Ảnh: Hà Giang Cổ Trấn sáng nay nhờ ơn đảng nhà nước nên sánh ngang Phượng Hoàng Cổ Trấn bên tàu.
Phạm Minh Vũ|
Đêm 20 rạng sáng 21/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa to đến rất to. Mưa lớn khiến nhiều khu vực tại TP Hà Giang bị chìm sâu trong nước, có chỗ lên đến 1,2m. Cơ quan chức năng cho biết, tính đến thời điểm này đã có 5 người chết, 2 người bị thương, hơn 500 hộ dân bị ngập nặng do mưa lũ ở Hà Giang. Hàng loạt ô tô đã bị nhấn chìm, nhiều nhà cửa bị ngập nước; hoa màu, cây cối bị hư hỏng…
Vậy đâu là nguyên gây ra thảm họa làm chết người và thiệt hại tài sản như thế? Vì Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi, sông ngòi dày đặc, nhưng lại bị ngập lụt và lũ cuốn là điều không hề có bao giờ. Chỉ những năm trở lại đây mới bị.
Tỉnh Hà Giang hiện tại có 71 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy lên tới hơn 1.000 MW, Một số dòng sông lớn như sông Miện, sông Nho Quế, sông Lô, sông Chảy phải “cõng” trên lưng quá nhiều dự án thủy điện, thậm chí có từ 3-6 nhà máy thủy điện. Dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô, nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện là: Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Thái An, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Miện 6, và Thuận Hòa.
Những dòng sông cuồn cuộn đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ, lòng sông bị thắt thành khúc như túi nước trên cao đe dọa nguy hiểm người dân vùng hạ lưu, mặc kệ người dân phản ánh bao lâu nay, nhưng chính quyền Hà Giang lâu nay phớt lờ và mặc kệ.
Thành phố Hà Giang có sông Lô chảy xuyên thành phố, có 5 đập thủy điện được xây dựng lên, phụ lưu sông Lô là sông Miện cũng có 6 đập thủy điện, 11 đập như bao vây Thành phố Hà Giang chẳng khác gì là những quả bom treo trên đầu nhân dân.
Đa số các đập thủy điện trên 2 con sông này nhiều nhà máy chưa có giấy phép khai thác nước mặt; không duy trì dòng chảy tối thiểu; không cắm mốc giới; chưa phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chưa lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát khai thác tài nguyên nước; chưa quan trắc công trình đập, hồ chứa… nhưng vẫn hoạt động như thường.
Đặc biệt Thủy điện Sông Miện 5 lại không có giấy phép xây dựng, vi phạm nhiều quy định về an toàn vận hành vẫn ngang nhiên tồn tại trong suốt nhiều năm qua. Đập này có công trình tích vượt quy định gần 4,5 triệu m3, nếu xảy ra vỡ đập thì chắc chắn sẽ “cuốn trôi” toàn bộ thành phố Hà Giang. Có khi đoàn công tác của tỉnh xuống làm việc với công ty còn bị nhân viên ở đây nhốt không cho ra. Sau đó phải nhờ đến công an, đoàn công tác mới có thể ra khỏi được nhà máy.
Cùng với các dự án thủy điện sai phạm, như những quả bom treo trên đầu người dân Thành phố Hà Giang thì diện tích rừng ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái sông ngòi gần như biến mất, để lại toàn đồi trơ nên khi mưa xuống thì dòng nước chảy rất mạnh.
Chỉ một trận mưa đêm qua thôi, nước từ đầu nguồn đổ về với lưu lượng nước lớn do rừng bị chặt, cộng thêm các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lớn nên thành phố Hà Giang đã sánh ngang Phượng Hoàng Cổ Trấn ở TQ. Người chết, tài sản bị trôi phải khẳng định đây là hệ lụy của việc xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện và sự phớt lờ của chính quyền trong việc giám sát và quản lý các đập nguy hại đấy. Các nhà tư bản đỏ được hưởng lợi từ các đập thủy điện, quan hưởng lợi vì được ăn chia, nhưng dân thì trả một cái giá quá đắt, bằng cả sinh mạng.
Chỉ một trận mưa mà như thế, các đập thủy điện không an toàn, sai kết cấu xây dựng nếu không may có sự cố thì điều gì sẽ xảy ra? Không ai dám tưởng tượng hết mức độ Khủng khiếp như thế nào!