Kịch bản học đường tuần lễ đầu tháng 3-2020

Nguyễn Nam (VNTB)|

Dự kiến, thực hiện theo chỉ đạo của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều địa phương mở cửa lại các trường phổ thông trung học từ ngày 2-3-2020. Bộ trưởng Nhạ không đưa ra công khai về các kịch bản học đường nào ở mùa dịch. Dưới đây là một kịch bản được các biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo cùng soạn thảo.

Kịch bản học đường tuần lễ đầu tháng 3-2020 được căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau đây: Hiến pháp 2013, các điều 14, 15, 16, 19, 28, 34, 36, 37, 38, 39; Luật Trẻ em; Luật Giáo dục; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Kịch bản được soạn thảo có tham khảo về nguồn lây lan dịch hô hấp SARS 2003 tại Hà Nội, với ghi nhận lây lan trong môi trường bệnh viện, không ghi nhận lây lan bên ngoài cộng đồng. Và dịch cúm A/H1N1 năm 2009, lây lan mạnh ở các trường học.

Kịch bản một: nguồn lây từ thầy, cô giáo đang làm công tác quản lý

Đó là các thầy, cô giáo thuộc Ban Giám hiệu; thầy, cô giáo làm công việc ở Ban Giám thị. Những thầy, cô giáo này thường thì trong ngày khi học đường hoạt động trở lại, họ có trách nhiệm tiếp xúc gần như tất cả thầy, cô ở các bộ môn, khối lớp.

Tình huống một người trong số đó có mang mầm virus Vũ Hán Corona, nhưng không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bên ngoài, sau cả tuần lễ hết sức giữ gìn, đến cuối tuần, tức vào ngày thứ sáu 6-3, bất cẩn hành vi khiến nước bọt qua ách xì, hay lúc biểu cảm cười thành tiếng trong trò chuyện, khiến nước bọt có thể thành ‘giọt bắn’ vào mặt người đối diện, nguy cơ lây nhiễm bắt đầu.

Do thời gian ủ bệnh bình quân là 14 ngày, nên rất có thể phải đến thứ hai 23-3, những triệu chứng lâm sàng mới bắt đầu xuất hiện ở người bị lây nhiễm hôm thứ sáu 6-3. Lúc đó, có thể vì cơ địa đề kháng tốt, người mang mầm bệnh tiếp tục không có biểu hiện gì khác, và trong suốt hai tuần lễ trước đó, người này lại có những bất cẩn tạo nguồn lây nhiễm trong môi trường học đường.

Hệ lụy domino bắt đầu từ tuần cuối tháng ba, và bùng phát nhanh từ tuần lễ đầu tháng tư. Thời tiết lúc này ở miền Nam vẫn nóng, nên nguồn lây có thể được khu trú trong một địa bàn nào đó. Việc chữa trị do dịch bệnh lây lan vẫn trong tầm khả năng kiểm soát.

Lưu ý, nếu dịch bệnh bùng phát ở miền Nam từ cuối tháng 4 là sẽ không còn lợi thế tự nhiên của nắng nóng nữa. Mùa mưa thường bắt đầu từ cuối tháng 4. Còn ở miền Bắc, thì mùa hè là từ tháng năm đến tháng bảy, do đó dựa vào thời tiết nắng nóng để hạn chế lây lan dịch cúm lây lan qua hô hấp ở học đường tháng ba, tư là không nhiều hy vọng.

Kịch bản hai: lây lan từ học trò

Tình huống này rất đơn giản: Trong tuần lễ đầu tiên sau khi học sinh cấp 3 đến trường, chỉ cần 1 người cha hoặc mẹ bị nhiễm mầm bệnh virus Vũ Hán nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng bên ngoài, rồi sẽ lây cho con, 1 đứa con đó sẽ lây cho 50 bạn trong lớp; 50 bạn đó bao gồm cả các thầy, cô giáo đang dạy ở lớp. Như vậy sẽ lây thêm cho 50 gia đình, mỗi gia đình bình quân có 4 người sẽ lây tiếp ra ngoài. Con số càng khủng khiếp khi ở ngôi trường đó trở thành là ổ khu trú dịch bệnh.

Tương tự như kịch bản một, diễn biến sẽ trở nên xấu và rồi rất xấu từ cuối tháng ba trở đi khi nguồn lây nhiễm đã đủ thời gian ủ bệnh.

Rất có thể khi ấy lại phải tận dụng vào thời tiết nắng nóng và tiến bộ khoa học để giúp giảm thiểu các tác hại dây chuyền của dịch bệnh virus Vũ Hán lây lan từ học đường; đặc biệt là đang có kế hoạch học trò cấp 1 và 2 sẽ đi học trở lại từ trung tuần tháng 3-2020.

Lưu ý, tình huống giả định kể trên còn là việc với 1 học sinh nhiễm, phải cách ly 50 em, 50 gia đình, và có thể là cả… 50 khu phố. Đó là chưa kể các giáo viên, bảo mẫu có thể cũng phải cách ly. Trường công lập thì ngân sách có thể kham nỗi, chứ hệ thống trường tư thục, đây sẽ là câu chuyện của nín thở qua sông như kiểu đánh bạc cầu vào may rủi.

Kịch bản ba: mở cửa học đường từ tháng sáu

Đại dịch SARS năm 2003 được gây ra bởi virus SARS – CoV, đây là một chủng của coronavirus, cùng họ với chủng virus mới đang gây dịch viêm phổi cấp vô cùng nghiêm trọng hiện nay – covid-19.

Theo cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC), ca nhiễm SARS đầu tiên được ghi nhận vào tháng 2 năm 2003 tại châu Á.

Vào tháng 2 năm 2003, Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS. Chấp nhận bỏ qua những tổn thất kinh tế nặng nề, Việt Nam công khai toàn bộ thông tin về dịch bệnh, đồng thời mời các chuyên gia tại Tổ chức y tế Thế giới WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ CDC cùng Tổ chức Thầy thuốc không biên giới tới Việt Nam cũng thực hiện giám sát và hỗ trợ chống dịch. Đến ngày 28 tháng 4 năm 2003, Việt Nam chính thức được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế được đại dịch SARS.

Tháng 6 năm 2003, thời điểm dịch bệnh SARS được kiểm soát ở mức an toàn.

Nếu học sinh nghỉ học liên tục trong 3 tháng tính từ thời gian nghỉ Tết nguyên đán, thì việc học bù sẽ tính vào 3 tháng của nghỉ hè. Các kỳ thi tốt nghiệp quốc gia sẽ bắt đầu từ đầu tháng chín – 2020, ngay khi vừa kết thúc học kỳ 2 ở các lớp 9 và 12. Thời khóa biểu của niên khóa 2020-2021 sẽ được điều chỉnh phù hợp theo thực tế, nhập học có thể được bắt đầu từ thứ hai 14-9.

Về việc học sinh ở miền Bắc phải học vào tiết mùa hè nóng nực, điều này chỉ mang tính nhất thời, và cũng là cần thiết vì có thể tận dụng vào thời tiết để giúp tránh lây lan các mầm bệnh về hô hấp.

Quỹ lương trong ngành giáo dục sẽ vẫn cân bằng, nếu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội để trả lương cho những người lao động bị ảnh hưởng tạm thời mất việc vì lý do bất khả kháng.

Kịch bản thứ ba này có thể giải quyết phần nào các rủi ro ở hai kịch bản một, hai, đồng thời cũng giúp hạn chế được nguy cơ phải có thể mở rộng hệ thống khối lớp Một và lớp Mầm (hệ mẫu giáo) ở niên học 2020 – 2021, trong trường hợp vì lẽ gì đó dịch bùng phát trên diện rộng từ kịch bản một, hai, và dẫn đến phải đóng cửa trường học cho đến khi hết dịch.

Ngoài ra, từ ‘bước đệm’ của niên học 2020 – 2021, từ niên khóa 2021 trở đi, cùng với nhiệm kỳ mới của đảng và chính phủ, cần thiết xây dựng thiết chế trong một năm học có thể hai lần tổ chức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học, và hai lần cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.

Các trường học ở những địa phương tùy vào hoàn cảnh thực tế mà dạy học đủ số tiết quy định chung, chấm dứt việc ‘đồng phục’ cả chuyện học và thi. Điều này tương tự như cần phải có nhiều bộ sách giáo khoa để các giáo viên tự do lựa chọn trong việc giảng dạy.

Thay lời kết

Cô Nguyễn Thị Oanh, Board of Directors tại CIS – The Canadian International School Vietnam chia sẻ: “Cá nhân tôi, nếu xét từ cộng đồng CISS nhỏ bé, tôi ủng hộ việc cho học sinh (HS) trở lại trường sớm, bởi tự tin rằng đội ngũ của chúng tôi đã và sẽ làm mọi thứ tốt nhất để đảm bảo môi trường an toàn đón các con quay lại.

Nhưng xét trên bình diện rộng hơn của toàn xã hội, việc cho một số lượng lớn HS quay trở lại trường sau nghỉ Tết mà chưa kịp có sự chuẩn bị chu đáo cả về điều kiện vệ sinh cũng như trang thiết bị và nguồn nhân lực hỗ trợ phòng dịch – đặc biệt ở các trường công lập với sĩ số HS cao và còn nhiều hạn chế về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thì việc tạm đóng cửa trường là điều cần thiết phải làm.

Cho đến nay, dù rất mệt mỏi với sự phập phù chờ đợi quyết định cho HS đi học (toàn vào phút chót!), nhưng tôi cũng hiểu rằng đối phó với chủng Corona virus lần này là một cuộc chiến không hề đơn giản!

Mới đó đã thấy Hàn Quốc nhanh chóng bị biến thành ổ dịch! Mới đó đã thấy Iran – quốc gia có khí hậu sa mạc và chẳng hề giáp Trung Quốc, vậy mà số người bị nhiễm cũng như bị chết đã tăng nhanh đến mức toàn thế giới lại phải chú mục…

Thôi thì dù còn ai đó trong chúng ta có thể vẫn nghi ngờ, không tin vào các số liệu báo cáo của chính phủ Việt Nam về tình hình chống dịch, nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng trên thực tế, dịch đang diễn biến rất phức tạp và khó lường. Giữ được thực trạng hiện nay, trong điều kiện nước ta nằm liền kề với Trung Quốc – nơi đầu tiên phát tán dịch, là một điểm cộng nên ghi nhận cho những nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong đợt phòng chống đại dịch toàn cầu lần này”.

https://vietnamthoibao.org/vntb-kich-ban-hoc-duong-tuan-le…/