nguyenvubinh's blog - RFA|
Với rất nhiều sai lầm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam sau này sẽ phải đối diện với những truy cứu trách nhiệm về việc làm mất đất đai, lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc. Tuy đối với đảng cộng sản, lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách, nhưng trong các đời Tổng Bí thư, thì ông Lê Khả Phiêu chính là người chịu trách nhiệm cho việc ký kết hiệp định biên giới trên bộ và trên biển.
Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người vừa qua đời vào ngày 07/8, được nhiều người nhắc tới bởi những quyết định tai hại. Dù là người có nhiệm kỳ Tổng Bí thư ngắn, chưa hết một nhiệm kỳ (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2000), nhưng ông Lê Khả Phiêu lại là Tổng Bí thư gánh nhiều tội lỗi nhất trong số các đời tổng bí thư thời kỳ đổi mới. Có hai sự kiện gắn liền với tên tuổi của ông Lê Khả Phiêu mà khó có thể gột rửa được tội lỗi của ông ta. Cả hai sự kiện đều do sự thuần phục vô điều kiện của đảng cộng sản nói chung, và ông Lê Khả Phiêu nói riêng đối với đảng cộng sản và nhà cầm quyền Trung Quốc.
Năm 1999, mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Hội nghị APEC diễn ra tại New Zealand đã có sự thống nhất về việc Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ thời Tổng thống Bill Clinton. Nhưng vào phút chót, phía Việt Nam đã ngưng việc ký kết bởi đảng cộng sản quyết định dừng lại, lý do là phải ký hiệp định sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận với Hoa Kỳ để vào WTO. Điều này làm sững sờ tất cả đoàn ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như dư luận của thế giới. Phải một năm sau, Việt Nam mới ký được Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.
Vấn đề thứ hai nghiêm trọng hơn rất nhiều, đó là việc ký kết hiệp định phân định biên giới đất liền và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất các cuộc thương lượng và ký kết hiệp định biên giới Việt - Trung. Theo các thông tin trong các cuộc giao ban nội bộ, diện tích tranh chấp của hai nước chỉ có 720 km2, và được phân chia theo tỷ lệ Việt Nam-Trung Quốc: 49-51. Nhưng theo các nguồn tin và dữ liệu bên ngoài đảng và nhà nước, thì số diện tích đất đai biên giới Việt-Trung thiệt hại là 15.000 km2. Lý do là một phần đất đai giáp biên giới trước đó, Việt Nam sử dụng làm các an toàn khu trong kháng chiến công bố của Trung Quốc để Mỹ không rải bom, không được tính là đất của Việt Nam nữa. Theo nguồn của World Bank, diện tích đất liền của Việt Nam thời kỳ đảng cộng sản lãnh đạo, so với thời kỳ Pháp quản lý, đã mất đi 30.000 km2.
Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ cũng có số phận tương tự. Năm 2000, Hiệp định đã được ký kết. Theo đó, diện tích biển của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ thời Pháp và nhà Thanh Trung Quốc có tỷ lệ là, Việt Nam 62%, Trung Quốc 38% nhưng đến thời Lê Khả Phiêu ký kết là, Việt Nam 53% và Trung Quốc 47%. Như vậy, diện tích biển của Việt Nam đã mất đi hàng chục ngàn cây số vuông.
Nhìn vào sự nghiệp chính trị, trong vai trò Tổng Bí thư, có vẻ như ông Lê Khả Phiêu đã không có sự chuẩn bị đầy đủ, cũng như không đủ năng lực để đảm nhận cương vị cao nhất của đảng. Cũng có lẽ ông là người duy nhất của quân đội được cơ cấu vào cương vị Tổng Bí thư, thời gian giữ vai trò quản lý, lãnh đạo dân sự, xã hội chưa đủ để ông nắm bắt hết những sự phức tạp của chốn quan trường. Với những việc vô hiệu hóa Ban Cố vấn, việc nâng đỡ đồng hương Thanh Hóa, việc phát động cuộc chiến chống tham nhũng mà chưa hề có sự chuẩn bị, gặp gỡ phe bất đồng chính kiến (gặp cụ Hoàng Minh Chính) … chứng tỏ sự làm việc tùy hứng, thiếu chiến lược và thiếu sự chuẩn bị. Kết cục là đã bị các cố vấn cùng với phe nhóm chống đối hạ bệ trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng tất cả những điều đó không thể so sánh được với việc ông đã mắc bẫy mỹ nhân kế của Trung Cộng, và nhắm mắt ký kết hai hiệp định Biên giới Việt-Trung và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Những điều này ông đã bị người dân nguyền rủa ngay từ khi tại vị, còn sống, và tiếp tục bị nguyền rủa khi đã qua đời./.
Hà Nội, ngày 10/8/2020
Nguyễn Vũ Bình