Cuộc va chạm giữa nhà cầm quyền Việt Nam và tập đoàn Facebook đã khiến bật ra một số điều thú vị. Theo tin từ Reuters, suốt trong 7 tháng, kể từ cuối năm 2019, phía các nhà mạng của Việt Nam cùng phối hợp gây khó cho Facebook ở Việt Nam, làm cho trang này liên tục trở thành dạng offline, khiến cập nhật và theo dõi rất khó khăn. Dĩ nhiên, đây không thể là một cuộc hợp tác tự phát, mà chắc chắn là phải từ lệnh và chiến dịch phát đi từ ông Lê Mạnh Hùng, hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chuyện này được xác nhận bởi bà Amy Sawitta Lefevre – Quản lý chính sách truyền thông của Facebook, và bà xác nhận việc Hà Nội có đưa ra cụ thể danh sách các trang và bài cần phải được chặn, vốn bị coi là gây khó chịu riêng với nhà cầm quyền, nhưng lại nằm trong quyền tự do ngôn luận của người dân.
Còn nhớ, vào khoảng trung tuần tháng Tư/2020, đột nhiên bản đồ Facebook không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự sau đó, được dàn xếp và coi là lỗi kỹ thuật. Ngay sau đó, Facebook chuyền tin cho Reuters cho biết tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. Rồi hôm nay, tức một tuần sau sự việc, Facebook ở Việt Nam đã bắt đầu dịu đi tình trạng khó truy cập. Có hay không, sự đáp trả im lặng bằng kỹ thuật số giữa Việt Nam và Facebook? Dĩ nhiên, đó là tùy vào suy nghĩ riêng của người đọc.
Nhưng không chỉ vậy, Facebook còn để lại một thông điệp ẩn của bà Amy Sawitta Lefevre – Quản lý chính sách truyền thông của Facebook – rằng cần lưu ý là mặc dù những nội dung này đã bị chặn ở Việt Nam, nhưng nó vẫn có thể được xem ở các quốc gia khác trên thế giới. Tức Facebook nắm giữ một công cụ phân phối thông tin theo IP định vị từng địa phương. Chẳng hạn, Hoàng Sa và Trường Sa có thể hiển thị ở nhiều nước, trừ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chỉ còn duy nhất hiển thị ở Việt Nam, tùy theo ứng xử của Hà Nội với Facebook.
Thông điệp cũng nhắc rằng bài bị chặn, bị xóa ở Việt Nam, nhưng vẫn đọc thấy ở các quốc gia khác. Tức Facebook, bằng cách nào đó, đã nhắc đến việc cần sử dụng VPN (virtual private network).
VPN (*) là gì? Nói nhanh, vắn tắt, đó là một công cụ mã hóa, giúp bạn đi bằng đường hầm bí mật, thoát qua hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam, giấu tung tích của mình để là một người tự do và ẩn danh.
Chắc nhiều người đọc sẽ hỏi những loại nhu liệu này hợp pháp hay không? Xin nói rõ, đây là một thủ thuật tin học hợp pháp và được sử dụng trên toàn thế giới, để bảo vệ chính mình theo quyền bảo vệ riêng tư, cũng như bảo vệ chính bản thân mình trong thế giới có quá nhiều bất cập, đặc biệt từ các quốc gia độc tài.
Trong bối cảnh luật an ninh mạng, và nghị định 15/2020 luôn có những cáo buộc mơ hồ, việc sử dụng VPN đang là một giải pháp tối cần thiết cho từng người Việt Nam. Với mức thuê bao thấp nhất là 10.000 đồng hay 20.000 đồng Việt Nam, mỗi ngày, bạn có thể được bảo vệ an toàn nhất bởi các công ty độc lập và kinh nghiệm ở thế giới tự do, chống lại sự theo dõi, loại bỏ các kiểu thu thập thông tin về bạn. Hơn nữa, bạn có thể xem được mọi thông tin bị kiểm duyệt, và thậm chí là truy cập nhanh hơn.
Nếu không, chọn một VPN miễn phí, đổi quảng cáo, quyền lợi tối thiểu cho điện thoại thông minh như Open VPN connect hoặc Free VPN Proxy cũng có thể đem lại những tiện lợi này.
Ở Trung Quốc, mặc dù bị ngăn cản bằng đủ các hệ thống tối tân nhưng hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn sử dụng được Youtube, Google, Facebook, Twitter… bởi qua VPN.
Tương tự như cách làm với các nhà mạng quốc tế khác, Bắc Kinh cấm tất cả những công ty VPN nào không đặt máy chủ ở Trung Quốc (Việt Nam ắt sớm muộn gì cũng vậy), và xóa các ứng dụng gây khó chịu như vậy trên App Store hoặc Google Play. Nhưng điều đó, chỉ tạo thêm sự thách thức đối với các nhà cung cấp, thông qua việc cài đặt trực tiếp bằng apk hay ipa(**), có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Và dù Trung Quốc tốn hàng trăm tỉ nhân dân tệ để chặn lại, vẫn có những VPN hàng đầu (NordVPN, ExpressVPN, CyberGhost…) cứ trơ trơ và mở cửa, giúp người dân Trung Quốc tìm đến thế giới tự do trên không gian ảo.
Thông điệp của Facebook để lại khá rõ cho người Việt, về một cánh cửa phụ vào không gian tự do. Dĩ nhiên đó cũng là một cách chạy chữa của tập đoàn này trước việc phải thỏa hiệp và kiểm duyệt với nhà cầm quyền trong việc tấn công vào tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nhưng dẫu sao, cách nhắc khéo này, cũng giúp cho người dân Việt Nam một lựa chọn.
Tuấn Khanh
—
Chú thích:
(*) VPN tạo một đường hầm bảo mật, được mã hóa, an toàn qua Internet giữa máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của bạn và bất kỳ trang web hoặc ứng dụng nào bạn đang cố truy cập.
Điều này được thực hiện bằng cách chuyển hướng kết nối của bạn thông qua máy chủ VPN ở một quốc gia khác, chuyển đổi danh tính, cho thấy bạn xuất hiện trên một trang web hoặc qua ứng dụng, là bạn chỉ là một khách truy cập khác của địa phương, khác nơi bạn đang ở.
Bạn trở nên ẩn danh một cách hiệu quả khi địa chỉ IP của bạn (danh số xác định kết nối trực tuyến trên thiết bị của bạn với nhà mạng mà bạn thuê bao) được thay thế bằng địa chỉ của máy chủ VPN đưa ra, dĩ nhiên là bất định và không có thật.
Tất cả những gì bạn cần, là một ứng dụng VPN trên thiết bị của bạn hoặc chọn loại miễn phí, và tốt hơn nữa mua hoặc thuê bao với giá cả phải chăng. Các VPN tốt nhất hoạt động trên máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại thông minh và máy tính bảng – thậm chí là Smart TV, với sự hỗ trợ của cáp ethernet hoặc dongle Chromecast.
Khi bạn muốn che giấu vị trí thực tế của mình, chỉ cần khởi chạy ứng dụng VPN, chọn quốc gia mà bạn muốn kết nối rồi chuyển qua sử dụng trình duyệt của bạn và bất kỳ ứng dụng nào như bạn thường làm. VPN sẽ là người che chắn cho bạn.
Dưới đây là danh sách những VPN miễn phí và trả tiền tốt nhất 2020, theo bình chọn của VPN Mentor https://bit.ly/3eWyUpk
(**) Các file cài đặt riêng, phải tải về trên Android hoặc iOS, không cần qua các trang tập trung ứng dụng như App Store hay Google Play.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nguồn: RFA