Chuyện rác

Phạm Minh Hoàng

Sự kiện nhà nước ngăn cấm một nhóm người dùng thuyền vớt rác trên sông, đã tạo ra một số ý kiến trái chiều, chúng ta phải xem xét vấn đề này như thế nào?

Trước tiên trở lại ngọn ngành. Sáng 17/3/2019, một nhóm người do anh Vũ Ngọc Chiến đứng đầu dùng thuyền sup, một loại thuyền kết hợp giữa phao và ván trượt, đi vớt rác trên kênh rạch trên địa bàn phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM. Rác sau đó được gom vào bọc vi sinh tự phân hủy và có xe chở đi tiêu hủy. Anh Chiến cho biết trước khi tổ chức buổi nhặt rác ở phường Thảo Điền, anh và nhóm bạn đã có một buổi nhặt rác trên sông Sài Gòn (đoạn gần nóc hầm Thủ Thiêm) vào cuối năm 2018.

Sau đó, nhóm tình nguyện lập kế hoạch tổ chức một buổi vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để tạo sự lan tỏa đến mọi người nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, không xả rác bừa bãi.

Khi cả nhóm gần 100 người chuẩn bị vớt rác trên sông thì bị cán bộ địa phương ngăn cản vì không có giấy phép. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch, anh Chiến chạy đôn chạy đáo gõ cửa nhiều cơ quan từ phường đến quận và cả sở để làm thủ tục cấp phép nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết. Các cơ quan hướng dẫn lòng vòng khiến anh nản lòng nên kế hoạch vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng bị phá sản.

Anh Chiến cho rằng việc nhặt rác trên kênh bằng thuyền là hoạt động ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường vừa rèn luyện sức khỏe mà hiệu quả tuyên truyền lại cao. Do đó, anh Chiến mong các cơ quan nhà nước hướng dẫn các nhóm tình nguyện sao cho thủ tục nhanh nhất.

Chiều 18/3, đại diện Phòng Quản lý Giao thông Đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết việc cấp phép để vớt rác là vấn đề mới, từ trước đến nay chưa có quy định nào cấp phép cho những nhóm thiện nguyện này.

Xét trên khía cạnh pháp lý, cho dù không phải là một người trong ngành luật nhưng theo tính chất của luật pháp là người dân được làm những gì luật pháp không cấm. Thế thì lời giải thích của Sở GTVT là không ổn.

Một ý kiến khác cho rằng, việc vớt rác trên sông của nhóm anh Chiến là liên quan tới an toàn sông nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia, nên dù ý tưởng tốt nhưng các cơ quan cũng phải yêu cầu nhóm dừng lại vì nếu có sự cố gì thì phường quản lý sẽ là đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Tôi đồng ý nếu đó là trên một con sông, có thuyền bè qua lại. Cũng giống như giữa Paris hoặc London mà bạn chèo thuyền ra sông Seine, sông Thames vớt rác thì cảnh sát cũng hốt liền không hỏi. Tuy nhiên theo hình ảnh trên báo chí thì đây chỉ là một con kênh, nghĩa là không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Mặt khác, các bạn trẻ sử dụng loại thuyền sụp, một loại thuyền không thể chìm. Các bạn còn mặc cả áo phao, nên không thể nói nguy hiểm đến tính mạng con người (hình 1).


Nhóm anh chị em mặc áo phao và dùng loại thuyền không thể chìm tự nguyện nhặt rác trên sông làm sạch môi trường sống.


Một lãnh đạo phường Thảo Điền nói “Vừa rồi gần cả trăm người tập trung mà không báo cáo nào cho địa bàn quản lý, mà đây là tập trung đông người nữa nên cần báo cáo để hướng dẫn, thủ tục đảm bảo”. Thế nào là tập trung đông người? Theo Nghị định 38/2005 và theo hướng dẫn của Bộ Công an thì hoạt động tập trung đông người nơi công cộng là từ 5 người trở lên.

Mục tiêu của những nhóm tập trung cần phải xin phép là đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị, xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Nơi công cộng được giải thích là vỉa hè, lòng đuờng, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị khác. Thế thì con kênh có phải là nơi công cộng hay không? Rồi “tập trung đông người” trên một con kênh để vớt rác thì có gì là “liên quan đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp” của một đối tượng nào đó hay không?

Trên mạng còn lưu một bài viết mang tựa “Độc đáo tour du lịch vớt rác trên sông Hoài (Hội An − Đà Nẵng)“. Theo đó, những vị khách nước ngoài chầm chậm chèo chiếc thuyền Kayak đi dọc bờ sông. Một tay cầm chèo, một tay cầm cây gậy vớt rác, mắt đảo liên tục khắp dòng sông như đang tìm kiếm vật gì quý giá. Một bịch rác từ thượng nguồn trôi đến, họ nhanh tay vớt lên rồi đặt vào thuyền. Tour du lịch độc đáo đó do công ty du lịch Hội An Kayak tour tổ chức. Để được đi vớt rác, khách ngoại quốc phải bỏ ra 10 đô la (hình 2).


Tour du lịch vớt rác trên sông Hoài thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ và du khách. Ảnh: Internet


Chúng ta phải hiểu chuyện này như thế nào ? Tại sao việc vớt rác của công ty du lịch lại được vinh danh mà anh Chiến lại bị ngăn cản. Ai đó có thể cắt nghĩa là do công ty du lịch có giấy phép ? Vậy tại sao các cơ quan nhà nước ở quận 2 − TP.HCM hướng dẫn lòng vòng khiến anh nản lòng nên kế hoạch vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng bị phá sản.

Từ trước đến nay, nhà nước Việt Nam có thói quen hễ cứ thấy tụ tập đông người là tìm cách ngăn cản. Đông người không nhất thiết phải đến con số 100 như nhóm anh Chiến, nhưng chỉ 5, 10 người cũng có thể bị rầy rà. Tôi còn nhớ vào năm 2013, 2014, một nhóm người đã tổ chức nhặt rác ở các công viên ở Sàigòn vào mỗi sáng chủ nhật. Sinh hoạt của họ kéo được dăm ba tuần thì bị ngăn cản phải đình chỉ.

Ngoài Hà Nội, nhóm No−U có chủ trương chống đường lưỡi bò tụ họp đá banh mỗi chiều chủ nhật. Sinh hoạt của họ kéo dài lâu hơn nhưng trước những phá rối (giấu mặt) của một số người, các bạn No−U cũng phải ngưng. Rồi những nhóm Cây Xanh bảo vệ cây cối trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, SàiGòn) cũng chung số phận. Thế thì nhóm anh Chiến cũng không là một ngoại lệ. Nếu thực tâm, nếu áp dụng đúng pháp luật, thì chắc chắn nhà cầm quyền sẽ tạo điều kiện cho những nhóm này hoạt động một cách bình thường, và cứ thẳng tay xử lý nếu họ vi phạm pháp luật.

Nhà nước Việt Nam thường tự vỗ ngực về thành quả “ổn định để phát triển”, về 99% cử tri tham gia bỏ phiếu. Họ kiểm soát con người từ đỉnh đầu đến ngón chân qua mạng lưới công an hỗ trợ bởi hàng trăm đoàn thể ngoại vi, bởi 800 cơ quan truyền thông, bởi hàng chục ngàn dư luận viên… Vậy tại sao họ lại sợ những nhóm nhặt rác, vớt rác, đá banh. Đơn thuần là họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, và họ muốn tất cả phải nằm dưới quyền kiềm tỏa của họ. Ai không đống ý thì dẹp bỏ. Thế thôi.

Trở lại chuyện công ty du lịch Hội An Kayak, tôi không biết tour du lịch vớt rác “độc đáo” còn duy trì hay không ? Nhưng với “óc sáng tạo” của người Việt Nam, công ty du lịch chỉ cần thuê nguyên một xe rác đổ xuống thượng nguồn thì giàu to! Thế thì những xe rác này đang đóng vai trò của những hội đoàn ngoại vi, các cơ quan truyền thông của cộng sản. Nó có chức năng tô vẽ thêm sắc màu dân chủ cho chế độ trước thế giới.

Nhưng chung quy, đó cũng chỉ là rác!

Phạm Minh Hoàng