Hoa Kỳ và sách lược bang giao với Việt Nam

 
Vào ngày 26 tháng 8 năm 2021, cùng một lúc với thời điểm Hoa Kỳ rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, PTT Hoa Kỳ Bà Kamala Harris thăm viếng Việt Nam sau khi đã thăm viếng đảo quốc Singapore.
Nhiều bình luận gia đánh giá đây là một sách lược chuyển trục của Hoa Kỳ, từ chiến trường Trung Đông, một chiến trường Hoa Kỳ và Đồng Minh không thể chiến thắng, qua địa bàn Đông Á và Đông Nam Á, nơi Hoa Kỳ và các đồng minh có hy vọng củng cố vị trí, kiểm soát sự vươn lên của Bá Quyền Trung Quốc và ổn định Biển Đông như là một hải lộ chiến lược về kinh tế của toàn thế giới.
 
Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận xét ngay rằng, tuy Hoa Kỳ và Tây Âu có sức mạnh kinh tế và quân sự áp đảo, nhưng họ đã đánh giá sai lầm nhiều đối thủ và phạm phải những sai lầm chiến lược, gây thảm họa cho nhiều dân tộc liên hệ và cho chính quyền lợi quốc gia của mình.
 
Thật vậy, trong Đệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu, họ đã đánh giá sai lầm tương quan hiểm họa giữa Đức Quốc Xã của Hitler và Liên Bang Xô Viết của Stalin. Từ đó đưa đến quyết định viện trợ cho Stalin chống đỡ những đợt tấn công của Hitler và sau đó, cùng với Stalin hai mặt giáp công tiêu diệt Hitler. Sách lược này đã giúp CSLX và Stalin nô lệ hóa toàn bộ các quốc gia Đông Âu.
 
Thật sự Liên Bang Xô Viết của Stalin nguy hiểm hơn Đức Quốc Xã của Hitler rất nhiều và một chiến lược nghiêm chỉnh phải là để mặc cho Hitler thanh toán hoặc làm kiệt quệ Stalin và sau đó thanh toán cả Hitler lẫn Stalin cùng một lượt.
 
Cũng trong Đệ Nhị Thế Chiến, tại Á Châu, vào những năm cuối của cuộc chiến, Đế Quốc Nhật Bản đã kiệt quệ về kinh tế và nhân lực. Sự đầu hàng của họ chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên trong cuộc tương tranh làm bá chủ lục địa Trung Hoa giữa quân đội Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch và Hồng Quân CSTQ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, thì Mao Trạch Đông và đảng CSTQ mới là mối đe dọa lớn lao cho nền hòa binh thế giới. Không phải là Đế Quốc Nhật Bản.
 
Hoa Kỳ và đồng minh không đủ viễn kiến để nhận thức điều này và 2 quả bom nguyên tử dội lên các thành phố Hiroshima và Nagasaki đáng lẽ phải dành cho Tổng Hành Dinh của Mao Trạch Đông và Hồng Quân đảng CSTQ lúc đó. Hồng Quân CSTQ chỉ được cải danh là Giải Phóng Quân Nhân dân TQ (Chinese People’s Liberation Army) từ năm 1947.
 
Nếu quân đội Trung Hoa Dân Quốc chiến thắng Hồng Quân của Mao Trạch Đông thì đảng CSVN của Hồ Chí Minh đã mất nơi trú ẩn. Các đảng phái quốc gia chống Pháp như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt …đã vượt trội đảng CSVN. Dân chủ đã đến với dân tộc từ các thập niên 40, và nền kinh tế dân ta đã không thua kém Nam Hàn, Đài Loan ngày nay rồi.
 
Những sai lầm từ Âu sang Á của Thế Giới Tự Do đã đưa đến tai họa không tiền khoáng hâu cho một số quốc gia Đông Âu và Trung Á, rên xiết dưới gót dày của Hồng Quân Liên Xô. Những sai lầm này cũng đưa đến sự diệt vong của quốc gia Tây Tạng, Hàn Quốc mất nửa đất đai cho chủ nghĩa cộng sản và Nam Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa oái ăm này.
 
Ngày hôm nay, sự vươn lên của Bá Quyền TQ hầu như bất khả vãn hồi và Hoa Kỳ buông bỏ Trung Đông hầu quay lại Á Châu với sách lược bao vây và kiềm chế hiểm họa lớn lao của con rồng đỏ này.
 
Chuyến viếng thăm Việt Nam của PTT Kamala Harris nằm trong sách lược chuyển trục mới của Hoa Kỳ. Dưới cái nhìn của các chiến lược gia Hoa Kỳ, Việt Nam với dân số 100 triệu, chia biên giới phía bắc và xung đột quyền lợi tại Biển Đông với TQ có tiềm năng là một đồng minh chiến lược quan trọng.
 
Mục đích của Hoa Kỳ nhằm lấy lòng CSVN tương đối rõ ràng qua các biện pháp sau đây mà phần lớn là tiếp tục chính sách của các nhiệm kỳ Tổng Thống tiền nhiệm:
1. Viện trợ vô điều kiện hằng triệu liều Vắc Xin chống Đại Dịch Vũ Hán để lấy lòng nhân dân Việt Nam
2. Viện trợ 3 tàu tuần tra và vũ khí hải quân cho Việt Nam hầu CSVN có thể đối đầu với CSTQ tại Biển Đông
3. Mở rộng thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam
4. Tạo điều kiện để tư bản Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
Tuy PTT Kamala Harris có thảo luận các vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự, nhưng các vấn đề này chưa phải là trọng tâm của chuyến công du.
CSVN chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong kế sách kềm chế Bá Quyền Bắc Kinh.
 
Sau chuyến công du này, một mặt đảng CSVN vẫn tiếp tục chủ trương 4 không (Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), không đối đầu với TQ tại Biển Đông, tiếp tục bắt giam các thành phần đối lập và mặt khác khai thác tối đa những nhượng bộ của Hoa Kỳ về kinh tế hầu củng cố chế độ.
 
Các lý do có thể tóm lược như sau:
1. Đảng CSVN minh thị đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi quốc gia. Họ thà mất nước hơn mất đảng
2. Từ thủa Hồ Chí Minh còn lưu lạc tại Trung Quốc, Đảng CSVN đã bị đảng CSTQ xâm nhập từ hạ tầng đến thượng tầng và hiện nay đã mất phần lớn quyền tự chủ.
Ngược lại với đảng CSVN, cũng từ năm 1975, và sau đó nhờ vào cuộc cách mạng tin học của thập niên 90, nhân dân Việt Nam đã từ lâu là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ.
Như vậy Hoa Kỳ phải làm gì?
 
Hoa Kỳ phải bức phá tư duy và thực thi các biện pháp sau đây:
1. Đặt thẳng thắng những điều kiện cụ thể và nghiêm khắc với CSVN như lượng hành hóa VN xuất cảng sang Hoa Kỳ hoặc mức độ đầu tư của tư bản Hoa Kỳ vào VN sẽ tùy thuộc vào những cải tổ cụ thể, những mục tiệu có thể đo lường được (measurable objectives) của VN về xã hội dân sự và nhân quyền
2. Hoa Kỳ cần phải minh thị ủng hộ về chính trị lẫn tài chánh các tổ chức chính trị đối lập với CSVN trong lẫn ngoài nước, miễn là các tổ chức này chủ trương tranh đấu trong phạm vi của bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền
3. Hoa Kỳ cũng khuyến khích sự hình thành những liên minh chính trị đối lập với CSVN tại hải ngoại lẫn trong nước.
 
Với mức độ lệ thuộc kinh tế vào Hoa Kỳ trong các thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã trở nên đối tác thương mại hàng đầu của VN, qua mặt TQ. CSVN sẽ không dám phản ứng liều lĩnh thiếu suy nghĩ trước sách lược cứng rắn mới của Hoa Kỳ.
Sách lược nghiêm chỉnh của Hoa Kỳ phải là dùng kinh tế, áp lực cho CSVN nhượng bộ trên bình diện nhân quyền và xã hội dân sự, song hành với tác động ủng hộ và khuyến khích sự lớn mạnh các tổ chức chính trị đối lập với CSVN hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho dân tộc VN. Điều này hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế.
 
Một khi đoạt lại quyền tự quyết từ tay bạo quyền CSVN, thì dân tộc Việt sẽ là đồng minh chân chính của Hoa Kỳ hầu kềm chế bá quyền TQ và góp phần cho hòa bình thế giới trong thế kỷ 21.
 
Thêm vào đó, trong tương quan chiến lược huyền thoại “Môi hở răng lạnh” do Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông tuyên dương trong thủa sinh thời, thì sự sụp đổ của đảng CSVN sẽ gây một cơn chấn động lịch sử, làm suy yếu trầm trọng đảng CSTQ và có xác xuất đưa đảng này đến cáo chung. Những đảng CS nhỏ hơn như tại Bắc Hàn, Cuba và Lào sẽ phải đối diện với viễn tượng diệt vong. Các biến động này sẽ khai phá một kỷ nguyên thực sự vàng son cho nhân loại trong hoàn vũ.