Giơ cao đánh khẻ

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Bảy quan chức bị ‘kỷ luật’ nhẹ hều

Một số đảng viên cấp cao của đảng CSVN vừa bị “kỷ luật” từ “khiển trách” đến “cảnh cáo” vì liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt và khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang bỏ trốn.

Hầu hết các báo chính thống của chế độ đều đưa tin với đầy đủ chi tiết về cuộc họp kéo dài 3 ngày (từ 28 đến 30 tháng 11, 2016) của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN “xem xét, thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng đối với nhiều cán bộ sau sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.”

Có tất cả 7 người bị đưa ra “xem xét” đều có chức vụ cao trong đảng hoặc nhà nước gồm cựu và đương kim bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, hai ông ở Ban Tổ Chức Trung Ương đảng và hai ông một bà ở Bộ Nội Vụ CSVN bị cáo buộc là có “những vi phạm, khuyết điểm” làm “ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội.”

Tuy nhiên, ông Tô Huy Rứa, cựu trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương của đảng CSVN, nhân vật cao cấp nhất từng giữ quyền sắp xếp nhân sự lại không hề hấn gì.

Theo truyền thông tại Việt Nam, lần lượt các nhân vật bị “kỷ luật” theo kiểu “giơ cao đánh khẽ’ bao gồm.

Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên ủy viên Trung Ương Ðảng, nguyên bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 bị cáo buộc “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định về công tác cán bộ và quy chế làm việc của Ban Chấp Hành Ðảng Bộ tỉnh trong việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh và tham gia Ban Chấp Hành Ðảng Bộ tỉnh.”

Ông Trần Công Chánh, bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020 khi còn là phó bí thư Tỉnh Ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015, “có phần trách nhiệm với các khuyết điểm, vi phạm trong việc đề nghị tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và tham gia Ban Chấp Hành Ðảng Bộ tỉnh; sai phạm trong việc chỉ đạo công an tỉnh cấp biển số xe công cho xe tư nhân để Trịnh Xuân Thanh lưu thông trái quy định.” Thêm nữa “là bí thư Tỉnh Ủy nhiệm kỳ 2015-2020, với trách nhiệm là người đứng đầu, ông đã buông lỏng lãnh đạo, thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp Hành Ðảng Bộ tỉnh.”

Ông Trần Lưu Hải, nguyên ủy viên Trung Ương Ðảng, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ Chức Trung Ương (thời kỳ còn Tô Huy Rứa làm trưởng ban) đã “thiếu trách nhiệm khi ký công văn của Ban Tổ Chức Trung Ương về việc cho tỉnh Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trái với kết luận của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư; có khuyết điểm trong việc ký văn bản trả lời Tỉnh Ủy Hậu Giang về thực hiện quy trình nhân sự tăng thêm một cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 đối với Trịnh Xuân Thanh.”

Ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên vụ trưởng, nguyên trợ lý trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương “chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu nội dung công văn của Ban Tổ Chức Trung Ương về việc cho tỉnh Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trái với kết luận của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư.”

Bà Trần Thị Hà, ủy viên Ban Cán Sự Ðảng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ, trưởng Ban Thi Ðua-Khen Thưởng Trung Ương “vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng huân chương và danh hiệu Anh Hùng Lao Ðộng cho Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC); tặng bằng khen của thủ tướng chính phủ và huân chương cho Trịnh Xuân Thanh.”

Ông Trần Anh Tuấn, ủy viên Ban Cán Sự Ðảng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ “có vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh; thiếu kiên quyết, không đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương để thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh.”

Và cuối cùng, ông Nguyễn Duy Thăng, ủy viên Ban Cán Sự Ðảng, thứ trưởng Bộ Nội Vụ “có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Trịnh Xuân Thanh.”

Với những tội trạng như thế làm mất mặt đảng, thay vì bị đuổi ra khỏi đảng, họ chị bị “khiển trách” hay “cảnh cáo” hay nhẹ hơn, chỉ có “kiểm điểm,” tức là chỉ bị mắng cho một hai câu, xong rồi thôi.

Các ông Huỳnh Minh Chắc, Trần Lưu Hải và Bùi Cao Tỉnh bị “cảnh cáo,” ông Trần Công Chánh và bà Trần Thị Hà bị “khiển trách.” Ông Trần Anh Tuấn “chưa đến mức phải thi hành kỷ luật mà chỉ bị “tổ chức kiểm điểm.” Còn ông Nguyễn Duy Thăng thì sẽ bị “xem xét xử lý.”

Người ta tin rằng tất cả những ông bà này, và cả cựu Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đều có phần lễ lạt hậu hỹ của kẻ cần phải cầu cạnh.

Vụ lùm sùm khởi nguồn từ một lời tố cáo trên báo hồi tháng 6, 2016 là ông Trịnh Xuân Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc Hội, đi xe hơi tư nhân (Lexus) nhưng lại gắn bảng xanh (dành cho công xa). Từ vụ bới móc trên báo, ông Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhảy vào chỉ đạo, bắt điều tra. Từ đây, dẫn đến một chuỗi bài liên quan tới việc bổ nhiệm, luân chuyển ông Thanh vòng vèo từ một xí nghiệp quốc doanh (PVC) về một số chức vụ ở Bộ Công Thương rồi chuyển về tỉnh Hậu Giang. Những gì liên quan tới các bê bối, thua lỗ hơn 3,200 tỉ đồng của ông từ khi còn nắm công ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) cho đến 2013 được moi trở lại.

Trước nhiều áp lực và nhìn thấy nguy cơ bị điều tra và có thể đi tù thì ông Trịnh Xuân Thanh bị hủy tư cách đại biểu Quốc Hội, thôi chức phó chủ tịch UBND và bỏ trốn ra ngoại quốc. Một bức thư phổ biến trên mạng nói là của ông thông báo ông bỏ đảng CSVN vì thấy “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư.”

Vì Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, nhà cầm quyền CSVN mở truy nã quốc tế và hiện cũng không biết rõ ông ta đang ở đâu. Hồi tháng 10, người ta thấy ông ta xuất hiện trên vài tấm hình phổ biến trên blog và facebook của Người Buôn Gió, có vẻ như ông ta đang đâu đó ở Âu Châu.

Vì ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, một số những người cầm đầu PVC thời Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch tổng công ty đã bị bắt để điều tra lại những thất thoát và sai phạm của công ty này dẫn đến sự thua lỗ to lớn.

Giữa tháng 10 vừa qua, ông Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từng được báo chí trong nước thuật lời ông nói về chống tham nhũng là “Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta.” Vậy cho nên 7 quan chức liên quan đến sự bổ nhiệm, thuyên chuyển và khen thưởng Trịnh Xuân Thanh thì chỉ bị “kỷ luật” nhẹ hều, sẽ chẳng làm ai sợ hãi. (TN)

Theo nguoiviet.com