Ngày 20 Tháng Bảy, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cho biết, quốc gia này chặn lô gạo Việt Nam vì dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Không chỉ có Na Uy và mà các nước trong khối EU cũng đang tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt mặt hàng nông sản và sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.
Ảnh; Gạo xuất khẩu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép bị trả về, ai sài?
Ở bài trước tôi đã nói về thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia của Việt Nam quá tệ là nguyên nhân dẫn đến một số nước Bắc Âu ngoài EU và khối EU tiến hành kiểm tra hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam với tần suất rất cao để hạn chế sản phẩm từ quốc gia này đổ vào thị trường của họ. Sự tử tế trong sản xuất của người Việt kém, và sự nghiêm minh của chính sách nhà nước cũng kém mà từ đó thương hiệu “made in Vietnam” bị đem ra soi kỹ trên trường quốc tế.
Nếu Mỹ là thị trường mà Việt Nam kiếm nhiều ngoại tệ nhất thì EU là thị trường thứ nhì đứng sau Mỹ. Mỹ và EU là hai thị trường rất khó tính. Đặc biệt là thị trường EU, đây là thị trường khó tính nhất nhì thế giới. Nó chính là bài test cho khả năng nâng tầm thương hiệu Việt. Để doanh nghiệp Việt càng ngày càng gặp khó với thị trường này thì điều đó cho thấy thương hiệu Việt đang thụt lùi.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại Tự do với EU (gọi tắt là EVFTA) nhưng Việt Nam lại chưa có FTA nào với Mỹ. Người ta ví Hiệp định thương mại Tự do - FTA là một giấy thông hành để hàng hóa của Việt Nam vào thị trường đó. Với thị trường EU, Việt Nam đã có giấy thông hành nhưng với Mỹ Việt Nam vẫn chưa có, vậy mà hàng hóa Việt vào Mỹ dễ hơn vào EU thế mới “nghịch lý” chứ? Vậy thì thị trường EU có rào cản gì? Đó là rào cản tiêu chuẩn chất lượng.
Có thể ví như thế này, thị trường EU như là một bữa tiệc của giới thượng lưu, những ai ngoài EU đều cần có vé hoặc được mời mới vào dự, tuy nhiên họ không thể chấp nhận một anh ăn mày với bộ dạng nhếch nhác và hôi hám dự tiệc. Vậy nên, ngoài tấm vé thì họ còn đòi hỏi khách phải sạch sẽ và lịch lãm. Anh Việt Nam đã có được vé trên tay nhưng vẫn mang mình hôi với áo rách của kẻ ăn mày chui vào làm hôi cả phòng tiệc. Chính vì thế các nhà tổ chức đã phải vất vả vây bắt “thằng ăn mày” này tống cổ nó ra khỏi phòng tiệc để thực khách yên tâm mà ăn.
Với chính quyền Cộng Sản Việt Nam họ chỉ cố giật tấm vé mà không có chính sách hiệu quả để nâng tầm thương hiệu Việt. Nhìn vào cách hành xử của thị trường EU thì sẽ thấy rất rõ, thương hiệu quốc gia của Việt Nam đang đi giật lùi. Nếu không làm ăn nghiêm túc, không xây dựng thương hiệu quốc gia tốt hơn, thì mãi mãi hàng Việt Nam bị EU hành hạ, doanh nghiệp Việt bị gây khó dễ. Mà một khi EU đã “dí đập” thì những thị trường khó tính khác như Nhật và Mỹ cũng sẽ chú ý hơn. Đấy là cái hại, không phải hại trước mắt mà là hại lâu dài nếu không có cái nhìn chiến lược.
-Đỗ Ngà-
25.07.2022
-Đỗ Ngà-