Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều cấu thành tội phạm theo luật hình sự của nước mình. Điều này cũng áp dụng với những hành vi cố gắng thực hiện việc tra tấn hoặc hành vi của bất kỳ người nào đồng lõa hoặc tham gia việc tra tấn.
Mỗi quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của chúng. (Điều 4. Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc).
Nguồn ảnh: Vietbao. Bài "5 công an dùng nhục hình. Ám ảnh vết thương nạn nhân. 27/3/2014
* Cam kết cứ ký, “luật rừng” cứ làm?
Ngày 7/11/2013, VN ký công ước quốc tế về chống tra tấn, đứng sau 154 quốc gia khác đã ký trước đây và ở năm thứ 29 sau khi công ước ra đời. Lại càng quá trễ khi gần một năm sau – ngày 23/10/2014 Chủ tịch nước mới trình QH phê duyệt tại kỳ họp này. Đến nay hệ thống luật pháp VN cũng chưa sửa đổi gì để phù hợp cam kết đã ký. Tình trạng vi phạm công ước tại VN ngày càng dồn dập với nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây nhiều người chết khiến người dân càng thêm phẫn nộ.
Điều này chứng tỏ những người có trách nhiệm của VN đã thờ ơ trong việc bảo vệ tính mạng và phẩm giá của người dân.
Nguồn ảnh: Vietbao. 2/8/2011
Trong khi đó, Điều 2 của Công ước cấm việc tra tấn, và yêu cầu các bên ký kết phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn ở bất kỳ lãnh thổ nào dưới thẩm quyền pháp lý của mình. Việc cấm tra tấn này là tuyệt đối và không được vi phạm.
“Không có bất cứ trường hợp đặc biệt (ngoại lệ) nào có thể được viện dẫn để biện minh cho tra tấn, bao gồm cả chiến tranh, mối đe dọa của chiến tranh, bất ổn chính trị nội bộ, tình trạng khẩn cấp chung, hành vi khủng bố, tội phạm bạo lực, hoặc bất cứ hình thức xung đột vũ trang nào. Tra tấn không thể được biện minh như một phương tiện để bảo vệ an toàn công cộng hoặc ngăn chặn các trường hợp khẩn cấp. Cũng không có thể được biện minh bằng các lệnh từ các sĩ quan cấp trên hoặc các quan chức.”.
Việc ký và phê chuẩn Công ước này là một việc hết sức cần thiết mà nhà cầm quyền VN không thể trì hoãn thêm được nữa trước áp lực quốc tế, nhất là khi phải “dọn mình” cho những tiêu chuẩn tối thiểu về nhân quyền nếu muốn đạt một số quyền lợi về kinh tế.
Nhưng khi trình QH phê chuẩn, VN lại gây thất vọng khi tuyên bố: Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước của LHQ chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại... (theo VnExpress, bài “Chủ tịch nước trình công ước về chống tra tấn”).
Nếu thế thì không chỉ có nhiều điều trái Công ước, mà còn trái với Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của VN đã quy định tại khoản 1 điều 6: ”trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.
Qua những động thái này, người ta có thể đo được mức độ thành thật và thiện chí của nhà cầm quyền trong việc bảo vệ người dân VN.
Thẩm tra việc phê chuẩn Công ước, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Trần Văn Hằng lại nhấn mạnh: việc phê chuẩn là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.
Như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi: phải chăng ông không thấy không nghe không biết về bao người dân chết bởi tay công an và những người bị bức cung nhục hình tra tấn ở khắp nơi, thông tin được đưa rất nhiều trên báo chí VN. Vì thế ông mới có thể nói rằng đó là vu cáo và xuyên tạc! Và lẽ nào người dân lại bị rẻ rúng tới mức nhà cầm quyền chỉ quan tâm việc ký cam kết chống tra tấn để dập tắt những “luận điệu xuyên tạc” chứ không vì tính mạng của người dân?!
Điều 13 Công ước quy định: mỗi thành viên phải đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm dọa như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng chứng.
Điều 14 ghi rõ, “mỗi quốc gia thành viên phải đảm bảo trong hệ thống pháp luật của mình rằng các nạn nhân của hành động tra tấn sẽ được cứu chữa và có quyền khả thi được bồi thường công bằng và thỏa đáng, kể cả được cung cấp những điều kiện để phục hồi một cách đầy đủ đến mức có thể. Trường hợp nạn nhân chết do bị tra tấn, những người phụ thuộc vào người đó có quyền hưởng bồi thường.
Không một quy định nào trong điều này ảnh hưởng tới bất kỳ quyền được bồi thường nào của nạn nhân hay của người khác có thể có theo pháp luật quốc gia”. (Công ước)
Bất kỳ một mạng dân nào bi bức cung, nhục hình, tra tấn hoặc chết oan ức dưới bàn tay của cơ quan hành pháp, cũng như bất kỳ một vụ điều tra nào để oan sai, một phiên tòa nào xử trái pháp luật... cũng đều thuộc trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, ngành, lĩnh vực đó. Người đó phải hết lòng sửa chữa, đền bù thiệt hại trong quyền hạn trách nhiệm của mình và thường phải từ chức. Gần đây nhất, hai vị Bộ trưởng của Nhật đã từ chức ngay khi để xảy ra một chút xíu lạm dụng trong lĩnh vực mình quản lý.
Nhưng VN thì không. Người dân VN chỉ còn cách trông đợi vào lương tâm hiếm hoi của người thi hành công vụ. Và vì thế ngày càng nhiều dân chết oan ức.
Vẫn “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Để thực thi Công ước chống tra tấn, VN cần làm nhiều điều, trong đó có việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan. Nội dung này không thể tùy tiện, mà phải phù hợp các quy định của công ước.
Phải sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) ở các nội dung: bổ sung tội danh tra tấn để phù hợp với định nghĩa tra tấn trong đó có hành vi tra tấn về tinh thần; sửa đổi, bổ sung quy định về tội dùng nhục hình, tội bức cung và một số hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người có thể bị coi là tra tấn.
VN cũng chưa từng có Luật tạm giữ tạm giam. Vì thế VN cần xây dựng luật này, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật Thi hành án hình sự.
Hiện VN chưa có quy định về tội danh tra tấn, từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn...Tất cả đều là những điều luật hết sức quan trọng, sống còn đối với người dân cũng như để ngăn ngừa sự lạm dụng của cơ quan công quyền nên rất cần sự khách quan, chất lượng cao.
Nhưng kỳ này, QH vẫn lặp lại sai lầm trong quy trình xây dựng luật. Một sai lầm mà nhiều đại biểu QH đã cảnh tỉnh từ các kỳ họp trước. Đó là hiện trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Về vấn đề này đã có một nhận định rất xác đáng qua tổng kết của Hội luật gia Hà Nội:
“Với quy định Trưởng ban soạn thảo “là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo”, trong hầu hết các trường hợp, đó là Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Như vậy việc “làm luật” từ chức năng, nhiệm vụ của QH đã tự động chuyển sang cho cơ quan hành pháp. Tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã được hợp thức hóa. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ có tác dụng nâng cao quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước, không xét đến hoặc xét đến với mức độ rất mờ nhạt, chung chung về quyền của đối tượng thi hành”. (theo luatsungaynay.vn, bài “ 5 hạn chế, bất cập cơ bản của Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật”).
Lần này cũng vậy, đơn vị được QH giao soạn thảo những luật liên quan đến Công ước chống tra tấn là Bộ Công an, trong khi trách nhiệm làm luật và sửa luật là của QH.
Như vậy, ngành duy nhất có thể lạm dụng tra tấn, bức cung nhục hình thì lại được giao ban hành dự thảo, sửa chữa luật để ngăn chặn quyền lạm dụng của chính họ! Làm sao tránh được sự thiếu khách quan khi xây dựng luật?! Nếu xẩy ra, điều này không những nguy hại cho toàn xã hội và cho chính ngành công an vì sẽ mất nhiều cán bộ, chiến sĩ vì có điều kiện dấn sâu vào phạm tội.
Như vậy, QH cần xem xét lại việc chuẩn bị thực thi Công ước chống tra tấn. Nếu cứ theo cách làm hiện nay, việc đó chỉ càng tăng thêm quyền lực của ngành công an, người dân thì cứ tiếp tục chết oan. Cũng cần đề phòng nguy cơ ngay cả khi có thuê chuyên gia giỏi để soạn ra một luật khách quan phù hợp công ước quốc tế thì trên thực tế đã cho thấy từ nhiều năm nay, hệ thống tư pháp và hành pháp rất nhiều khi vẫn không tuân theo công ước quốc tế mà lại hành xử theo luật VN.
Nguy cơ bị lạm dụng, tra tấn, bức cung, nhục hình vẫn như một lưỡi hái thần chết treo lơ lửng trên đầu người VN.
Theo rfavietnam.com