1) Bức tranh đấu giá Bác Hồ QTCS 2) Xe ngựa và con ruồi. Để ý cô áo đỏ giơ mũ chụp con ruồi
bay trên đầu. Có ông thì dùng que dài đuổi chú ruồi, quấy rầy khó chịu.
Lê Bá Vận.
Về thời điểm thì Cách mạng mùa Thu 19/8/1945 xẩy ra về mùa thu theo lịch Ta, mùa hè theo lịch
Tây.
Về ý nghĩa thì CM 19/8 và ngày Quốc khánh 2/9 được suy diễn qua 2 câu chuyện dưới đây:
1-“Bức tranh đấu giá Bác Hồ” và
2- “Xe ngựa và con ruồi”. Loại xe sáu ngựa kéo.
___
I) BỨC TRANH ĐẤU GIÁ BÁC HỒ.
Giữa đêm gần sáng ngày 23/8/1945 Việt Minh tiến hành cướp chính quyền tại thị xã Đồng Hới, lặng
lẽ, không tốn nửa viên đạn. Dân chúng ngủ yên giấc sáng dậy chẳng hiểu ất giáp, chỉ nghe phong
thanh chính quyền cách mạng mới Việt Minh là cộng sản gộc quốc tế và đoán non đoán già cộng
sản nghĩa là ‘của chung’ nên có lẽ từ nay không ai được làm ăn riêng, có nhà cửa, ruộng đất, tài sản
riêng. Dẹp buôn bán, ngành nghề, giàu nghèo như nhau. [1].
Tuy nhiên trong buổi ban đầu sinh hoạt trong thị xã bề ngoài không thấy có gì thay đổi. Ai ở nhà nấy.
Phố xá, chợ búa vẫn mở cửa buôn bán. Cạnh nhà cha mẹ tôi có ông tên Nghĩa, gốc Tàu, chạy mối
lặt vặt nay thấy làm việc trong Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban tên bác Diệm, người trắng trẻo,
chủ tiệm bán lẻ thuốc Tây độc nhất, giữa phố. Một người tên Chiếu, còn trẻ, đi thọt chân, mấy năm
trước có vào Huế học trường tư thục trung học và là anh của một người bạn, nay thấy làm trưởng
công an, đeo súng lục bên hông. Chắc chắn một số người bị anh ta bắt, thủ tiêu song tất cả được
thực hiện thầm lặng và thân nhân cũng chẳng dám hở môi. Các người làm việc cũ thì phần đông đi
làm việc lại ở nhà thương, nhà dây thép, nhà ga, nhà máy điện, trường học.
Chưa cấp sổ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, tem phiếu, chưa đâu có an ninh, tổ trưởng phường, toán
dân phòng, chưa nhà nào được gọi đi họp tổ, mít tinh, biểu tình mặc dầu loa phường loan báo nhân
dân tự động biểu tình, tụ tập nhiều nơi hoan hô cách mạng thành công.
Cũng có một lần loa phường giới thiệu khóa học Mác-Lê tổ chức tại trường tiểu học, đến học không
phải ghi tên. Trong lớp ngồi chen chúc có tôi. Buổi học hào hứng là về lịch sử nhân loại từ thời đồ
đá đến nay XH và CSCN. Một lần khác lại thông báo đêm liên hoan văn nghệ tại sân trường tiểu học
có tổ chức bán đấu giá hình Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM). Đêm đó số người đến xem đông đảo, có
mấy ông trong Ủy ban và có mặt các thương gia trong thị xã.
Bỏ qua phần văn nghệ, tôi chỉ tường thuật buổi đấu giá kết thúc đêm liên hoan. Năm đó tôi đã là một
học sinh trung học đang nghỉ hè và ham vui.
Một người bạn tôi tên Quỳ có anh tên Y là một họa sĩ làm việc tại cơ quan Thông tin tuyên truyền.
Với sự chỉ bảo của ông anh, tên Quỳ lấy một hình vẽ Bác Hồ, gạch các ô vuông lên hình rồi theo đó
phóng đại lên một tấm bìa lớn giấy trắng. Hình được tô mực xạ và tôi có tham gia mài mực. Một anh
thợ mộc đóng giúp một khung hình, đánh véc ni. Một hiệu buôn biếu tấm gương lớn và nơ đỏ. Hình
Bác CCRĐ trông tươm tất, có giá trị tinh thần cực lớn song tất nhiên không phải là một tác phẩm
nghệ thuật và thực chất trị giá không quá tô phở một đồng bạc.
Đêm đã gần khuya và giờ bán đấu giá tranh vẽ Bác QTCS bắt đầu. Người cán bộ phụ trách cuộc
bán đấu giá giơ cao khung hình và giải thich đại khái: Đây là bán đấu giá theo lối Mỹ (lúc đó Mỹ
chưa phải là Mỹ Ngụy). Mỗi lần trả nâng giá tối thiểu là 5 đồng, không hạn chế tối đa. Tuy nhiên xin
nói rõ đấu giá theo lối Mỹ có điểm đặc biệt. Những vị hoặc đoàn thể nào mỗi lần nâng giá phải bỏ
tiền ra chi trả cho lần đó. Như vậy được tranh hay không thì tất cả đều có cơ hội đóng góp ủng hộ
cuộc đấu giá. Người vinh dự thắng giải chỉ phải trả số tiền nâng giá lần cuối.
II) CHUYỆN XE NGỰA VÀ CON RUỒI.
Đây là bài thơ nổi tiếng “Le Coche Et La Mouche” của Jean De La Fontaine (1621- 1695), nhà thơ
ngụ ngôn ngườì Pháp ở thế kỷ 17. Sơ lược câu chuyện như sau:
Trời năng chang chang, như thiêu đốt. Một cỗ xe sáu ngựa kéo, cơ hồ đứng khựng ở đoạn đường
cát, dốc đứng. Mọi người đều bước xuống, người khỏe giúp đẩy xe. Một con ruồi từ đâu bay đến vù
vù bên tai, thoắt bay thoắt đậu, liếm vòi lên mũi, mặt người, ngựa nhột nhạt khó chịu. Rốt cuộc xe
cũng ì ạch leo đến đoạn đường bằng. Ruồi ta thở ra khoan khoái và đòi tiền công đã đốc thúc, chỉ
huy tài tình là nhân tố quyết định xe lên được dốc. Bài ngụ ngôn kết thúc với 4 câu thơ:
Trong xã hội đôi khi nhìn thấy
Một số người chẳng mấy khiêm nhường,
Không ngừng tô điểm, khoa trương,
Cho mình quan trọng, phi thường đoạt công.
III) Ý NGHĨA CÁC CÂU CHUYỆN.
-Trong thời Pháp đô hộ đông đảo các vị anh hùng, nghĩa sĩ nước ta không ngừng khởi nghĩa chống
Pháp. Song sự thật não lòng là lâm vòng bế tắc, chẳng ai làm gì được thực dân Pháp. CS có Quốc
tế cộng sản (QTCS) trợ giúp cũng bó tay.
Bất đồ Nhật đệ tam nhân, hạ thủ Pháp, đột phá thế cờ, nhưng bại trận, đầu hàng Anh, Mỹ. Đến thời
điểm này, ở Việt Nam chỉ còn Việt Nam (VN) với nhau thì Việt Minh chớp thời cơ, trong rừng ùa ra,
miệng hô giành độc lập, tay mác lê đốn ngã mấy ông VN nơi thị tứ, yếu đuối, hiền hòa, không cộng.
Trong buổi bán đấu giá lối Mỹ hình vẽ Bác Hồ CCRĐ hôm đó, người đoạt giải chỉ trả một số tiền
nhỏ. Tổng số tiền thu được gấp bội hàng trăm lần từ sự đóng góp chung. Cũng tương tự cuộc đấu
giá đó, tối hậu đảng CS chiến thắng song vị tất đã là kẻ chi trả hoặc chịu tổn thất cao nhất.
Chẳng khác luật chơi xổ số, lắm khi mua chỉ một vé số mà trúng lô độc đắc. Lại nhiều khi chẳng có
vé trúng. Ấy là trường hợp các cuộc khởi nghĩa nhằm đánh đuổi thực dân Pháp đều thất bại. Việt
Minh rút cục giành được chính quyền song đó lại là một chuyện khác. [2].
Hữu nhĩ bất đa, một nhĩ bất thiểu [有你不多, 没你不少]: Vắng mợ thì chợ vẫn đông (nhĩ=you). Kẻ
thắng đấu giá cũng như sự kiện Việt Minh thành công, không kẻ này thì kẻ khác.
-Trong bài ngụ ngôn, sáu ngựa kéo cỗ xe là rất nhiều ngựa. Xe ngựa thông thường là độc mã hoặc
song mã như xe thổ mộ xưa ở Sài Gòn, một ngựa kéo, chở 6, 7 người và hàng hóa. Hiện tại hoàng
gia Anh có một cỗ xe 6 ngựa kéo dát vàng dùng trong lễ đăng quang. Ở Hoa Kỳ thế kỷ 18 đã có
những xe ngựa tuyến (stagecoach) sáu ngựa kéo băng qua miền Viễn Tây. “Nhất ngôn ký xuất tứ
mã nan truy” là một lời thốt ra (cỗ xe) 4 ngựa đuổi không kịp – là xe ngựa bên Tàu.
Ruồi ta cho rằng chính nó đẩy xe đi, chỉ mình nó trổ tài thao lược, hăng hái bay tới bay lui như thể vị
chỉ huy chiến trận, thôi thúc binh sĩ tiến lên lập chiến công. Lại phàn nàn rằng trong lúc vất vả chẳng
có ai ngoài nó một mình xoay sở để kéo đám người, ngựa vượt khó khăn.
Cuối cùng, dưới làn roi quất mạnh, sáu con ngựa cũng kéo cỗ xe leo đến đỉnh dốc, vào con đường
bằng. Con ruồi thì xăng xái song rõ ràng chẳng giúp ích gì.
Bài thơ trên đã sinh ra thành ngữ “Con ruồi xe ngựa” để chỉ những kẻ, khá nhiều trong xã hội, luôn
làm ra vẻ quan trọng, lăng xăng can dự vào mọi chuyện và còn tưởng mình cần thiết lắm nhưng là
vô tích sự, thậm chí có hại hoặc khó chịu, và tệ nhất là tranh công người khác cho mình.
-Phải chăng chú ruồi gợi hình ảnh vị lãnh tụ tự cho đuổi Pháp, thắng Nhật giành độc lập, song tiếm
danh vì sờ sờ hất cẳng Pháp là Nhật và tống cổ Nhật là Anh, Mỹ!
Thật tình thì HCM thâm tâm chỉ mong được Pháp đoái hoài. Trong bản Tuyên Ngôn Độc lập ngày
2/9 Hồ thổ lộ: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh
để chống Nhật...” HCM suy tính Nhật thua, Pháp bảo hộ như cũ và Việt Minh liên minh hợp tác, tất
được trọng dụng. Lúc tương lai mù mịt thì “Chim khôn đậu nóc nhà quan”.
Mộng công hầu còn đó. Chàng trai Nguyễn Tất Thành (HCM) bỏ nước ra đi đầy hoài bão, vừa đến
Pháp thì theo lời cha dặn, khai bớt tuổi, ngày 15/9/1911 gởi đơn lên Tổng thống Pháp và Bộ trưởng
Thuộc địa, khẩn thiết xin vào học nội trú trường Thuộc địa tại Paris, Pháp, nơi đào tạo giới quan lại,
chức sắc cao cấp cho thuộc địa. “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?”.
-Thường trực Tổng bộ Việt Minh tại căn cứ Tân Trào từ ngày 9/3/1945 thì tới tấp ra nghị quyết này,
chỉ thị nọ đôn đốc rình rập cướp chính quyền, tuy rằng sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 12/1940
thất bại, Pháp liên tục truy sát CS lớn bé khiến CS hầu như tan rã. HCM về Pác Bó chỉ chực hờ thời
cơ? Thời cơ ấy là nhà Nguyễn đánh mất độc lập, nay vừa thu hồi thì lập tức ào ra cướp giựt.
Trong Ngũ thường (5 đức tính) “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”, nói chung ‘nhân’ quan trọng nhất, song
trong xã hội nói về công việc giao dịch làm ăn thì chữ ‘tín’ đứng hàng đầu. Kẻ lừa dối thì đánh mất
tín nhiệm, nói gì cũng chẳng ai tin. Làm chính trị mà lừa dối, tiếm danh thì chỉ chuốc khinh bỉ. Đó là
trường hợp con ruồi xe ngựa của Bác vĩ đại CCRĐ đã không ngay thẳng với nhân dân.
Cái gì cũng có thể mất, nhưng chữ Tín phải giữ! “Nhân vô tín bất lập - Nghiệp vô tín bất hưng”. [3].
Lê Bá Vận.
Chú Thích. [1] Google: “Bài bản Việt Minh cướp chính quyền - 1945”.
[2] Google : “Cách Mạng Tháng Tám 1945 - Biến Cố Lịch Sử Vĩ Đại”.
“Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9 Danh Chính Ngôn Thuận Sự Thành?”.
[3] Một thí dụ rất cần giữ chữ ‘Tín’. HP điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.