Chính quyền khôn lỏi, đất nước thiệt thòi

Đỗ Văn Ngà|

Trên tờ Vietnam Finance ngày 02/05/2019 có đăng bài “So sánh khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước: Ai đang là chủ đạo?” đã đưa ra một bảng so sánh trong 3 năm, năm 2016 kinh tế nhà nước chiếm 28,81%, năm 2017 là 28,63%, và năm 2018 là 27,63%. Dựa vào con số thống kê cho thấy tỷ trọng kinh tế nhà nước trong GDP đang giảm. Điều này có vẻ như CS họ muốn giảm vai trò của kinh tế nhà nước? Chưa chắc!

Kinh tế nhà nước là kinh tế có vốn của nhà nước. ĐCS cử người của họ quản lý doanh nghiệp này. Theo nguyên tắc, những đảng viên ĐCS điều hành doanh nghiệp nhà nước chỉ là kẻ làm công ăn lương. Lợi nhuận của công ty được đưa về cho nhà nước, và thua lỗ nhà nước sẽ bù. Thực tế, doanh nghiệp nhà nước được vô số những ưu ái từ chính sách đến luật pháp. Và đặc biệt hơn, trong đó có rất nhiều lĩnh vực nhà nước cấm tư nhân làm để nhà nước độc quyền tùy ý siết cổ toàn dân, như viễn thông, xăng dầu, điện, truyền hình, báo chí vv… Với vô số lợi thế đó, lẽ ra doanh nghiệp nhà nước phải lời khẳm. Nhưng không, doanh nghiệp nhà nước luôn báo lỗ. Qua phù phép của kế toán và các chiêu đầu tư trái ngành của ban quản trị, các sếp trong doanh nghiệp nhà nước luôn cho báo lỗ để dùng lợi nhận đút túi riêng, đồng thời hút tiền bù lỗ từ ngân sách nhà nước để lấp vào. Như vậy doanh nghiệp nhà nước nói cho cùng đó là bộ máy tước đoạt tài sản toàn dân để làm giàu cho quan chức.

Kinh tế ngoài quốc doanh theo lý mà nói, nó có nguồn vốn từ dân. Ở Việt Nam, trong thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có 2 loại: Loại thứ nhất là doanh nghiệp chân chính chịu trăm bề khó khăn; loại thứ 2 là doanh nghiệp thân hữu (hay còn gọi là doanh nghiệp sân sau) được vô vàn ưu ái. Như vậy câu hỏi đặt ra là trong khoảng 42% của GDP là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thì tỷ lệ bao nhiêu là của doanh nghiệp chân chính, và bao nhiêu là của doanh nghiệp thân hữu? Không có con số thống kê, nhưng chắc chắn trên 50% kinh tế ngoài quốc doanh là rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu. Bởi đơn giản, doanh nghiệp thân hữu là những con cá mập khổng lồ như Vin Group, Sun Group, FLC vv.. chúng toàn là doanh nghiệp tỷ đô. Còn lại, những doanh nghiệp chân chính không có nhân hữu gì trong bộ máy nhà nước thì họ có vốn rất hạn chế, chỉ toàn là doanh nghiệp triệu đô. Trong một mớ gồm cá gộc và tép riu, thì một con cá gộc cũng nặng hơn hàng ngàn con tép riu.

Doanh nhiệp thân hữu theo danh nghĩa nó là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng nó lại được hưởng sự ưu ái của nhà nước không thua gì doanh nghiệp quốc doanh. Ví dụ như nhà nước làm chính sách giết chết nước mắm truyền thống để trao thị phần nước mắm cho Masan, hay như các trạm BOT đặt sai vị trí để cướp tiền dân, thì chính quyền huy động công an trấn áp nhân dân bảo vệ các BOT bẩn. Về bản chất, doanh nghiệp thân hữu cũng lợi dụng chính sách nhà nước được làm riêng cho nó để tước đoạt xã hội làm giàu. Cái giàu của doanh nghiệp thân hữu, tất nhiên là họ chia cho những quan chức chính quyền trong nhóm lợi ích.

Thực tế, để giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước trong GDP, thì nhà nước CS làm gì? Họ cho cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để từ đó doanh nghiệp này từ chỗ doanh nghiệp quốc doanh biến thành loại doanh nghiệp ngoài quốc doanh và từ đó tỷ trọng doanh nghiệp quốc doanh đóng góp cho GDP giảm xuống. Nhưng điều này lại phát sinh thêm câu hỏi tiếp, đó là những ai có quyền mua cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước mà có chủ trương cổ phần hóa đó? Chính là con cháu của quan chức chính quyền chứ không ai khác. Như vậy trước khi cổ phần hóa thì nó là doanh nghiệp nhà nước, còn sau khi cổ phần hóa thì nó thành doanh nghiệp thân hữu. Mà xét về bản chất, doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp nhà nước cũng đều là thứ doanh nghiệp được nhà nước CS làm chính sách ưu ái để tước đoạt của cải của xã hội mà thôi. Doanh nghiệp nhà nước quan chức cũng giàu mà doanh nghiệp thân hữu, quan chức cũng giàu. Với nhân dân, 2 loại này đều như nhau cả.

Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Trước sự đòi hỏi của thế giới là Việt Nam phải có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa để những ông lớn như Mỹ, Nhật và EU mở rộng cửa hơn, thì CS Việt Nam vẫn chơi trò ma mãnh phù phép chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp thân hữu. Mà 2 thứ doanh nghiệp này đều được sự ưu đãi đặc biệt của chính sách, nên về bản chất nó vẫn là loại kinh tế phi thị trường. Điều này không bao giờ qua mặt được Mỹ, Nhật và EU, thế nhưng chính quyền CSVN họ vẫn cứ nghĩ họ có thể qua mặt nên cứ hết năm này đến năm khác họ giảm tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước kiểu này rồi đi khắp nơi năn nỉ người ta công nhận, nhưng năn nỉ mãi vẫn bị họ lắc đầu.

Bản chất của CS là vậy, sẽ không bao giờ có kinh tế thị trường đúng nghĩa để đất nước đón nhận sự rộng mở từ các thị trường lớn. Đừng nhìn vào câu nói của quan chức CS là phát triển kinh tế tư nhân mà vội mừng đất nước Việt Nam có kinh tế thị trường đúng nghĩa. Sẽ không bao giờ. Cái “tư nhân” mà họ nói sẽ phát triển đó toàn là bọn thân hữu thôi, còn doanh ngiệp chân chính mãi mãi bị bóp nghẹt hoặc phải chết hoặc có sống được thì cũng sống vật vờ. Dưới bàn tay cai trị của CS, đất nước này mất mát quá nhiều./.

Tham khảo:

https://vietnamfinance.vn/so-sanh-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-va-kinh-te-nha-nuoc-ai-dang-la-chu-dao-20180504224222929.htm