Danh ca Ngọc Cẩm qua đời

Tối nay lướt mạng, thấy tin danh ca Ngọc Cẩm vừa tạ thế  trưa 2.11.2020 tại Sài Gòn, hưởng thượng thọ 90 tuổi.

Lâu lắm rồi, dễ đã hơn 30 năm nay không còn nghe nhạc do đôi danh ca một thời trước 1975 Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết hát nữa.

Bèn vào Youtube gõ từ khóa „Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết“ và bắt gặp cả mấy „băng“ nhạc do hai vị này hát từ hơn nửa thế kỷ trước – một thời làm rung động hàng triệu con tim dân miền Nam.

https://www.youtube.com/watch?v=_xY7Q6axHtI

Có lẽ từ thuở nằm nôi tôi đã được ba tôi cho nghe „nhạc Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết“ bên cạnh tân cổ giao duyên, cải lương và những câu hát ru em. Sáng sớm nào, nếu ở nhà, ba tôi đều mở máy cassette để nghe và cho cả nhà nghe chung.

Lớn lên trong những âm thanh nhẹ nhàng, đầy ắp tình tự quê hương như thế nên tôi rất mặn mà với nhạc xưa và boléro.

Khi sang đến Đức vào đầu thập niên 80, khi đó nhớ nhà, nhớ người thân vô cùng. Thư gửi cả tháng mới tới Việt Nam. Không có điện thoại, Skype, Whatsapp, FB như bây giờ. May mắn là trong số người ở chung trại tị nạn có người mang theo mấy băng cassette nhạc „vàng“. Thế là ai cũng „sang băng lậu“ và nghe mỗi ngày cho vơi bớt nỗi nhớ nhà lúc nào cũng cồn cào, đau đáu. Một trong những băng nhạc đó là băng Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết mà tối nay tôi bắt gặp trên Youtube.

Những chuỗi âm thanh xưa cũ bỗng tràn về như nước lũ, gợi lại những cảm xúc đã phai mờ theo năm tháng. Những bài hát xưa và hai giọng ca vô cùng quen thuộc bị lãng quên bấy lâu bỗng sống lại bừng bừng.

Nhạc xưa không được thu âm hoàn hảo như bây giờ, không được hòa âm phối khí cầu kỳ, tuyệt vời về mặt kỹ thuật, không hát bè mà chỉ đơn sơ một giọng ... nhưng cái hồn trong lời nhạc, trong giọng hát, trong âm điệu nhẹ nhàng, thanh thoát xưa hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Từng bài hát „Bến duyên lành“, „Trăng rụng xuống cầu“, „Gạo trắng trăng thanh“, „Múc ánh trăng vàng“ ... gợi lại hình bóng quê nhà một thuở thanh bình và tình người còn rất đơn sơ mà đậm đà.

Lao vào cuộc sống mới rồi bị nói cuốn hút đi mất suốt 40 năm, tôi không còn nghe „nhạc Ngọc Cẩm/ Nguyễn Hữu Thiết“và cũng không biết ông NHThiết đã mất trước đây 18 năm rồi.

Giờ thỉnh thoảng có thể „sống ảo và ăn mày dĩ vãng“, thả hồn về „những ngày xưa thân ái“.

Xin cảm ơn những đóng góp không nhỏ cho kho tàng âm nhạc miền Nam nói riêng và VN nói chung của hai vị danh ca thời xa xưa, thời cải lương rất thịnh hành mà giờ hầu như chỉ còn là dĩ vãng vàng son.