Tin tức Tù Nhân Lương Tâm Tạ Phong Tần được trả tự do (và chị đồng ý) lên đường đi Mỹ loan nhanh trên Facebook và một lần nữa (tương tự như khi anh Điều Cày ra đi cách đây 1 năm) có nhiều dư luận vui/buồn và kể cả bất bình/thất vọng trước sự việc này.
Ở một góc độ cá nhân nhiều người vui cho chị, mừng cho chị thoát cảnh ngục tù, chấm dứt 8 năm nghiệt ngã. Và cũng ở một góc độ cá nhân nhiều người buồn khi kết cục của sự việc trả tự do là một cuộc lưu vong, chị không còn được lưu lại trên quê hương mình.
Ở một thái cực (extreme) khác, một số người chê trách cho rằng “vậy là xong” đi là hết. Là bỏ cuộc, là thất bại. Ra nước ngoài thì coi như hết, khỏi đấu tranh gì nữa, v.v…
Tôi không nghĩ thế.
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Khi chúng ta chưa thể, hay không thể dốc toàn cuộc sống (hay mạng sống) của chính mình cho công cuộc đấu tranh thì chúng ta lấy quyền gì để đòi hỏi người khác phải tiếp tục hy sinh [thay mình]???
Cuộc đấu tranh này là của cả một dân tộc, chứ có phải của riêng Điếu Cày, hay Tạ Phong Tần hay Linh mục Lý để rồi đòi hỏi những người đó phải suốt đời đứng đầu sóng ngọn gió … [thay cho mình]?
Mỗi người có một sự lựa chọn và quyền được lựa chọn làm gì với những ngày tháng của đời mình. Chính chúng ta (những người Việt hải ngoại) cũng đã từng quyết định ra đi 20-30 năm trước thì ngày hôm nay chúng ta có thẩm quyền gì để chê trách người khác cũng phải ra đi [như mình]?
Và sau cùng, cho dù ra tới hải ngoại, chị Tạ Phong Tần hay anh Điếu Cày có giảm mức độ đấu tranh hay có ngưng luôn đi nữa thì đã sao? Họ có cái quyền được làm điều đó. (Cũng như chúng ta, làm hay không làm là do mình, chẳng ai có quyền bắt buộc mình phải làm hay phải ngưng.) Cuộc đấu tranh này không phải của riêng ai hay vì bất cứ một người nào. Nó sẽ vẫn tiếp tục đi, đi nhanh, bởi cùng với những người hiện tại, sẽ còn có nhiều người mới, nhiều tầng lớp khác nhập dòng.
Cuộc đấu tranh này không phải của riêng ai.