Chưa trả nợ, không được chết!

Bà có một cái tên rất ư là hiền lành: Nguyễn Thị Lê. Bà quê ở xã Hương Phong, Hiệp Hoà, Bắc Giang. Bà là người bị tàn tật hồi còn nhỏ, và thuộc hộ nghèo. Bà mới qua đời vào đầu tháng 11 năm nay. Nhưng chính quyền địa phương… không cho bà chết. Họ không chịu làm giấy chứng tử cho bà.

Lí do chính quyền địa phương không kí giấy chứng tử là vì bà còn nợ (1). Số tiền nợ là 1,7 triệu đồng (tức khoảng 85 USD). Bà nợ thuế đất nông nghiệp, nợ tiền đóng góp an ninh quốc phòng, nợ tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, quĩ bảo trợ trẻ em, nợ quĩ đền ơn đáp nghĩa, nợ quĩ khuyến học, nợ quĩ hội xuân, v.v. Nên nhớ là bà Lê thuộc diện hộ nghèo của xã, nên bà lấy tiền đâu mà đóng cho mấy cái quĩ đó.

Nhưng chính quyền địa phương thì cứ như là cái máy. Họ nhất định không cho phát loa thông báo cái chết của bà, không cho mượn xe tang, không làm giấy chứng tử. Thật khó tưởng tượng nơi nào mà chính quyền hành xử với người dân như thế. Hi vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt, không đại diện cho hệ thống nhà Nước hiện nay. Người mình có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng cái chính quyền này đã mất cái đạo đức đó quá lâu rồi, nên họ hành xử như là một cái bộ máy Mác Lê Mao? Nếu đúng thế thì đây là một chứng từ về sự tàn phá truyền thống dân tộc của cái hệ tư tưởng Mác Lê Mao.

Đọc về cái chết của bà Nguyễn Thị Lê và những thứ thuế, phí mà bà còn “nợ” làm tôi nhớ đến lời lên án chế độ thực dân pháp của ông Hồ Chí Minh. Trong bản cáo trạng thực dân Pháp ông viết hơn 70 năm trước có những câu như “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân […] Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu […] Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng […] Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng” (2). Ôi, những lời cáo trạng hùng hồn này sao mà hợp thời thế!

Tôi đoán rằng nếu ai đó hỏi cái chính quyền xã Hương Phong tại sao họ hành xử như thế với bà Lê, chắc chắn họ sẽ trả lời: làm đúng qui định, theo đúng qui trình. Họ có thể rất tự hào vì đã làm đúng qui định, và thế là được tưởng thưởng. Nhưng đó là câu nói đầu môi, câu nói thời thượng của các quan chức Nhà nước ngày nay. Đó cũng là một cách biện minh cho những hành động bất chính, những hành vi tàn nhẫn, những quyết định vô cảm, và sự bất tài của họ. Đó cũng là câu nói cho thấy họ là cái máy, chứ không phải con người (bởi con người thì phải có tình cảm).

Đọc bài này làm tôi nhớ đến chuyện ở Úc. Dạo đó, Nhà nước chuyển sang hệ thống quản lí bằng điện toán, nên tất cả giấy đòi nợ, trợ cấp xã hội, v.v. đều do máy tính làm. Đến ngày thì máy tính in ra hàng triệu thư và gửi đến cho đương sự. Dĩ nhiên, hệ thống này rất hiệu quả vì giảm nhân viên và tiết kiệm ngân sách. Nhưng có một vụ mà báo chí làm ồn ào, là giấy đòi nợ được gửi cho bà cụ mới qua đời. Số tiền mà thư đòi nợ là … 1,5 đôla! Thế là gia đình của bà cụ lên đài truyền hình nói về sự vô cảm của Nhà nước, của cái xã hội mà họ gọi là “máy”. Sự việc ồn ào đến độ bà bộ trưởng Bộ An sinh xã hội phải đứng ra xin lỗi.

Nếu chính quyền xã Hương Phong và vị Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh xã hội muốn chứng tỏ họ văn minh và có đạo đức, họ nên chính thức xin lỗi gia đình bà Nguyễn Thị Lê.

Nguyễn Văn Tuấn
Facebook 
https://www.facebook.com/drtuanvnguyen?fref=nf

====

(1) http://laodongthudo.vn/khong-duoc-chet-vi-no-thon-17-trieu-…

(2) http://www.ngaynay.vn/de-thi-thu-thpt-quoc-gia-2015-mon-van…