Lần này qua Mỹ với tâm trạng không vui. Món chụp chim là đam mê lắm cũng không còn thấy thích thú nữa. Do vậy rảnh thời giờ, tui quan tâm đến đồng bào mình bên ấy.
Hôm nay không nói chuyện chim nữa, nói chuyện đồng bào thôi.
"Khúc ruột ngàn dặm " mà tui gặp nhiều nhất là đồng bào làm báo. Có các anh nghỉ hưu rồi mới sang, có các anh chị đang làm cũng sang định cư.
Ở Bắc Cali, tui gặp anh Lê Đình Bì, người cùng tui và anh Huỳnh Sơn Phước được Mỹ mời qua làm khách nước Mỹ năm 2001. Anh Bì làm trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên, thấy nước mỹ vui quá nên sau khi về nước, vào năm 2004, xin nghỉ việc ở báo, đưa gia đình qua định cư ở Cali theo diện thân nhân bảo lãnh. Do ảnh đi trống chỗ mà lính trẻ của ảnh là Nguyễn Xuân Anh lên chức trưởng ban thay ảnh.
Anh Bì tiếp tui trong một nhà hàng Việt ở San Jose có hai nhà báo nữa là Huỳnh Văn Hoa và Huỳnh Châu Yên tham dự. Huỳnh Văn Hoa làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, về hưu được con trai bảo lãnh qua. Huỳnh Châu Yên là phóng viên ban quốc tế báo Thanh Niên, mới theo chồng qua Mỹ theo dạng đầu tư vào Mỹ. Anh Bì hiện là chủ một kênh truyền hình tiếng Việt tại Bắc Mỹ. Anh Hoa đang cộng tác cho hai tờ báo nổi tiếng ở Nam Cali rất siêng viết bài để đóng thuế đều đặn cho Mỹ Quốc.
Ở Bắc Mỹ còn có vợ chồng Kiều Oanh, cả hai đều là phóng viên báo Thanh Niên, nhưng ở chỗ khác nên tui không được gặp dịp này. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Công Thắng trưởng ban bạn đọc, Kim Trí trưởng ban kinh tế, chị Nguyễn Yến Mai chánh văn phòng báo TN kiêm giám đốc nhà máy in báo TN, cũng đang ở chỗ khác tui chưa được gặp.
Về Nam Cali thì tui đụng đầu cựu nhà báo hơi bị nhiều. Lừng lẫy nhất là Võ Đắc Danh có loạt bài nổi tiếng về dân oan Thủ Thiêm bị cướp đất khi còn ở VN. Vợ chồng anh tuy mới qua nhưng mở được công ty nhập yến vào Mỹ, bán chính yến của anh sản xuất tại Xẻo Lá. Anh cho biết, công ty anh là công ty đầu tiên của VN, nhập được yến vào Mỹ.
Nam Cali có các tờ báo lớn là Người Việt và Sài Gòn Nhỏ, có đại bản doanh của kênh truyền hình tiếng Việt nổi tiếng SBTN nên các nhà báo Việt Nam, tập trung ở đây khá nhiều. Đó là các anh Mạnh Kim, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Hải (Diếu Cày), Đinh Quang Anh Thái, Huỳnh Ngọc Dân, Uyên Vũ … Cựu phóng viên Tuổi Trẻ thì có Trương Công Khả, Trần Nhật Vy… Thời báo Kinh Tế VN thì có anh Phạm Hùng Nghị. Ba anh này cũng giống Yến Mai và Nguyễn Công Thắng, chỉ qua Mỹ hưởng thụ không khí tự do chứ không làm báo nữa.
Ở Nam Cali còn nhiều nhà báo VN lắm, nhưng tui chưa gặp hoặc tui không biết hết để kể ra đây. Có một nhà báo cũng chơi thân với tui làm ở SGGP, nghe bạn bè bên ni đồn, anh cùng con trai, cũng là nhà báo không biết làm gì có nhiều tiền lắm, qua Cali mua đến mấy căn nhà trên vài triệu đô. Rất tiếc tui không được gặp hai cha con ảnh để xác minh tin đồn và chúc mừng.
Ở Washington, D.C., tui gặp và chơi thân anh Nguyễn Khanh cựu giám đốc tiếng Việt đài RFA. Anh Khanh cùng tuổi nhâm thìn với tui, học đại học ở Sài Gòn ra làm giáo viên, vượt biên qua Mỹ mới làm báo mà nên sự nghiệp, có lẽ anh nhờ “bọn thế lực thù địch” RFA tin cẩn nên được đề bạt lên nhanh. Nhưng khổ thân anh, vì được thế lực ấy tin cẩn nên nhà nước VN không xem anh là khúc ruột ngàn dặm, cấm tiệt anh trở về VN thăm quê dù bây giờ anh đã nghỉ hưu. Hồi đầu thập kỷ 90, lần đầu tiên tồng thống Mỹ là Bill Clinton thăm VN, anh tháp tùng theo đoàn này tưởng rằng sẻ oai dũng vào VN, nhưng không. Đoàn đến Bruney nghỉ lại thì nhận điện của VN gởi qua thông báo sẽ không cho ông Nguyễn Khanh nhập cảnh, hì hì, anh đành để Bill cô độc qua VN, còn anh nằm lại Brunei hưởng thụ. Tui bảo bây giờ tháp tùng tui về VN, tui bảo lãnh là ok, nhưng anh ấy sợ phí tiền máy bay nên không nghe theo. Hơn nữa ảnh nói uy tín của tui không bằng Bill Clinton nên chuyện ảnh sẽ phải bị quay trở lại từ sân bay TSN là tất yếu lịch sử không thể nào thay đổi được.
Huỳnh Ngọc Chênh (giữa) trái Nguyễn Khanh cựu và đương kim trưởng ban Việt Ngữ RFA
Ngoài ra tui có quen với anh Mặc Lâm cánh cò ở RFA, nhưng đã nghỉ hưu không còn ở DC nên tui không được gặp, cũng may cho anh ấy.
Ở DC, tui gặp lại Gia Minh là đồng nghiệp cùng dạy học với tui ở trường Hòa Vang Đà Nẵng. Sau đó tui vào SG làm báo TN, Gia Minh cũng bỏ dạy vào SG làm báo Đầu Tư. Đang làm ngon lành thì thân nhân bảo lãnh qua Mỹ. Chàng ta qua Mỹ tiếp tục làm báo, theo bước đàn anh Nguyễn Khanh, bây giờ là giám đốc đài RFA tiếng Việt.
Vì là bạn bè cũ nên Minh gọi điện mời tui đi ăn trưa, trước khi ăn trưa cho tui vào hang ổ thế lực thù địch là cơ quan đài RFA để tham quan xem xét bọn thù địch như thế nào. Tui không thể tự mình vào đài nên nhờ anh Nguyễn Khanh lái xe đưa vào. Khi chúng tui vừa đến nơi, từ tầng hầm để xe lên đến tầng 4, tầng nào cũng có người ùa ra chào đón tay bắt mật mừng rưng rưng cảm động dù là những người không có trong ban Việt Ngữ. Hì hì, không phải chào đón tui, mà chào đón ngài Nguyễn Khanh, cựu sếp của họ. Từ ngày ngài về hưu đến giờ là qua 4 năm, nhưng ngài chưa bao giờ trở lại cơ quan cũ cho đến hôm nay nhờ tháp tùng theo tui mới được về lại đài xưa.
Té ra vào đài vẫn có người quen biết tui, đó là nàng Diễm Thi xinh đẹp đến từ Đà Lạt, Vũ Quốc Ngữ đến từ Hà Nội, vợ chồng Châu Văn Thi đến từ Sài Gòn. Châu Văn Thi là em rễ của nàng Nguyễn Hoang Vi ngang ngạnh cứng đầu nhất Sài Gòn mà ai cũng biết.
Một bữa cơm trưa thân mật đơn sơ nhưng hoành tráng diễn ra ngay giữa thủ đô Oa - Sinh- Tơn- đi- xi. Ngoài các anh chị em của đài có thêm Nguyễn Khanh, tui và Lương Dân Lý nữa. Sau buổi tiệc trưa đó, quân ta chiến thắng oanh liệt. Các phóng viên của đài có dự tiệc hoặc không dự tiệc mà có tiếp xúc với chúng tui đều bị gục ngã vì cúm tàu, chỉ có ba ông già chúng tui là tui, Khanh, Lý không bị hề hấn gì cả, vẫn nhỡn nhơ vui chơi. Không cần CIA điều tra cũng rút ngay ra kết luận là Virus cúm Tàu đó chắc chắn do ba đứa chúng tui mang đến, như vậy tui đã góp phần lập công với đảng và NN là đã đánh gục được thế lực thù địch ngay tại hang ổ chúng, điều mà đàng ta mong muốn lắm nhưng chưa làm được.
Ngày mai tui yên tâm về nước mà không sợ bị lôi thôi ở cửa khẩu như các lần trước, tui đoán chắc như vậy.
Hì hì, tuy nhiên cũng chưa biết thế nào, từ đâu năm đến giờ bạn bè tui trong phong trào xã hội dân sự bị bắt rất nhiều dù lâu nay cũng chẳng làm gì như Trần Bang, Trương Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Tiến Lâm và một số người khác nữa.
Đang rộ lên tin đồn chúng tui sẽ lần lượt bị bắt hết không sót ai. Bạn bè trong và ngoài nước đều khuyên tui nên ở lại Mỹ, đừng về nữa. Tui ở lại cũng dễ vì có con gái bảo lãnh. Tuy nhiên tui phải về thôi. Nhớ Nguyễn Thúy Hạnh lắm rồi.
Ngày mai tui về mà không bị gì, sẽ viết tiếp về chuyện đồng bào ở Mỹ để hầu đồng bào trong nước.
Kể tiếp chuyện Mỹ.
https://www.viettin.de/content/k%E1%BB%83-ti%E1%BA%BFp-chuy%E1%BB%87n-m%...
17.09.2022
Fb Huynh Ngoc Chenh