Nguyễn Công Bằng
Cái chết của Tổng Bí thư Trọng đã mang lại cơ hội cho một số người, đặc biệt là các quan tham. Có lẽ, chính trường Việt Nam sau ông Trọng sẽ có bước ngoặt lớn.
Người được lợi lớn nhất với việc ông Trọng qua đời, có thể nói chính là ông Tô Lâm. Nếu như trước đó chưa lâu, ông ta bị tước mất cái ghế Bộ trưởng Công an một cách đột ngột, thì bây giờ, ông Tô Lâm đã giữ vững Bộ Công an trong tay khi là Chủ tịch nước hiếm hoi, có thể là duy nhất mà vẫn trong Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương. Đồng thời, người thân tín của ông là Lương Tam Quang đã được ông ủng hộ lên chức Bộ trưởng Công an cho dù chưa được vào Bộ Chính trị. Ngoài ra ông Nguyễn Duy Ngọc, một đàn em thân cận của ông Tô Lâm cũng đã trở thành Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Chưa kể Vũ Hồng Văn - em vợ ông Tô Lâm cũng đã được biệt phái về Ban kiểm tra Trung ương.
Kể từ đầu năm nay, sức khoẻ ông Trọng đã sa sút, trước Tết Nguyên đán, ông đã nhập viện mất một thời gian, điều này đã gây náo loạn dư luận. Có lẽ, biết rằng mình sẽ sống không còn lâu nữa, ông Trọng đã cố gắng đưa ông Lương Cường lên Thường trực Bộ Chính trị, như là một nhân vật đối trọng với vị trí đầy quyền lực của ông Tô Lâm. Vì chỉ có ông Lương Cường, xuất thân là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mới thoát được cảnh bị ông Tô Lâm hạ bệ dưới chiêu bài “chống tham nhũng không có vùng cấm” mà chính ông Trọng là người khởi xướng.
Trước đó, ông Tô Lâm đã hạ bệ một loạt những nhân vật tai to mặt lớn và đều là người thân cận với ông Trọng, đó là ông Võ Văn Thưởng - Chủ tịch nước, ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội và bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tất cả những người này đều bị ông Tô cho việt vị bằng cách trưng ra các bằng chứng cho thấy họ đã tham nhũng như thế nào. Với các bằng chứng hiển hiện đó, mặc dù rất đau nhưng ông Trọng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà hy sinh đi các đàn em của mình.
Nhưng đối với ông Lương Cường thì khác, giả dụ ông Lương Cường có tham nhũng đi nữa, thì ông Tô và Bộ Công an cũng không có thẩm quyền điều tra, vì theo quy định tại Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
“1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.”
Lực lượng quân đội luôn là bất khả xâm phạm, chỉ có Quân uỷ Trung ương mới có quyền ra lệnh điều tra những nhân vật như ông Lương Cường mà thôi. Chính vì vậy, ông Lương Cường là nhân vật mà ông Tô và Bộ Công an không thể động vào, cho dù ông có tham nhũng đi chăng nữa.
Khi ông Trọng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư lần đầu năm 2011, ông Trọng đã muốn tiêu diệt ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng chính phủ khi đó, bởi vì ông Dũng là một Thủ tướng “siêu quyền lực” và đương nhiên quyền lực của ông Dũng dùng để mưu lợi cho mình rất nhiều. Nhiều văn bản luật được ban hành để phục vụ gia đình ông ta là chủ yếu. Ví dụ như Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 với quy định cho phép một người có thể có song tịch, mục tiêu chính là ông Dũng muốn hợp pháp hoá cho con dâu và con rể của ông ta, đều là người gốc Việt mang quốc tịch Mỹ.
Đặc biệt, Nghị định 24/2012 về quản lý vàng là văn bản do chính tay ông Dũng ký. Nghị định này đã gây một sự xáo trộn bất hợp lý cho thị trường vàng ở Việt Nam cho tới tận bây giờ, mà nhiều người trong chính phủ đều biết, ông Dũng ban hành văn bản này để giúp cho Tư Thắng - em trai ông ta ở quê nhà Kiên Giang, trục lợi từ buôn vàng lậu.
Ông Trọng cùng với Tư Sang (Cựu Chủ tịch nước) đã cùng nhau tìm cách hạ bệ ông Dũng. Năm 2012, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu đủ để tán thành việc kỷ luật ông Dũng, nhưng khi ra Ban chấp hành Trung ương lại không đủ số phiếu cần thiết, đồng nghĩa với việc ông Dũng vẫn bất khả xâm phạm. Lần đó, ông Trọng đã phải nức nở trước quốc dân.
Sau lần đó, ông Trọng đã thay đổi phương cách, ông ta từ một tay lý thuyết suông đã trở thành một “người đốt lò” cao cơ. Và cần dùng thanh kiếm để chặt củi cho vào lò, ông Trọng đã sử dụng ông Tô Lâm để thực hiện mưu đồ của mình.
Ông Tô Lâm gần đây mới chuyển sang chức vụ Chủ tịch nước, còn trước đó, ông ta luôn trong ngành công an. Ông Tô Lâm đã đi lên từ Cục trưởng, rồi Tổng cục Trưởng Tổng cục an ninh I, rồi lên tới Thứ trưởng và Bộ trưởng. Khác với ông Phạm Minh Chính, tuy cũng là công an nhưng có cái kiểu khôn khéo của dân tình báo, còn ông Tô Lâm là dân an ninh nòi, nên về vấn đề nội trị, ông Tô hiểu rất rõ các ngóc ngách của nó.
Mặc dù “người đốt lò” Nguyễn Phú Trọng luôn tuyên bố là “chống tham nhũng không có vùng cấm”, thế nhưng tai tiếng về tham nhũng của ông Tô Lâm thì không phải không có, thậm chí còn nhiều là khác, mà ông Tô vẫn bình an vô sự, điều đó cho thấy ông Tô đã nắm được tẩy của ông Trọng, khiến ông Trọng không thể không sử dụng mình.
Người ta còn nhớ vụ Đại án AVG với Phạm Nhật Vũ (Em trai của Phạm Nhật Vượng), mãi sau này ông Trọng mới xử được vụ này. Trong vụ án này có tình tiết đáng lưu ý, đó là ông Tô Lâm là người đã trực tiếp ký công văn số 2889/BCA- A61, ngày 21/12/2015 khẳng định việc mua bán giữa Mobifone và AVG là đúng pháp luật đúng quy định, giá cả hợp lý. Chính nhờ công văn này của Bộ Công an mà Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng giữa Mobiphone và AVG. Sau này, Thanh tra chính phủ đã chỉ rõ:
“Việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT ( Bộ Thông tin truyền thông) đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 71 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án...) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Rõ ràng vai trò và trách nhiệm của ông Tô Lâm trong vụ đại án này rất rõ ràng, nhưng ông Trọng không hề xử lý ông Tô Lâm gì hết.
Chưa kể đến việc ông Tô Dũng, em trai ông Tô Lâm và cũng là Chủ tịch một doanh nghiệp đầy tai tiếng là Tập đoàn Xuân Cầu. Không thể nói rằng ông Tô Dũng không liên quan gì đến ông Tô Lâm mà ngược lại, nếu không phải là em trai ông Tô Lâm, thì sức mấy ông Tô Dũng trở thành đại gia vậy được.
Đại gia bất động sản Tô Dũng
Năm 2023, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra Thông báo kết luận thanh tra số 2181/TB-TTCP, liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với dự án “Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rùng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triền vườn thu bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” đã xẩy ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Điều đáng nói là doanh nghiệp thực hiện dự án này chính là một công ty con của tập đoàn Xuân Cầu của ông Tô Dũng làm chủ đầu tư.
Nhiều người dự báo rằng, với sự đi lên như diều gặp gió của ông Tô Lâm thì chắc chắn ông Tô Dũng và tập đoàn của ông ta sẽ tiếp tục phất lên trông thấy. Có lẽ, cái ngày mà đại gia bất động sản Tô Dũng vượt mặt các đại gia bất động sản trước đây như Trương Mỹ Lan hay Đỗ Anh Dũng là không xa.
Nếu ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, đây có lẽ là một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử chính trị Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà ở chính trường Việt Nam trước đây, lực lượng công an không hề có ai có thể trở thành Tổng Bí thư, kể cả Nguyễn Tấn Dũng khi làm Thủ tướng “siêu quyền lực” nhưng cũng không thể lên Tổng Bí thư được. Bởi vì, dường như ai cũng biết, lực lượng công an có rất nhiều người tham nhũng, đặc biệt là các lãnh đạo. Nhưng liệu ông Lương Cường và giới quân đội có thể ngăn chặn đà tiến bước của ông Tô Lâm trên con đường lên vị trí cao nhất nước hay không? Điều đó chúng ta hãy cùng nhau chờ xem nhé.