CSVN cấm đăng tin báo chí trên mạng cá nhân

Trung Điền - Việt Tân
 
 
Trong phiên trả lời chất vấn ở Quốc hội vào ngày 9 tháng Mười Một vừa qua, Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Truyền thông & Thông tin (Bộ 4 T) cho biết là song song với việc “yêu cầu” hai công ty Facebook và Youtube ngăn chận những trang mạng và Youtube chống chế độ, Bộ 4T cũng đã soạn thảo cái gọi là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng từ tháng Tư năm nay, để yêu cầu chính phủ thông qua vào cuối năm 2020.
 
Theo Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm buộc người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ “pháp luật Việt Nam” ngoài những quy định tổng quát về Luật An Ninh Mạng mà nhà cầm quyền CSVN đã áp dụng vào đầu năm 2019.
 
Mới đây, phát biểu trong một hội thảo về thông tin mạng vào ngày 27 tháng Mười Một tại Thành phố HCM, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết là trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng có một số điều khoản, với tham vọng là kiểm soát các trang mạng xã hội kể từ đầu năm 2021.
 
Thứ nhất là các trang web, mạng xã hội của những cơ quan báo chí chỉ được liên kết sản xuất tin tức, bài vở trong các lãnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an ninh xã hội.
Thứ hai là nhằm hạn chế cái gọi là tình trạng “báo hóa”, quy định mới sẽ bắt buộc sử dụng tên miền .vn, đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại, mỗi trang thông tin phải có nội dung theo đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh của từng doanh nghiệp và nhất là các trang thông tin này phải nối kết đến hệ thống giám sát của bộ máy kiểm soát của nhà nước.
 
Thứ ba là cấm các trang mạng xã hội không được tự cung cấp tin tức, các dịch vụ khác hoặc đăng lại các bản tin của những cơ quan báo chí. Các trang mạng xã hội chỉ là nền tảng để trao đổi thông tin mà thôi
Thứ tư là chỉ những tài khoản nào đã có đăng ký (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) thì mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, tặng quà, v,v…Đối với những mạng xã hội cung cấp những dịch vụ theo ngành nghề kinh doanh thì phải có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Thứ năm là đối với những tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội riêng ở trong nước, khi số lượng thành viên còn ít thì không cần xin phép mà chỉ cần thông báo mẫu. Nhưng khi mạng có từ 10 ngàn thành viên thường xuyên hàng tháng trở lên hoặc có 1 triệu lượt người sử dụng tương tác trong 1 tháng trở lên thì phải làm thủ tục xin cấp phép. Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội phải kiểm nội dung đăng trên mạng xã hội, không cho phép thành viên đăng tải bài viết giống như sản phẩm báo chí.
 
Núp dưới chiêu bài ngăn chận hiện tượng “báo hóa” của các mạng xã hội, Bộ 4T đưa ra những quy định nói trên, trong thực tế là nhằm cấm những trang mạng xã hội cá nhân “khuyếch tán” những thông tin từ các báo, các cơ quan truyền thông gây bất lợi cho chế độ.
 
Nói cách khác, những quy định của Bộ 4T vừa quy chế hóa chức năng loan tải thông tin của những trang mạng theo ngành nghề đăng ký, chứ không được tự do đề cập nhiều loại thông tin khác nhau cho độc giả như trước đây, vừa ngăn chận những tán phát thông tin mang tính chất “gây bão” của mạng xã hội khiến cho các cơ quan nhà nước lúng túng đối phó như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm, vụ Nguyễn Đức Chung bị bắt, hay vụ Nguyễn Phú Trọng đột quỵ…
 
Rõ ràng là Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo CSVN đang tìm cách khống chế mạng xã hội tại Việt Nam. Một mặt, họ “ép buộc” các công ty Facebook và Youtube phải ngăn chận những bài vở, youtube phê phán những sai trái của chế độ, nếu không sẽ bị phong tỏa ở Việt Nam. Mặt khác, với Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được áp dụng vào đầu năm 2021 nhằm cấm các trang mạng xã hội cá nhân không được tán phát những tin tức, bài vở từ báo chí mà họ cho là bất lợi đối với chế độ.
 
Cộng đồng mạng Việt Nam ở trong và ngoài nước không thể im lặng để cho CSVN tiếp tục khóa bàn phím của chúng ta!