Những năm 1970, 1980 việc đi lại rất khó khăn. Mấy chàng công an trẻ thường mượn quần áo, mũ, quân hàm và một số trang bị của cảnh sát giao thông để ra đường chặn xe ô tô đi nhờ. Không phải lúc nào cũng trót lọt, nhưng cũng đỡ phải lo lắng chuyện mua vé tàu, vé xe.
Lần đầu tiên ra Hà Nội, Lực cũng phải đi theo cách này. Anh phải đón đến mấy chặng xe mới ra đến Hà Nội. Ra Hà Nội rồi, nhưng chẳng biết đâu là đâu. Nghe người ta nói ra Hà Nội cứ đến Ga Hàng Cỏ là đi đâu cũng dễ tìm, Lực quyết định chặn một chiếc xe tải. Chiếc xe ngoan ngoãn dừng theo hiệu lệnh của chàng cảnh sát giao thông “nghiệp dư”. Lực giơ tay chào rất đúng điều lệnh, sau đó bằng giọng Nghệ nguyên chất, anh dõng dạc:
- Tôi có nhiệm vụ khẩn cấp. Đề nghị đồng chí cho về Ga Hàng Cỏ.
Lái xe trợn mắt nhìn anh cảnh sát từ đầu đến chân, sau đó cũng dõng dạc không kém:
- Báo cáo đồng chí, Ga Hàng Cỏ sau lưng đồng chí!
Lực quay lại, quả thật Ga Hàng Cỏ sau lưng mà anh không biết. Quê quá, Lực đành khoát tay:
- Thôi, đồng chí đi!
Lực đã mất hai mươi năm rồi. Bây giờ về dưới đó chắc anh chẳng còn sợ lạc đường nữa.
Nhưng mà anh Lực ạ, bây giờ trên đời này vẫn còn những kẻ lạc đường vĩ đại lắm. Có biết bao nhiêu nhà thông thái đã nói với họ: “Ga Hàng Cỏ sau lưng đồng chí!”. Vậy mà, họ có thèm quay đầu lại đâu anh...
03.11.2021
Phạm Xuân Cần