Thế là sau biết bao chuẩn bị tốn kém kéo dài cả năm trời, 2 cuộc diễu binh liên tiếp ngày 2/9 tại Hà Nội và 3/9 tại Bắc Kinh đã qua nhanh và không để lại gì đáng kể. Hơn thế nữa, vì 2 thời điểm quá sát, hầu như toàn bộ ống kính truyền thông quốc tế đều tập trung vào Bắc Kinh. Chẳng mấy ai nhắc tới cuộc diễu binh tại Hà Nội, dù chỉ vài câu hay vài chữ.
Nhưng cũng khó trách các ký giả ngoại quốc khi chính người Việt còn không thiết tha gì đến sự kiện này. Đại đa số dân chúng Hà Nội chỉ thấy bực mình vì bị chận đường xá, ngay cả trong những trường hợp phải đưa trẻ em đi cấp cứu như một đoạn phim đang lan tràn trên Internet về cảnh một bà mẹ đành ôm con đi về. Còn đại đa số dân chúng trên cả nước xem đó là trò phí phạm; chẳng khác gì chuyện xây tượng đài, bắn pháo hoa,... thay cơm.
Có quan chức biện hộ: "Diễu binh làm tăng lòng yêu nước và tự hào về sức mạnh của ta chứ". Chuyện "tự hào" sẽ nói sau, nhưng đụng đến chữ "tăng lòng yêu nước" thì nhiều người giật mình cãi ngay: "Lãnh đạo đã khẳng định nhiều lần bằng cả lời nói và hành động rồi. Dân không nên tự ý yêu nước vì dễ mắc sai lầm và sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Ai yêu nước đã vào trại phục hồi nhân phẩm cả rồi. Vì vậy dân có còn dám "yêu nước" đâu mà tăng với giảm".
Thế còn diễu binh để thêm niềm tự hào về sự hùng mạnh của quân đội thì sao? Câu trả lời cũng thế, niềm tự hào này bị thổi tắt từ lâu lắm rồi bởi hàng ngàn bài diễn văn của các quan chức đủ loại, ra rả thuyết phục toàn dân: Quân Tàu mạnh lắm, quân ta yếu lắm nên tránh xung đột là cách hành xử đầy trí tuệ. Rồi để chứng minh quân đội ta yếu thật, lãnh đạo ra lệnh cả hải quân tầu ngầm lẫn cảnh sát biển tầu nổi cứ đứng trên bờ "theo dõi sát" các ngư dân Việt ra biển làm "cột mốc sống". Cho đến nay, nhu cầu "chứng minh" này vẫn đang tiếp diễn. Thế thì có rặn cũng không ra được tự hào khi xem diễu binh.
Đó là chưa kể tình trạng hàng giả. Khi dân cư mạng phát hiện một chị rõ xinh được tivi chiếu cận cảnh đang đeo quân hàm trung tá giả, lập tức lãnh đạo cho một ông tướng lên báo đài cải chính. Ông bảo: "Đó là qui định" chứ không phải cô này tự đeo. Nói cách khác, ông bộc lộ cho dân biết chị này không phải là trường hợp duy nhất mà còn cả trăm, cả ngàn cái lon giả khác trong cuộc diễu binh này, vì đó là chính sách!
Chuyện hài "không đánh mà khai hàng giả" này gợi lại trong đầu người dân những bức hình, do chính báo đảng chụp, ngoại hình bóng láng của chiếc tàu ngầm mới vừa đưa về Việt Nam, nhưng hình chụp với thủ tướng bên trong con tàu lại đầy loang lổ rỉ sét. Có người khen ngợi trí tuệ lãnh đạo nằm ở khoản sai biệt trong chính sách "mua tàu cũ với giá mới".
Cuộc diễu binh bên Tàu cũng diễu không kém.
Trước hết Chủ Tịch Nước, kiêm Tổng Bí Thư Đảng, kiêm Bí Thư Quân Ủy Trung Ương, kiêm Chủ Tịch 6 ủy ban khác nữa thuộc Bộ Chính Trị, ông Tập Cận Bình, nhất định không mặc áo vét, cà vạt như mọi lãnh tụ khác trên lễ đài. Ông mặc, và chỉ riêng ông được mặc, áo đại cán để tô đậm quan điểm mà Ban Tuyên Giáo đã nỗ lực đẩy ra trong khoảng 6 tháng qua. Đó là lãnh tụ Tập Cận Bình xứng đáng đứng ngang tầm với những "2 nhà lái tàu vĩ đại" Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Và cũng để nhìn cho giống các lãnh tụ vĩ đại trước đây hay đọc diễn văn trên lễ đài, ông Tập cho gắn 4 cây vi âm (microphone) rõ to, không phải tại bục đọc diễn văn nhưng trên nóc xe mà ông dùng để cùng đi diễu hành. Không ai hiểu máy vi âm đó để làm gì và có thực sự cắm điện hay không. Có người Việt thắc mắc: không nhẽ lại theo kiểu "vừa đi vừa kể chuyện" của nước ta?
Thế là hình đồ chơi chú gấu Winnie The Pooh ngồi xe lập tức lan tràn mạng Internet tiếng Hoa đến độ Ban Tuyên Giáo phải cho hình này vào danh sách lưới lọc để cấm đăng hay truy tìm.
Cảnh hài kế tiếp là hình ảnh đầm ấm giữa Tập Cận Bình với 2 người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trên khán đài chính. Không chỉ người dân Trung Quốc mà cả giới quan sát quốc tế đều thấy cảnh diễu này quá trơ trẽn. Hiện nay con số đảng viên cộng sản trung và cao cấp đang bị nằm tù, bị điều tra, hay đã tự tử, đột tử đã lên đến trên 400 ngàn người, phần lớn đều thuộc mạng lưới quyền lực của ông Giang và ông Hồ, kể cả những nhân vật tay trái, tay phải của 2 ông này như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, ...
Thế giới cũng mỉm cười khi nghe ông Tập đọc diễn văn: "Trung Quốc sẽ không bao giờ bá quyền ... Không bao giờ gieo đau khổ cho các nước khác." Hàng chục triệu người Tây Tạng và Ngô Duy Nhĩ chắc phải tắt máy ngay lúc đó để khỏi phải ném cả cái tivi xuống cống.
Và còn rất nhiều chuyện khôi hài oái oăm khác nữa mà các sử gia quốc tế chỉ ra, như: đảng CSTQ theo mưu của Mao Trạch Đông luôn tránh và đùn đẩy việc đánh Nhật cho Quốc Dân Đảng dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Họ Mao chỉ tập trung chuẩn bị lực lượng để đánh Tưởng một khi Nhật rút về. Chính ông Mao trong những năm sau đó đã rất tự hào về "mưu lược" này và còn hận Stalin vì có lúc đã ép ông phải đánh Nhật để bớt áp suất cho Liên Xô. Công trạng kết thúc Thế Chiến II của đảng CSTQ là sản phẩm tưởng tượng. Trong khi đó, các kinh tế gia tìm mãi trong bài diễn văn của ông Tập vẫn không thấy chữ nào về hiện tượng thị trường chứng khoán Tàu đang sụp hố, chỉ số phát triển GDP đang rơi tới mức báo động, và các bong bóng địa ốc, ngân hàng cứ chực chờ bùng vỡ.
Nhưng có lẽ 2 điều làm thế giới và người Việt phải cau mày suy nghĩ là:
1- Ông Tập tuyên bố ngay tại cuộc diễu binh 3/9 sẽ cắt giảm 300 ngàn quân trong số 2 triệu lính Tàu hiện nay. Phải chăng đây là cách biểu lộ quyền lực tuyệt đối của ông đối với quân đội? Câu trả lời chắc còn phải chờ thời gian mới biết được.
2- Ông Tập đẩy ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCNVN, xuống hàng ghế rất thấp kém, thua xa cả những nước thuộc Liên Xô cũ mà theo lý thuyết không còn là những nước XHCN nữa; thua luôn cả Myanmar là nước vừa công khai cự tuyệt ảnh hưởng Trung Quốc. Vị trí trọng vọng nhất được dành cho tổng thống Nga và Hàn Quốc. Phải chăng đây là cách biểu lộ quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với Hà Nội: biết bị gọi đến để chịu nhục mà vẫn phải đến? Câu trả lời đã rất rõ và từ nhiều năm rồi.
http://vnctcmd.blogspot.de/…/hai-cuoc-dieu-tram-chuyen-hai.…