Kẻ thù của dân chủ ở Việt Nam, trước hết, là chế độ độc tài. Nhưng tại sao chế độ độc tài ấy vẫn cứ vững mạnh? Câu trả lời dĩ nhiên không phải vì cái chế độ ấy…vững mạnh. Vấn đề, bởi vậy, cần được đẩy xa hơn: Tại sao chế độ ấy vẫn vững mạnh, tiếp tục vững mạnh; và dù bị dân chúng căm ghét, không có dấu hiệu gì lung lay và yếu ớt cả? Nói cách khác, cần tìm các kẻ thù của dân chủ ở ngoài chế độ độc tài.
Nhìn vấn đề như vậy, theo tôi, có hai kẻ thù chính: Một là óc tư lợi và hai là chủ nghĩa thực tiễn (realism).
Trước hết, về tư lợi, xin lưu ý là có nhiều hình thức độc tài khác nhau, từ độc tài quân chủ đến độc tài quân phiệt, độc tài cá nhân và độc tài đảng trị. Về bản chất, các hình thức độc tài ấy giống nhau: thâu tóm quyền lực và quyền lợi vào trong tay của một người hoặc một nhóm người cùng lúc với việc tước bỏ mọi thứ quyền (rights) căn bản của đại đa số quần chúng. Về mức độ độc ác, chà đạp lên quyền làm người, chúng cũng không khác nhau mấy: số nạn nhân bị giết chết dưới chế độ độc tài đảng trị của Stalin, Mao Trạch Đông và Pol Pot không hề thua kém số nạn nhân do độc tài cá nhân của Hitler sát hại. Có điều đáng buồn là, về tuổi thọ, trong thời kỳ hiện đại, loại độc tài đảng trị tồn tại lâu và khó đánh gục nhất. Lý do đơn giản: dưới chế độ đảng trị, quyền lực và quyền lợi được san sẻ cho nhiều người, do đó, lực lượng của họ rất đông và vì đông, nên cũng vững mạnh. Ví dụ ở Việt Nam, quyền lực tối cao nằm trong tay mười mấy người trong Bộ Chính trị, tuy nhiên, dưới Bộ Chính trị, có mấy trăm người trong Trung ương đảng cũng có rất nhiều quyền lực; xuống nữa, thấp hơn, tận các địa phương nhỏ, mấy triệu đảng viên cũng có những quyền lực và quyền lợi hơn hẳn dân chúng: Chính mấy triệu đảng viên ấy , vì tư lợi của họ, hay nói theo lời đại tá Trần Đăng Thanh, vì những cuốn sổ hưu của họ, trở thành những nguồn hỗ trợ cho chính quyền độc tài, làm cho chính quyền, ít nhất, cho tới nay, hầu như bất khả xâm phạm.
Nhưng kẻ thù ấy, thật ra, chưa phải là kẻ thù chính. Số lượng đảng viên đông thì đông thật nhưng dù sao cũng không nhằm nhò gì so với 90 triệu dân. Nếu tất cả dân chúng, hay chỉ cần vài trăm ngàn người dân đổ ra đường biểu tình chống lại độc tài thì, trước sức ép của thế giới, cả mấy triệu đảng viên cũng chịu bó tay. Kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng trên thế giới từ xưa đến nay, cụ thể hơn hết, những năm gần đây tại Trung Đông và Bắc Phi, cho thấy điều đó. Độc tài có thể ra lệnh cho quân đội xả súng vào cả hàng ngàn người, thậm chí, hàng chục ngàn người, nhưng không có ai dám ra lệnh bắn cả hàng trăm ngàn người, đặc biệt trong thời hiện đại, khi, với hệ thống truyền thông đại chúng vừa tinh vi vừa nhanh chóng, việc tàn sát ấy dễ dàng lan rộng khiến cả thế giới lên án và can thiệp.
Thế thì tại sao trong một quốc gia có gần 100 triệu người không thể hoặc chưa thể có mấy trăm ngàn người xuống đường biểu tình đòi tự do và dân chủ? Câu trả lời đầu tiên, dễ hiện ra nhất, là vì sợ. Nhưng theo tôi, câu trả lời ấy chưa phải là vấn đề căn bản. Chỉ cần theo dõi dân tình tại Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy ngay vấn đề chính của đại đa số quần chúng không phải là sự sợ hãi mà chủ yếu là người ta không thực sự quan tâm đến xu hướng dân chủ hoá. Họ không đoái hoài đến chính trị. Họ vô cảm trước hoạ độc tài. Với họ, Việt Nam do ai cai trị và cai trị thế nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất, với họ, là họ có thể làm ăn, mua sắm xe cộ và nhà cửa. Bởi vậy, điều họ cần nhất là sự ổn định về chính trị và những cơ hội để làm giàu hoặc ít nhất, kiếm sống. Lâu nay, chúng ta thường gọi đó là tâm lý vô cảm hay chủ nghĩa mặc-kệ-nó, tuy nhiên, ẩn giấu đằng sau sự vô cảm ấy chính là óc tư lợi, chỉ nghĩ đến những lợi ích của bản thân mình và gia đình mình hơn là quyền lợi chung cho cả đất nước.
Bên cạnh óc tư lợi của các đảng viên cũng như của dân chúng nói chung, tiến trình dân chủ hóa còn có một kẻ thù khác nữa: chủ nghĩa thực tiễn (realism) của các cường quốc trên thế giới.
Trong chính trị học, khái niệm chủ nghĩa thực tiễn được sử dụng nhiều nhất trong lãnh vực quan hệ quốc tế. Nói một cách vắn tắt, chủ nghĩa thực tiễn chủ trương, một, trong quan hệ quốc tế, không có một quyền lực nào bên ngoài hay ở trên có khả năng chi phối cách hành xử giữa các quốc gia với nhau; hai, yếu tố chính quyết định sự lựa chọn của mỗi quốc gia là quyền lợi của chính nước ấy; và ba, quan hệ quốc tế, do đó, thay đổi theo từng lợi ích cụ thể chứ không phải là một ý thức hệ nào cố định cả. Trong ý nghĩa ấy, có thể nói hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các chính sách ngoại giao của Tây phương đều xuất phát từ quan điểm thực tiễn luận. Trên lý thuyết, họ hay nói đến vấn đề nhân quyền như một nền tảng ngoại giao, nhưng trên thực tế, mọi quyết định của họ đều tùy thuộc vào quyền lợi của quốc gia họ. Trong lịch sử, kể cả lịch sử rất gần, hơn nữa, kéo dài đến tận ngày nay, Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia Tây phương đều duy trì quan hệ mật thiết với nhiều quốc gia còn chìm đắm dưới họa độc tài. Như với Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak hay Pakistan và Saudi Arabia hiện nay.
Từ những kinh nghiệm ấy, chúng ta có thể đặt vấn đề: Liệu Mỹ và Tây phương có đẩy mạnh sự hợp tác chiến lược với Việt Nam trong khi Việt Nam vẫn còn độc tài và tiếp tục chà đạp lên nhân quyền hay không? Theo cách trả lời phỏng vấn của một số quan chức trong guồng máy chính trị ở Mỹ và Tây phương nói chung thì dường như là không. Họ lớn tiếng tuyên bố việc cải thiện nhân quyền là một trong những điều kiện căn bản của mọi sự hợp tác có tầm chiến lược. Với họ, dường như đó là một nguyên tắc. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên bố. Khi việc hợp tác thực sự có lợi, người ta sẽ bất chấp tất cả những nguyên tắc và các điều kiện ấy như điều họ vẫn làm đối với các chế độ độc tài khác ở Nam Mỹ, Bắc Phi, Trung Đông từ trước đến nay. Nói cách khác, trở ngại chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như với các quốc gia Tây phương hiện nay không phải vấn đề dân chủ hay nhân quyền mà thực ra là vấn đề tin cậy: chính quyền Việt Nam phải làm sao cho thế giới thấy là họ có một chiến lược rõ ràng, đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự tin cậy chỉ có thể đạt được khi người ta chia sẻ một bảng giá trị chung; trong bảng giá trị ấy, nhân quyền lại là một trung tâm. Do đó, mặc dù bị chìm phía dưới, nhân quyền vẫn là một yếu tố quan trọng trong bất cứ một liên minh nào với Tây phương. Yếu tố trung tâm này chỉ bị gạt qua một bên trong trường hợp sự liên minh trở thành thiết yếu, không thể không có.
Dĩ nhiên, người Việt, nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn nên và cần tiếp tục vận động để Mỹ và Tây phương tăng cường áp lực lên chính quyền Việt Nam để cải thiện nhân quyền, nhưng cũng không nên quên tất cả những nhà lãnh đạo Tây phương đều là những nhà thực tiễn luận (realist): Cuối cùng, điều họ làm là những gì có lợi nhất cho đất nước họ.
Chứ không phải là ý thức hệ hay ý tưởng. Kể cả các ý tưởng về dân chủ và nhân quyền.
Theo voatiengviet.com