Ngày 6 tháng 4 năm 2017, tròn 1 năm biến cố thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Hưng Nghiệp xả thải có độc tố ra biển ở khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung. Những câu chuyện về đời sống của nạn nhân chịu ảnh hưởng một năm qua được truyền thông nước ngoài ghi nhận như thế nào cũng như Việt Nam còn là thị trường thu hút của các nhà đầu tư quốc tế hay không?
Formosa chưa xong ...
“Cá ngoài biển chết hết rồi”, “Nơi đây như một vùng đất chết”, “Nếu tiếp tục như thế này, chúng tôi sẽ phá sản nhanh thôi”…Đó là những câu nói cửa miệng của ngư dân, của các doanh nghiệp kinh doanh hải sản và của những người buôn bán phục vụ du lịch tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, khu vực chịu tác hại nặng nề bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa gây nên, được hãng thông tấn Reuters đăng tải dịp vừa tròn 1 năm sau biến cố.
Theo số liệu ghi nhận của Reuters, chỉ trong vòng vài tuần hồi tháng 4 năm ngoái, nhà máy Formosa xả thải chứa độc tố; bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt; làm cá chết dọc bờ biển dài hơn 200 km và di hại của biến cố này khiến cho cuộc sống của hàng trăm ngư dân và dân chúng tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ bị xáo trộn. Hàng ngàn chiếc tàu nằm phơi bờ không thể ra khơi đánh bắt cá và hải sản cũng như hơn 40 ngàn công ăn việc làm tại khu vực này bị ảnh hưởng và 250 ngàn người lao động cả nước bị tác động suốt một năm qua.
Đài RFA cũng cập nhật thông tin liên tục về đời sống của người dân trong nước liên quan kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra. Những nạn nhân nói gì về cuộc sống của họ trong một năm qua? Chia sẻ của những diêm dân ở Hà Tĩnh:
“Từ khi thảm họa cho đến bây giờ là nghề muối không làm được vì nước nhiễm. Nhưng chính quyền động viên nói nước không nhiễm. Chúng tôi không làm vì làm thì không có người tiêu thụ. Mình không ăn được thì bán cho người khác cũng không ăn được.”
Phản ảnh của các doanh nghiệp về việc chính quyền địa phương vận động thu mua hải sản không tiêu thụ được thì nhà nước sẽ hỗ trợ từ trước đợt Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp hồi trung tuần tháng 5 năm 2016:
“Ứ đọng trong kho từ trước Bầu cử cho đến sau Bầu cử. Vâng lời họ mình phải chấp nhận mua mà mãi đến giờ là chưa hề nhận được một đồng tiền đền bù nào cả.”
Các ngư dân bắt đầu trở lại nghề đánh bắt:
“Thu hoạch hôm nay của tôi mang về gần một chục kg ghẹ và khoảng 20 kg cá. Lượng tôm cá đánh bắt tuy có nhiều nhưng bán ra thì giá rất ít.”
Cá không còn, biển nhiễm độc
Cá chết trên bãi biển ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP photo
Không phải ngư dân nào cũng may mắn trong những lần ra khơi. Phóng viên Reuters bắt gặp 3 ngư dân tại một bãi biển ở Hà Tĩnh với một giỏ cá không đầy dù sau một ngày ròng đánh bắt vất vả. Họ cho biết nhận được số tiền bồi thường thiệt hại của chính phủ là 17 triệu 400 ngàn đồng và số tiền này không thấm vào đâu so với những gì họ phải hứng chịu từ biến cố thảm họa môi trường biển.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng sử dụng số tiền 500 triệu Mỹ kim của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh bồi thường để đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng giống như 3 ngư dân vừa rồi, nhiều nạn nhân khác cũng không thể thay đổi cuộc sống mới với số tiền đền bù từ chính phủ. Không chỉ vậy, số người nhận được tiền đền bù được cho rằng chỉ là con số ít ỏi. Rất nhiều người dân lên tiếng chưa hề nhận được tiền bồi thường dù họ làm đúng thủ tục hành chính theo như quy định của pháp luật:
“Vào ngày 7 tháng 9 năm ngoái, họ đưa cho dân tờ kê khai và tất cả đều kê khai. Nhưng sau khi xét duyệt chỉ cho 1/3 thôi. Hồ sơ nộp tại Ủy ban Nhân dân xã khoảng 2500 đơn, bây giờ chỉ xét duyệt chừng một phần tư nên dân không đồng tình. Cách xét duyệt là ai quen thì duyệt còn không thì thôi.”
Vì không đồng tình nên các nạn nhân nộp đơn khiếu kiện và bị tòa án trả đơn với lý giải không đủ giấy tờ chứng minh thiệt hại. Họ đi khiếu kiện tập thể lên tòa án cấp cao hơn thì bị chính quyền đàn áp, đánh đập và bắt bớ.
Một năm biến cố thảm họa môi trường biển miền Trung không thể mô tả hết qua phóng sự gói gọn của chúng tôi. Nhưng môi trường biển Việt Nam trong tương lai sẽ thế nào khi nhà nước không lắng nghe nguyện vọng của dân chúng là phải đóng cửa Formosa; mà trái lại mới đây nhất Phó Giám đốc Điều hành của tập đoàn này, ông Chang Fu-ning nói với Reuters rằng Formosa đầu tư thêm 350 triệu đô la Mỹ vào nhà máy để đến năm 2019 sẽ chuyển sang hệ thống xả thải mới, hiệu quả hơn.
Lại đến nhà máy giấy Lee & Man
Một ống xả thải của Nhà máy giấy Lee & Man ra sông Hậu. Courtesy of tuoitre.vn
Trong khi dư luận bày tỏ nỗi lo lắng liệu rằng từ nay đến năm 2019, theo như lời hứa hẹn của Formosa, sẽ còn có thêm biến cố môi trường nào khác nữa từ nhà máy này hay không, dân chúng tại đồng bằng Sông Cửu Long, xung quanh khu vực nhà máy giấy Lee & Man, ở Hậu Giang đang phải sống trong điều kiện khói bụi dày đặc và mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tuy rằng các chuyên gia khoa học cảnh báo tác động bất lợi lâu dài đối với môi trường từ nhà máy thép Formosa và nhà máy giấy Lee & Man cùng lời kêu gọi của dân chúng tại Việt Nam rằng chính phủ hãy giữ lời hứa không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng giới chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà máy này vẫn được cấp phép hoạt động nhằm góp phần giúp Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 6%.
Trả lời câu hỏi của RFA trong bối cảnh xung đột giữa phát triển kinh tế với ích lợi xã hội cũng như môi trường bị phá hoại, Việt Nam vẫn được xem là một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á hay không, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định, từng xuống đường biểu tình phản đối Formosa, cho biết quan điểm cá nhân của ông:
“Môi trường đầu tư tại Việt Nam bắt đầu mở cửa vào năm 1986, cho đến nay là 31 năm thì ngày càng xấu đi. Tất nhiên vẫn có những cơ hội khác cho các nhà đầu tư gián tiếp. Thông thường những thị trường không có hệ thống pháp luật hoàn hảo và nhiều rủi ro thì những thị trường đó thường mang lợi trước mắt rất nhanh. Cho nên cách đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài bây giờ là đầu tư gían tiếp, ngắn hạn và lấy tiền nhanh với số tiền lớn rồi rút đi.
Và như vậy, chúng ta thấy nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn không hưởng được bất cứ lợi ích gì từ cách đầu tư này mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài có lợi mà thôi. Còn cách đầu tư lâu dài, đầu tư vốn xây dựng nhà máy, có những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì ngày càng kém đi, bởi vì môi trường đầu tư của Việt Nam như tôi vừa phân tích hoàn toàn không có lợi.”
Cùng quan điểm với Luật sư Lê Công Định, một số nhà quan sát tình hình tại Việt Nam cho rằng kể từ khi biến cố môi trường biển do Formosa gây nên được phát hiện đến nay tròn một năm nhưng chính phủ Hà Nội gần như không có biện pháp giải quyết hữu hiệu nào ngoài các báo cáo đánh giá môi trường cùng các tuyên bố mâu thuẫn nhau, khiến cho người dân không thỏa mãn về cách giải quyết thảm họa môi trường biển miền Trung. Do đó, bất ổn xã hội đã, đang và còn tiếp diễn nếu chính phủ cứ tiếp tục theo cách thức mà họ đã làm qua biến cố Formosa.
Nhân một năm xảy ra thảm họa môi trường biển tại Việt Nam với những thông tin từ trong nước rằng Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà tuyên bố biển miền Trung đã an toàn; thế nhưng dư luận thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài chứng kiến cảnh tượng biển và ao hồ Việt Nam đổi màu đỏ, vàng, tím mà không biết nguyên nhân cùng hàng ngàn người dân ở Hà Tĩnh liên tiếp biểu tình với tiếng kêu gào “Điều thôi thúc lớn nhất là sự sống còn của tôi, và gia đình tôi. Tôi muốn con cháu tôi được sống. Tôi rất thương chúng nó vì Formosa xả thải như thế này tương lai của con cháu tôi không còn”, giống như một bức tranh đa sắc được bao phủ bởi cầu vòng niềm tin màu xám ngắt.
Nguồn: RFA