Campuchia cho Trung quốc đặt căn cứ hải quân

Hôm 8.6.2022, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian, và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh, chủ trì lễ khởi công xưởng sửa chữa tàu và bến cảng ở căn cứ Hải quân Ream, Sihanoukville, Campuchia. Căn cứ này cách Phú Quốc chỉ 30 km.

 Căn cứ hải quân Ream của Campuchia là vị trí mà Trung Quốc chọn để thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài đầu tiên ở một quốc gia Đông Nam Á, và là tiền đồn quân sự hải ngoại thứ hai của Trung Quốc, sau khi đã xây dựng một căn cứ tại Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi.

Ý định đặt căn cứ hải quân ở Campuchia của Trung Quốc đã bị báo giới phương tây tiết lộ từ năm 2019, tuy nhiên thông tin này đã bị giới chức của cả hai quốc gia liên tiếp phủ nhận.
Thế nhưng thông tin được tờ báo hàng đầu của Mỹ đăng tải mới đây cho thấy những lời phủ nhận trên chỉ là đòn đánh lạc hướng.

Là nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Việt Nam được cho là đã cố gắng thuyết phục Campuchia chọn vị trí trung lập và không để Trung Quốc đặt căn cứ hải quân trên đất của mình, giờ đây những nỗ lực trên kể như đã thất bại.
 
Một quan chức Trung Quốc hôm 8/6 nói “quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá” với Campuchia được củng cố bằng hợp tác quân sự, khi công việc nâng cấp bắt đầu ở căn cứ hải quân lớn nhất Campuchia do Trung Quốc tài trợ, vốn đã khiến Hoa Kỳ lo ngại lâu nay về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh bác bỏ lo ngại rằng Campuchia sẽ để Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên đất của mình, nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở tại căn cứ hải quân Ream, trong khi Campuchia sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ bất kỳ ai.

“Là một trụ cột vững chắc của quan hệ đối tác bền chặt như sắt đá, hợp tác quân sự Trung Quốc - Campuchia là vì lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta”, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Wang Wentian, nói trong một bài phát biểu tại lễ động thổ ở căn cứ trên Vịnh Thái Lan.

Hoa Kỳ từng nêu “quan ngại nghiêm trọng” về sự can dự của Trung Quốc đối với căn cứ, nói rằng nó làm suy yếu an ninh khu vực.

Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Campuchia không minh bạch về vai trò của Trung Quốc trong việc nâng cấp cơ sở này.

Mối quan hệ giữa Campuchia - Hoa Kỳ đã rạn nứt trong nhiều năm vì những cáo buộc của Hoa Kỳ rằng Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền lâu năm của ông đã kìm hãm nền dân chủ thông qua cuộc đàn áp phe đối lập.

Gạt bỏ những lo ngại đó, ông Hun Sen đã xích lại gần Trung Quốc, quốc gia mà cho đến nay vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia.

Có vị trí gần các tuyến đường vận chuyển quan trọng và khu vực Biển Đông đầy tranh chấp, cảng mới sẽ được đào sâu để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng, đồng thời sẽ bao gồm một cơ sở bảo dưỡng, bờ trượt ụ khô và bến tàu.

Nhấn mạnh mối quan hệ nồng ấm của Campuchia với Trung Quốc, ông Tea Banh tuần này đăng những bức ảnh trên mạng xã hội về cảnh ông đang ngâm mình dưới biển cùng với ông Wang ở gần căn cứ.
Nhưng mặt khác, ông Tea Banh cũng muốn xoa dịu nỗi lo ở Hoa Kỳ và khu vực rằng Campuchia có thể mở cửa cho quân đội Trung Quốc.

“Vương quốc Campuchia sẽ không cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình”, ông nói trong một bài phát biểu hôm 8/6.

Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới xứ Chùa tháp hồi tháng 12/2021, hai bên đã ra tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước mình làm phương hại đến an ninh của nước kia.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia trong lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết phía Việt Nam đã từng tin tưởng rằng Campuchia sẽ không để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự:

“Tôi được phía Việt Nam cho biết là họ đạt được đồng thuận với Campuchia về việc sẽ không để bên thứ ba thiết lập sự hiện diện quân sự và gây tổn hại đến lợi ích của bên còn lại”.
Bình luận về việc Campuchia nói một đằng làm một nẻo, vị giáo sư người Úc cho rằng cả Campuchia và Trung Quốc trước đó đều chơi chữ với các nước trong khu vực.
Ngoài căn cứ hải quân, Trung Quốc cũng được cho là đang xây dựng một sân bay với vỏ bọc dân sự, nhưng có thể được chuyển sang mục đích quân sự trong tình huống khẩn cấp.

Với hai cở sở trên, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng trong tình huống căng thẳng với Việt Nam, thì Trung Quốc có thể huy động cả hải quân lẫn không quân để đối phó:
“Trung Quốc sẽ có đủ năng lực ở thực địa để chuẩn bị cho tình huống căng thẳng với Việt Nam. Rất nhanh chóng, máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc sẽ xuất hiện ở sau lưng Việt Nam.”

Vị giáo sư thuộc Đại học New South Wales, Úc, cũng cho rằng Việt Nam có rất ít khả năng để đảo ngược tình huống, thay vào đó thì nước này nên tập trung nghiên cứu về hệ quả của việc bị Trung Quốc đặt căn cứ hải quân sát với phần lãnh thổ phía nam của mình:

“Trước hết Việt Nam cần phải huy động lực lượng tình báo để tìm hiểu xem Trung Quốc đang thực sự xây cái gì ở Campuchia, và phân tích xem lợi ích của mình sẽ bị ảnh hưởng ra sao, cả trong trường hợp xấu nhất.

Nhưng Việt Nam hiện không có khả năng để đe dọa, hoặc đưa Campuchia trở lại trong quỹ đạo của mình.”

Ông cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam chưa bị đe dọa, nhưng về lâu dài thì tình hình có thể thay đổi./.