Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2022 đã được trao đồng đều cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski của Belarus, tổ chức nhân quyền Nga 'Memorial' và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, 'Ukraine Center for Civil Liberties'.
Cả ba, gồm có người đại diện ông Ales Bialiatski và hai đại diện của tổ chức Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, đã chia sẻ tầm nhìn của họ về một thế giới công bằng hơn và tất cả đều lên án cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine trong lễ trao giải hôm thứ Bảy tại thủ đô Na Uy.
Ales Bialiatski (Belarus)
Người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay là ông Ales Bialiatski, một nhà hoạt động dân chủ đang bị bỏ tù ở Belarus trong khi chờ xét xử và đối mặt với án tù lên tới 12 năm. Ông Bialiatski là người thứ tư trong lịch sử 121 năm của giải Nobel nhận giải khi đang ở trong tù hoặc bị giam giữ. Nhà nước Belarus đã không cho phép ông Bialiatski gửi bài phát biểu của mình đến buổi lễ phát giải Nobel. Ông đã chia sẻ một vài suy nghĩ với người vợ của ông, Natallia Pinchuk, khi bà vào thăm ông ở nhà tù.
Thay mặt chồng mình, bà Pinchuk đã đọc lên những lời mà ông Bialiatski muốn phát biểu tại lễ trao giải: "Ở quê hương tôi, toàn bộ Belarus đang ở trong tù. Giải thưởng này thuộc về tất cả những người bạn bảo vệ nhân quyền của tôi, tất cả các nhà hoạt động dân sự, hàng chục nghìn người dân Belarus đã bị đánh đập, tra tấn, bắt bớ, bỏ tù."
Memorial (Nga)
Yan Rachinsky, người lãnh đạo nhóm 'Memorial' - một trong những tổ chức dân quyền lâu đời nhất của Nga - trong bài phát biểu nhận giải, đã cho biết "tình trạng đáng buồn của xã hội dân sự ở Nga ngày nay là hậu quả trực tiếp của quá khứ chưa được giải quyết".
Nhà nước Nga đã từng tuyên bố 'Memorial' là công cụ của "thế lực nước ngoài", và Tòa án tối cao Nga đã đóng cửa tổ chức này vào tháng 12 năm 2021.
Ông Rachinsky đã tố cáo những nỗ lực của Điện Kremlin nhằm bôi nhọ lịch sử, tình trạng nhà nước và nền độc lập của Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, nói rằng điều đó "đã trở thành lời biện minh về ý thức hệ cho cuộc chiến tranh xâm lược điên rồ và tội ác chống lại Ukraine".
"Một trong những nạn nhân đầu tiên của sự điên rồ này là ký ức lịch sử của chính nước Nga," ông nói.
"Giờ đây, các phương tiện thông tin đại chúng của Nga đề cập đến cuộc xâm lược vũ trang vô cớ vào một quốc gia láng giềng, việc sáp nhập các vùng lãnh thổ, khủng bố dân thường ở các khu vực bị chiếm đóng và tội ác chiến tranh được biện minh bởi nhu cầu chống lại chủ nghĩa phát xít."
Ukraine Center for Civil Liberties (Ukraine)
Oleksandra Matviichuk, lãnh đạo Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine, là người đã bác bỏ những lời kêu gọi thỏa hiệp chính trị mà trong đó cho phép Nga giữ lại một số lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập bất hợp pháp.
"Đấu tranh vì hòa bình không có nghĩa là khuất phục trước áp lực của kẻ xâm lược, mà có nghĩa là bảo vệ người dân khỏi những hành động gây hấn độc ác,” bà nói.
“Không thể đạt được hoà bình nếu một quốc gia đang bị tấn công hạ vũ khí. Đây sẽ không phải là hòa bình, mà là chiếm đóng."
Bà Matviichuk lặp lại lời kêu gọi trước đó rằng Vladimir Putin và Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko của Belarus phải bị đưa ra trước tòa án quốc tế.
“Chúng ta phải chứng minh rằng luật pháp có hiệu quả và công lý vẫn tồn tại, ngay cả khi chúng bị trì hoãn," bà nói.
Người Đà Lạt Xưa