Facebook, tự do ngôn luận hay tùy tiện cấm đoán? (kỳ 1)

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, điều trần từ xa trước Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Hoa Kỳ, 29 tháng Bảy, 2020.

Phạm Phú Khải - VOA

Facebook, một loại truyền thông xã hội và là một phương tiện lý tưởng để thể hiện tự do ý kiến và tự do bày tỏ, đang gặp một thử thách to lớn hiện nay.

Thoạt đầu, mục đích của Facebook là để tạo ra một không gian chung để sinh viên Harvard nối kết nhau, như một phương tiện để sinh viên tìm đến hỗ trợ nhau trong cộng đồng cùng sở thích hoặc quan tâm [1]. 16 năm sau, Facebook trị giá hơn 600 tỷ đô la Mỹ, có hơn 2.5 tỷ người năng động dùng hàng tháng, và người chủ nhân sáng lập nó, Mark Zuckerberg, là một trong những doanh nhân giàu có nhất thế giới.

Ngày hôm nay, các nhóm xã hội kín hay mở, hay chỉ cho thành viên, còn gọi là các cộng đồng có ý nghĩa (meaningful communities), trên Facebook là vô số kể. Zuckerberg cho biết, vào tháng Tư năm 2019, Facebook đã có 400 triệu người đang là thành viên của cộng đồng ý nghĩa, và hơn 100 triệu là thành viên của cộng đồng rất có ý nghĩa [2].

Các cộng đồng (rất) ý nghĩa này trở thành một phần hoạt động bình thường của Facebook cho đến khi nó bị cấm đoán và thách thức trong những ngày qua.

Royalist Marketplace, một cộng đồng trên Facebook được giáo sư người Thái tên Pavin Chachavalpongpun thành lập vào tháng Tư năm nay, có hơn 1 triệu thành viên. Royalist Marketplace, tạm dịch là Thương trường Bảo hoàng, là nơi mà các nhà hoạt động người Thái thảo luận với nhau về đề tài quân chủ. Trong hơn một tháng qua, kể từ ngày 18 tháng Bảy, giới trẻ Thái Lan đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình hầu như mỗi ngày trên toàn nước. Cao điểm là vào Chủ Nhật 16 tháng Tám thu hút hơn 10 ngàn người tham gia [3]. Người biểu tình đưa ra ba yêu cầu: một, một hiến pháp mới; hai, một chính quyền mới, bao gồm chính quyền hiện tại từ chức, tái bầu cử dựa trên hiến pháp mới để thành lập một quốc hội và chính quyền mới; ba, chấm dứt sách nhiễu những người đối lập, bất đồng chính kiến.

Có ba điều đáng nói ở đây.

Một, từ trước đến nay, người Thái tránh đụng chạm đến nhà vua và hoàng tộc, nhưng đầu tháng Tám, các cuộc biểu tình đã yêu cầu cải tổ nền quân chủ của Thái. Mặc dầu cuộc cách mạng năm 1932 lật đổ quân quyền thành công, Thái Lan không bỏ hẳn vai trò của vua Thái, mà chỉ thay nền quân chủ tuyệt đối thành quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) [4]. Kể từ đó đến nay, Thái đã có 19 lần thay đổi hiến pháp, và 12 lần đảo chánh bởi quân đội [5]. Tuy trải qua tất cả các cuộc đảo chánh liên miên này, quyền lực của vua Thái phần lớn, vẫn gần như bất khả xâm phạm. Khi quân đội Thái thực hiện cuộc đảo chánh năm 2014, tướng Prayut Chan-o-cha, thuộc phái bảo hoàng, muốn được sự ủng hộ của vua Thái để được lòng dân chúng. Khi vua cha, Bhumibol Adulyadej, mất tháng 10 năm 2016, hoàng tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi, nhưng không được lòng dân chúng lắm. Trong bộ luật hình sự hiện nay, điều 112 ghi rằng: “nói xấu, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc nhiếp chính" sẽ bị phạt tù từ ba năm đến 15 năm [6]. Những điều luật này có tên gọi chung là lese-majesty laws, nghĩa là luật phỉ báng người cai trị tại Thái Lan, là một trong những luật khắt khe nhất còn lại trên thế giới này. Biều tình đầu tháng 8 là lần đầu tiên người Thái công khai đặt lại vai trò của quân chủ trong nền quân chủ lập hiến.

Hai, những nhà hoạt động dân chủ Thái, đặc biệt là phong trào giới trẻ, nhận thấy rằng tự do ngôn luận và tự do bày tỏ ghi rõ trong hiến pháp là thật sự vô nghĩa nếu họ không được bày tỏ các ý kiến liên quan đến vận mệnh quốc gia. Điều đó có nghĩa đụng đến các thế lực cao nhất. Vua Thái không chỉ là biểu tượng mà còn nhúng tay quá nhiều vào chính trị, bao biện cho phía quân đội thay vì đứng về phía người dân. Nhà vua hiện nay trực tiếp điều hành hai lực lượng quân đội quan yếu, không khác gì một Tổng Tư Lệnh, và quản lý số tài sản kếch sù [7]. Nhưng vua Thái vẫn đứng ngoài hiến pháp và pháp luật. Trong suốt thời kỳ Covid-19, từ tháng Ba đến nay, vua Thái phần lớn vẫn ở ngoài Thái Lan, chủ yếu sống ở Đức. Thế hệ Thái lớn lên với truyền thống bảo hoàng nên ít nhiều vẫn còn thờ phượng vai trò vương quyền. Nhưng người trẻ Thái Lan thì khác. Họ không chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến với quyền lực nhà vua không bị giới hạn hay kiểm soát. Và họ không chấp nhận một nền dân chủ nửa vời khi mà quyền tự do ý kiến và bày tỏ lại bị khống chế nếu bị xem là xúc phạm đến nhà vua. Ngay cả khi luật lese-majeste này bị hủy bỏ trong luật hình sự đi nữa, chế độ hiện nay vẫn còn nhiều biện pháp để trấn áp và bỏ tù người dân nếu họ muốn [8].

Ba, từ điều một và hai, các nhà hoạt động Thái nhận thấy rằng con đường duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đảo chánh và chuyên chế, bởi quân đội Thái hay sự bảo hộ của vua Thái trong 88 năm qua, là một hiến pháp mà trong đó tất cả mọi người phải bị ràng buộc bởi pháp luật. Pavin, hiện đang nghiên cứu và dạy học về chính trị và quan hệ quốc tế tại Nhật, cũng là người đang bị chính quyền Thái kết án và yêu cầu Nhật dẫn độ về nước, đã quyết định mở diễn đàn Royalist Marketplace này để giới trẻ hoạt động tại Thái cùng tham gia thảo luận thẳng thắn với nhau về vai trò của quân chủ Thái [9]. Hơn một triệu người tham gia diễn đàn này, cho thấy sự nhiệt thành của giới trẻ Thái cho tiến trình dân chủ hóa. Nhưng vì lo âu ảnh hưởng của cộng đồng này, chính quyền Thái đã yêu cầu Facebook đóng cửa nó, qua trát tòa Thái vào tháng Sáu.

Đầu tháng Tám, sau cuộc biểu tình của giới trẻ Thái mà lần đầu tiên xúc phạm đến hoàng gia Thái vào ngày 3 tháng Tám, chính phủ Thái hăm dọa sẽ thách thức pháp lý với Facebook nếu không giới hạn các hoạt động phi pháp đụng đến hoàng gia Thái [10]. Ngày 10 tháng Tám, chính phủ Thái cho Facebook 15 ngày để thi hành lệnh tòa, nếu không sẽ bị phạt [11]. Facebook ra thông cáo rằng “Những yêu cầu như thế này là tệ hại, trái với luật nhân quyền quốc tế và có tác động sâu sắc đến khả năng bày tỏ của mọi người”. Facebook cho biết dự trù sẽ thách thức tính pháp lý của chính quyền Thái về điều này. Nó có xảy ra hay không thì chưa rõ, nhưng vào ngày 24 tháng Tám, dưới áp lực gia tăng của chính phủ Thái, Facebook đã quyết định giới hạn những người sống bên trong Thái Lan vào cộng đồng Royalist Marketplace này. Liền sau đó, Pavin đã quyết định mở một trang khác cùng ngày, với tên “Royalist Marketplace – Talad Luang”; Talad Luang, tiếng Thái, có nghĩa chợ hoàng gia hoặc công chúng. 5 tiếng sau, có 375.000 người đăng ký tham dự. Ngày hôm sau đã có hơn nửa triệu người.

Làm sao có thể ngăn chặn được ý chí mạnh mẽ của những người trẻ mong muốn thay đổi như thế này!

Facebook muốn chứng tỏ mình là tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận lớn nhất tại Hoa Kỳ, trong khi đối với các thể chế chuyên quyền ngoài nước, Facebook lại tỏ ra kính nhường, khép nép [12]. Để trở thành sân chơi chung (platform) trên bình diện toàn cầu, Facebook phải có một chính sách và chủ trương kiên định, nhất quán. Facebook không thể đề cao tự do ngôn luận và tự do bày tỏ tại một nơi trong khi nhường nhịn hay cấm cản tại nơi khác. “Một sân chơi hai luật lệ” không phải là giải pháp bền vững cho Facebook. Tự do ngôn luận không thể có tiêu chuẩn đôi.

Giải pháp của Facebook ra sao thì chưa rõ, nhưng mọi con mắt đang xoáy vào hành động của Facebook trong thời gian tới. Facebook đã từng nhượng bộ chính quyền tại Việt Nam để gia tăng kiểm duyệt các bài vở chống đối chế độ, hay ngăn chặn nội dung chống lại chính quyền tại Singapore khi họ sử dụng luật về tin giả. Nhưng có lẽ trường hợp Thái Lan là một trong các thử thách lớn nhất mà Facebook đang phải đối diện.

Tài liệu tham khảo:

1. Christopher McFadden, “A Brief History of Facebook, Its Major Milestones”, Interesting Engineering, 7 July 2020.

2. Salvador Rodriguez, “Mark Zuckerberg shifted Facebook’s focus to groups after the 2016 election, and it’s changed how people use the site”, CNBC, 16 February 2020.

3. East Asia Pacific, “Thousands Call for Radical Changes to Thailand Government”, VOA News, 16 August 2020.

4. James Buchanan, “Thailand’s Crisis and the 1932 Revolution”, The Diplomat, 16 July 2014.

5. Jonathan Head, “Thailand's constitution: New era, new uncertainties”, BBC News, 7 April 2017.

6. “Lese-majeste explained: How Thailand forbids insult of its royalty”, BBC News, 6 October 2017; Atiya Achakulwisut, “Thailand needs to talk about lese majeste law”, Bangkok Post, 23 June 2020.

7. Panu Wongcha-um, “Thailand's king takes personal control of two key army units”, Reuters, 2 October 2019.

8. David Hutt, “Suspending Lèse Majesté Could Actually Strengthen Thailand’s Monarchy”, The Diplomat, 25 June 2020.

9. “Royalist Marketplace returns”, Prachatai, 25 August 2020.

10. Patpicha Tanakasempipat, “Thai minister threatens Facebook with legal action over restriction requests”, Reuters, 3 August 2020.

11. Rebecca Ratcliffe and agencies, “Facebook blocks access to group criticising Thailand's monarchy”, The Guardian, 25 August 2020.

12. Tyler Sonnemaker, “Facebook reportedly plans to sue Thailand's government over its demand that the company block users within the country from accessing a group critical of its king”, Business Insider Australia, 25 August 2020.

*****

Facebook: Nơi thể hiện tính cách? (kỳ 2)

https://www.voatiengviet.com/a/facebook-the-hien-tinh-cach/5576743.html