Gần ở mức tuyệt chủng

Nhà vănTạ Duy Anh|
 
Hình ảnh thủ tướng Phạm Minh Chính, áo đẫm mồ hồi đi kiểm tra, chỉ đạo việc chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, khiến nhiều người xúc động, hết lời khen ngợi. Đã là tình cảm cá nhân thì không nên phán xét đúng sai, bởi nó là quyền thiêng liêng của mỗi người.
 
Cá nhân tôi, qua quan sát thấy rằng, thủ tướng là người muốn tạo thay đổi. Còn mức độ khao khát thay đổi của ông đến đâu, thay đổi thế nào, liệu ông có thực hiện được hay không, thì còn phải chờ. Trước mắt ông luôn vô vàn vật cản vô tình và cố ý.
 
Tôi muốn bàn sang chuyện khác.
 
Thứ nhất, qua những gì vừa nói, thấy dân ta rất dễ động lòng và thiện về cảm tính trong mọi nhận định. Chuyện này chưa có gì phải bàn, ngoại trừ việc nó góp phần ngăn cản sự thay đổi.
 
Và thứ hai, dân ta quá khao khát một lãnh đạo thực lòng làm việc, nói ít làm nhiều, nói là làm, gần dân, hiểu dân. Vì nó quá hiếm, gần ở mức tuyệt chủng. Đến nỗi họ rồ lên trước hình ảnh một thủ tướng áo ướt đẫm mồ hôi, trong khi việc đó thực ra rất bình thường. Khi đất nước có hoạn nạn, lãnh đạo một số nước còn mặc áo bảo hộ để truyền thông điệp (trước hết là cho cấp dưới) không được phép nghỉ ngơi.
 
Những gì vừa nói ở trên cũng còn có nghĩa dân ta chán đến tận cổ loại lãnh đạo chỉ lý thuyết suông, đạo đức giả, chỉ tìm cách vinh thân phì gia, chỉ ăn là giỏi. Vì nó quá nhiều, ở đâu cũng gặp (loại tham tàn, khốn nạn thì miễn bàn ở đây, vì làm quan mà tham tàn, đểu giả thì còn kém súc vật).
Mong không chỉ áo của thủ tướng ướt đẫm mồ hôi, mà trán ông luôn ướt đẫm mồ hôi cả khi âm thầm suy nghĩ trong đêm (giả dụ ông lo sợ bị dân thất tín, lo sợ làm điều thất đức, lo sợ bị lịch sử kể tội…).
 
Đấy mới là chỉ dấu tạo ra hy vọng.
 
Dù sao cũng mong chờ để được kính trọng ông thực lòng.