Ảnh: Trung tá Đặng Đình Đoàn (áo trắng), phó trưởng công an phường Sông Bằng, tát vào đầu chị T.M.K. Ảnh chụp từ video clip
Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng, trung tá Đặng Đình Đoàn, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng trong báo cáo gửi Công an tỉnh, giải thích hành động tát hai lần cô gái và vỗ đầu nam thanh niên trong video được công khai trên mạng là “do bị xúc phạm nên bức xúc”.
Trong video, người ta thấy ông Phó Công an phường Cao Bằng tát thẳng tay. Cái tát có thể thấy lực được dồn hết sức. Theo lẽ thường “mắt đền mắt, răng đền răng”, thì mức xúc phạm danh dự của vị công an này rất lớn – chắc chắn là lớn – nên ông đã dùng lực tương ứng để đánh trả. Có nghĩa là mọi thứ được vay trả theo luật giang hồ – luật giang hồ có màu áo công quyền.
Thế nhưng, ông Đoàn không tìm hiểu vì sao bạn của ông, tay bác sĩ phụ khoa vô danh nào đó, đột nhiên nửa đêm gọi cho người phụ nữ trong video, yêu cầu đến ngay để “khám phụ khoa”. Từ đó dẫn đến cãi vả. Cũng có thể ông bác sĩ phụ khoa vì quen biết công an địa phương – cụ thể là với ông trung tá Đặng Đình Đoàn – nên mắc chứng ảo giác thân phận, cho mình cũng là quan ký sinh, nên nửa đêm lại nằng nặc đòi “khám” dân.
Trong video, công an rất chuẩn mực hành sự. Ập đến là họ quay video làm chứng ngay – dù mọi lý do xông vào hoàn hoàn bất hợp pháp. Và khi cô gái chất vấn ông Đoàn bắt người vì lệnh gì, giấy tờ đâu, ông Đoàn gầm lên “”chửi, chửi, con này láo chửi, vả chết mẹ nó”. Tay mặc áo xanh công an bên cạnh, điếu đóm cầm điện thoại đưa cho ông Đoàn, nói lớn “có bằng chứng là nó chửi anh, bắt ngay và luôn”.
Bức tranh tồi tệ và nực cười như trong “Ngao Sò Ốc Hến”, loại quyền lực của bọn quan lại thối nát ghê tởm mà chính quyền hôm nay luôn nguyền rủa. Bức tranh của thế kỷ 21 nực cười đến ứa nước mắt.
Quả là bị xúc phạm danh dự thì phải hành động ngay. Trong 6 điều mà ông Hồ Chí Minh để lại cho ngành công an, có điều 2 và điều 5 luôn được nề nếp tuân thủ: Đối với đồng sự phải: Thân ái Giúp Đỡ (Điều 2) và Đối với công việc phải: Tận Tụy (Điều 5). Giúp nhau vì thân ái và tận tụy tạo chứng cứ, thì thật không thể trách được.
Trên các trang mạng, người dân không quên. Họ nhắc lại vụ án được xử ngày 23 Tháng 8, 2011, khi cô gái đang học lớp 12 Phạm Thị Mỹ Linh tát một viên công an giao thông, do tức giận, cho rằng mẹ cô đã bị bắt dừng xe vô cớ để kiểm tra, đã bị tuyên 9 tháng tù. Cú tát được mô tả là không đủ lực với một viên công an, nhưng cô bị xử vì tội chống người thi hành công vụ vì thái độ.
Tại phiên tòa xử lưu động công khai ở Tân Thới Hiệp (P.Tân Thới Hiệp, Q.12) viên thẩm phán tuyên bố thái độ, hành động như vậy là xúc phạm danh dự chiến sĩ công an nhân dân.
Nữ sinh cùng mẹ ngất xỉu khi nghe 9 tháng tù được tuyên
Điều nhận ra là trong video, ông công an Đoàn dẫn theo một nhóm người ập vào, không có quy cách, quy trình gì về xét xử, cũng như không có giấy tờ chứng minh, hành động như một loại giang hồ bảo kê khu vực, nhưng sau đó, đổ tât cả cho “danh dự”. Chưa thấy ông Đoàn nói rõ, đó là danh dự của một con người có học hay của một chiến sĩ công an.
Danh dự nào? Danh dự của ai? Chúng ta rõ là đang sống trong một thời đại bị đánh tráo hình ảnh, suy nghĩ, khái niệm. Thậm chí có những kẻ cứ cố vơ vào mình loại “danh dự” ảo tưởng bên cạnh thứ quyền lực đã tha hóa, coi nhân dân là một thứ hạng để cai trị. Một thứ hạng chắc sẽ không có quyền được viện dẫn về danh dự như ông Đoàn – một công an.
Danh dự của một người dân Việt Nam, như các nhân vật trong video, vẫn bị sống trong tình trạng bất an, bởi không biết khi nào sẽ bị cướp đoạt, kể cả sự thật. Mọi thứ có thể bị mất đi ở đường phố lẫn ở trong nhà.
Cũng may sự nhẫn nhịn của những người bị cướp danh dự đủ lớn, để không có ai phản ứng đánh lại bọn sai nha điên cuồng và thâm hiểm đó. Nếu không, giờ họ đang mang án “chống người thi hành công vụ”, chứ không phải là nghe ông công an hát bài ca đau thương về danh dự.
Hãy nghĩ thử xem. Để sống còn, thì tương tự như những nạn nhân trong video, có phải những người dân thấp cổ bé miệng khác vẫn phải tự thủ tiêu danh dự và quyền được chống trả bất công bằng sự thật của mình để được an toàn?
Quả là danh dự, chỉ có một loại danh dự.