu không được bố mẹ và hai chị dạy bảo và che chở, Thắng rất có thể đã trở thành đứa bé hư hỏng đi theo đám băng nhóm giang hồ thuộc thành phần tỵ nạn đến từ các tỉnh khác của Việt Nam. Trại tỵ nạn chật chội, đông đúc, với đủ thành phần phức tạp, đã tạo thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ nơi người ta không chỉ giành giật miếng ăn mà còn gây ra những hành vi tội phạm. Hãm hiếp và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Sau hơn hai năm sống trong cảnh nhốn nháo, gia đình ông Lý cuối cùng được Chính phủ Mỹ đồng ý cho tỵ nạn. Họ được đưa qua Philippines sáu tháng để học tiếng Anh trước khi đến Mỹ…
 
Bắt đầu từ tay trắng

Jacky Ly và Bộ trưởng Quốc phòng (lúc đó) James Mattis (ảnh nhân vật cung cấp)
 
Nước Mỹ. North Carolina. Cuộc hành trình dài đã đến đích. Tuy nhiên, một chặng mới lại bắt đầu. Tất cả đều chỉ có hai bàn tay trắng. Họ đã rời con thuyền rách nát số 47. Họ đã rời khu ổ chuột tỵ nạn Hong Kong. Họ đang đặt chân đến một vùng đất xa lạ và tiếp tục đi trên những con đường thậm chí khó khăn và khó lường hơn cả những con đường mòn vượt rừng xuyên bóng đêm băng qua Vân Nam ngày nào. Phần tiếp theo của câu chuyện là chuỗi nỗ lực điển hình của gần như mọi người Việt tỵ nạn giai đoạn đó. Chen chúc trong căn nhà nhỏ được cấp tạm cho người tỵ nạn, gia đình ông Lý lao vào xã hội Mỹ với vốn liếng tiếng Anh gần như bằng không. Ông Lý phải làm ba “job” để giúp gia đình. Ban ngày ông làm thợ hàn. Ban đêm ông làm công nhân xưởng lắp ráp. Và cuối tuần ông làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Trong khi đó, vợ ông lãnh quần áo gia công về nhà may; và hai chị của Thắng-Jacky đi làm nail sau khi học xong trung học. Jacky cũng phải đi làm thêm vào cuối tuần, từ chạy bàn đến rửa chén, cho đến khi vào đại học và vào quân đội…

Jacky Ly (phải) thời gian làm việc tại Việt Nam (gần bốn năm) với nhiệm vụ Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (ảnh nhân vật cung cấp)
 
Khó có thể biết ông Lý Hội Quyền nghĩ gì về tính mạng của mình cũng như vợ con vào thời điểm ông quyết định đưa cả nhà đi vượt biên. Nhưng có điều chắc chắn rằng ông không thể tưởng tượng có ngày mà cậu con trai duy nhất của ông, Vĩnh Thắng – Jacky, lại thành đạt hơn cả sự mong đợi, với không chỉ hai bằng master (từ National War College và Đại học Johns Hopkins), mà còn trở thành một sĩ quan cấp cao quân đội Hoa Kỳ. Ông Lý Hội Quyền (từ trần năm 2012) – người mà Jacky luôn xem như là tấm gương vĩ đại đối với mình – cũng khó có thể tưởng tượng một ngày mà con trai ông trở về lại Phó Bảng với tư cách một sĩ quan quân đội Mỹ, ở cương vị Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, thực hiện các dự án hợp tác và tìm kiếm cơ hội hỗ trợ những gia đình nghèo miền núi Việt Nam, nơi có bóng dáng những đứa trẻ lếch thếch hệt Vĩnh Thắng ngày nào…
 
Tôi phải cố gắng, luôn cố gắng, phải “work extra hard” – Jacky nói. Ngày 1-1-2021, Jacky Ly trở thành đại tá quân đội Hoa Kỳ (lễ gắn lon chính thức được tổ chức chiều ngày 23-4-2021). Sau hơn 20 năm phục vụ quân đội Mỹ, Jacky Ly vẫn muốn tại ngũ. 42 tuổi, Jacky sẽ còn đi xa, thậm chí có thể xa hơn cả những điểm đến mà người cha không bao giờ có thể nghĩ tới, khi ông cõng cô em gái của Jacky lên đường trong đêm tối cùng gia đình ra đi chỉ với một thôi thúc: tìm kiếm tự do và một tương lai sáng sủa hơn cho các con của mình.
 
***************
Đại tá Jacky Ly

Jacky Ly trong lễ tuyên thệ và gắn lon đại tá, với sự chủ trì của Thiếu tướng Lương Xuân Việt (qua màn hình video từ Nhật) vào chiều 23-4-2021 (ảnh MK)
 
Từng chỉ huy đại đội lính nhảy dù mũ đỏ (thuộc 82nd Airborne Division) và tham gia chiến trường Afghanistan, Iraq, cũng như công tác tại Hàn Quốc, Hawaii…, cuộc đời Jacky Ly gắn liền với binh nghiệp. Nhập ngũ năm 18 tuổi khi vào Vệ binh North Carolina với dự tính ban đầu chỉ phục vụ quân đội ba năm nhưng sau đó Jacky không rời bộ quân phục. Jacky tốt nghiệp bằng cử nhân quản trị doanh nghiệp về hệ thống thông tin máy tính từ Đại học Appalachian State. Trong thời gian quân ngũ, ngoài những khóa đào tạo chuyên biệt trong quân đội, Jacky còn học National War College, Đại học Johns Hopkins, và Trường tham mưu quân sự Malaysia. Từng là Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (Chief of the Office of Defense Cooperation) trực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Jacky còn là cố vấn quân sự cấp cao và chánh Văn phòng Hợp tác An ninh trực thuộc Phái bộ Hoa Kỳ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, Indonesia. Đại tá Jacky Ly sắp nhận nhiệm vụ mới tại Đông Nam Á với tư cách tùy viên quốc phòng.