Góp ý cùng ông Bộ trưởng Bộ Y Tế.

Thưa ông, hôm nay tôi thôi... sẽ không mắng ông như mắng đàn em hay mắng học trò nữa. Tôi sẽ góp ý với ông như hai bác sỹ, hai nhà đầu tư y tế, hai nhà quản lý y tế nói chuyện với nhau.

1- Khẩn trương thành lập bệnh viện dã chiến hơn 16.000 giường ở TP.HCM là thế nào đây!?

Số lượng 16.000 giường ở đây cần rõ ràng ra, giường là giường bệnh hay chỉ đơn thuần là giường để cho người nằm. Hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn, ông nhé.

Nếu chỉ là giường nằm để nhốt các loại F, thì vô nghĩa. Các trại tập trung ở Tp.HCM đã tỏ ra bất cập đến mức thế nào, chắc ông biết rồi; các trại tập trung ở Bắc Giang hiệu quả thế nào-ông biết rồi; dân Bình Thuận phá tường bệnh viện trốn chạy thế nào-ông biết rồi; hậu quả lây nhiễm chéo trong trại tập trung-ông biết rồi... tôi không nói nữa.

Còn nếu là 16.000 giường bệnh thì hỡi ơi, ông ơi, có thể hiểu nó là thế nào không, ông ơi.

Để tôi nói cho mà nghe.

Một bệnh viện 1000 giường, tiền xây dựng nó vào khoảng 7000-8000 tỷ đồng; tiền trang bị cũng bằng thế nữa; tiền đào tạo, tái đào tạo và vận hành cho đến khi hiệu quả cũng bằng từng ấy nữa. Vị chi, một tỷ đô la Mỹ cho một bệnh viện 1000 giường. Các ông nói khơi khơi cho sướng mồm, cho tăng thành tích thôi; chứ 16.000 giường bệnh là tương đương 16 cái Bệnh viện Bạch Mai, 16 cái Bệnh viện Chợ Rẫy, 16 cái Bệnh viện trung ương quân đội 108... là 16.000.000.000,0 đô la Mỹ ( Mười sáu tỷ đô la Mỹ viết bằng chữ!). Nói thêm: Bất cứ cái bệnh viện nào trong mấy bệnh viện nêu trên kia bán 1,5 tỷ đô la, tôi và anh em cũng bằng mọi giá kiếm tiền mua ngay chứ không để cho Singapore mua như đã thôn tính Vinmec Hà Nội đâu!.

Thêm, nhân lực lấy đâu ra!?

Một bệnh viện 500 giường bệnh, cần 200-300 bác sỹ; 500-700 điều dưỡng và tưng ấy người phục vụ không chuyên môn y tế.

Với 16.000 giường bệnh thì không thể nhân lên 32 lần đơn thuần con số cứng kia được, nó khác đấy. Chỉ có tăng lên không giảm đi được đâu nhé.

Còn nữa, kể cả dùng quyền lực huy động 10.000 nhân viên y tế cho Tp.HCM đi nữa, thì với số lượng nhân viên tưởng tượng kia, trong số đó lấy đâu ra Giáo sư tiến sỹ để chỉ đạo dậy dỗ; lấy đâu ra đủ số bác sỹ cao cấp, bác sỹ chính để làm giám đốc-phó giám đốc; làm chủ nhiệm- phó chủ nhiệm khoa; lấy đâu ra số bác sỹ, điều dưỡng có đủ chứng chỉ hành nghề để ký sổ, ký bệnh án hay ký biên bản hoạt động của máy móc trang bị.

Lấy đâu ra một lúc từng đấy tiền, lấy đâu ra từng ấy chuyên viên, nhân viên y tế cho 16.000 giường bệnh.

Còn chỉ là 16.000 giường để giam giữ F0, thì cũng hoàn toàn bất hợp lý.

Theo Báo cáo ngày 4/7 của Bộ Y tế Việt Nam công bố, số người nhiễm covid-19 là 19,933 case được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 58/63 tỉnh thành. trong đó có 86 case tử vong từ tháng 1/2020; số hồi phục là 39,4%; có 8.337 bệnh nhân đang nằm viện tại 115 bệnh viện ở 47 tỉnh thành.

Còn lại 96.6% không có triệu chứng bệnh hay chỉ có dấu hiệu bệnh lý nhẹ không cần chăm sóc bệnh viện.

Không cần tới 16.000 giường giam nhốt.

Số giường bệnh khẩn cấp chỉ nên tạm tính trong Chiến lược dự phòng thảm họa; còn việc triển khai tùy theo diễn biến của bệnh phải căn cứ vào thực tế.

Ông bộ trưởng đã bỏ qua thực tế của hiện trạng y tế thành phố Hồ Chí Minh; bỏ qua lực lượng nhân viên Y tế và đồng bào Thành phố đang ngày đêm cùng nhau tận lực miệt mài chiến đấu vì sức khỏe con người.

Ông Long ơi, thôi hô khẩu hiệu, thôi chạy theo thành tích, thôi "Nói cho vui tai, nổ cho sướng mồm" đi được rồi đấy.

2- Việc sử dụng những khái niệm, những định nghĩa sai trái xuất phát từ ông bộ trưởng, người đứng đầu hệ thống y tế Việt Nam đã làm loạn xã hội. Cộng thêm những việc làm chưa minh bạch càng làm rối, làm lãng phí thêm nữa. Đơn cử:

- Ông học trường nào ra mà đẻ ra một thể bệnh mới: Thể bệnh không có triệu chứng lâm sàng!?

- Người thầy nào dậy ông: Chỉ cần người có kết quả dương tính với mầm bệnh là ông gọi họ là bệnh nhân và truy xét, giam nhốt cách ly như tội phạm!?

- Việc coi là chữa khỏi bệnh cho người nhiễm covid-19 sau ba lần xét nghiệm âm tính đã đúng chưa khi chỉ dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, uống sinh tố, bổ sung dịch điện giải... là những việc hoàn toàn có thể hướng dẫn cho bất cứ người dân nào trên 15 tuổi để họ tự chăm sóc bản thân tại gia.

Chúng tôi cần Minh bạch về khoản kinh phí khổng lồ đã chi trong chiến dịch này.

- Mập mờ giữa việc Chăm sóc bệnh viện thông thường với việc Chăm sóc tăng cường đã dẫn tới ngầm hiểu: Đã vào viện có nghĩa là chuẩn bị thở máy, chuẩn bị ECMO, chuẩn bị lọc máu, chuẩn bị chết... những việc hết sức nặng nề, gây hoảng loạn xã hội.

3- Xin góp ý với ông, buộc phải cần phân loại rõ: Đâu là nhóm High-risk Factor với phơi nhiễm; nhóm Phơi nhiễm expose; nhóm dễ nhiễm; nhóm dễ phát bệnh; nhóm dễ biến chứng nặng; nhóm cần điều trị tăng cường, nhóm cần can thiêp y tế chuyên khoa sâu; nhóm đe doa tử vong; nhóm tối khẩn cấp. Từ đó, đặt ra Chiến lược xử trí chuẩn, đồng bộ. Gồm:

- Nhóm High-risk factor, dễ phơi nhiễm: Giáo dục kiến thức y khoa cơ bản, tăng cường bổ sung sinh tố, vi lượng, thực phẩm chức năng nâng đỡ cơ thể tại nhà, từng người. Nhắc nhở và yêu cầu liên hệ với nhân viên y tế cơ sở gần nhất.

- Nhóm đã nhiễm mầm bệnh: Đăng ký theo dõi trực tiếp hay bằng các ứng dụng Công nghệ thông tin chung. Phân loại và nhắc nhở nếu có triệu chứng phát bệnh buộc liên hệ với Cơ sở chữa bệnh gần nhất để được theo dõi và luôn luôn được cân nhắc: Cần/chưa cần nhập viện để được chăm sóc bệnh viện.

- Nhóm phát bệnh điển hình: Nhập các khoa bệnh truyền nhiễm để được theo dõi và điều trị.

- Nhóm biến chứng: Chuyển khu Điều trị tăng cường trong các khoa bệnh để có thể cấp cứu ban đầu và chuyển tới khoa ICU càng sớm càng tốt.

- Các Khoa ICU cần được trang bị tốt hơn nữa về Nhân lực, vật lực và tài lực: Tăng cường số bác sỹ đủ năng lực chỉ huy, điều khiển Thở máy, lọc máu, ECMO... Tăng cường trang thiết bị, tăng cường chế độ bồi dưỡng đặc biệt cao để không mất người trong chiến dịch.

Tạm vậy thôi.

Chú thích các ảnh khác trong bài, tôi sẽ viết cụ thể trong từng bức hình.

Kính chúc ông bộ trưởng Bộ Y tế mạnh khỏe, minh mẫn, bình tĩnh hơn nữa để hoàn thành sứ mệnh hét sức nạng nề của mình./.

Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng.