#GNsP (11.08.2015) – Gần 15 bạn trẻ đến từ Ninh Bình, Nghệ An, Sài Gòn, Thủ Đức, Cần Thơ, Đồng Nai… tham dự buổi thảo luận ‘Kỹ năng đối phó với công an’ do Luật sư Nguyễn Văn Đài diễn giải, sáng ngày 09.08.2015, tại Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn.
Mục đích của buổi thảo luận nhằm chia sẻ một số kiến thức liên quan đến pháp lý và những trải nghiệm làm việc với công an, giúp cho các bạn trẻ có kinh nghiệm vượt qua những trở ngại khi đối chất với công an, để bảo vệ quyền cho chính bản thân và cho người khác.
Buổi thảo luận do Giảng viên Phạm Minh Hoàng điều phối. Đặc biệt có sự hiện diện của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, sống tại Thanh Hóa và bà Dương Thị Tân đến chia sẻ một vài kinh nghiệm khi làm việc với công an.
Trong buổi này, vị Luật sư sống ở Hà Hội nhấn mạnh đến quyền ‘bầu cử’ của công dân để thành lập nên một Nhà nước, và công dân có quyền ‘truất phế’ Nhà nước đó khi các nhà chức trách không làm đúng nghĩa vụ được giao.
Ls Đài đề cập đến quyền ‘bầu cử’ và quyền ‘truất phế’ nhà nước của công dân được quy định rõ trong Hiếp pháp, cụ thể qua các Quyền Bình Đẳng –Điều 16 Hiến Pháp, quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật…”; Quyền Lập Hội, Quyền Tự Do Báo Chí… cao nhất là Quyền Biểu Tình để lật đổ các chính phủ độc tài và mong muốn thay thế một chính phủ dân chủ. Thế nhưng, Quyền Bình Đẳng của công dân đã bị chính Nhà nước CHXHCNVN tước đoạt, quy định tại Điều 4 HP “Đảng Cộng sản Việt Nam - là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Tại Điều 4 HP này, nhà cầm quyền cs nghiễm nhiên cho họ cái quyền lãnh đạo nhà nước mà không cần thông qua cuộc ‘trưng cầu dân ý’ đúng nghĩa… Cũng vậy, Quyền Lập Hội, Quyền Tự Do Báo Chí, Quyền Biểu Tình… cũng bị chính nhà cầm quyền ngăn cản.
Quyền Bình Đẳng của công dân cũng như các quyền cơ bản khác bị nhà cầm quyền xâm phạm, cụ thể ngăn cấm Quyền tự do đi lại của công dân –Điều 23 HP, quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước…”. Ls Đài giải thích, không ai hoặc tổ chức nào có quyền tước đoạt quyền tự do đi lại của người dân trừ khi người đó: có quyết định của Tòa án, và đang trong thời gian thi hành án. Tuy nhiên, tại VN, nhiều người -có tiếng nói khác nhà cầm quyền- đã bị cấm xuất cảnh với lý do mơ hồ như ‘chưa được phép xuất cảnh theo đề nghị của công an Tp…”
Làm thế nào để bảo vệ được các quyền cơ bản này của chính bản thân?
Đó là câu hỏi được đặt ra trong khi thảo luận. Ls Đài –từng bị 4 năm tù giam và 4 năm quản chế- giải đáp, khi một công dân thực hiện các quyền cơ bản của mình, nhưng lại bị công an/an ninh sách nhiễu gây khó khăn thì cần hiểu “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình…” (Điều 21 HP), và tại Điều 22 HP “1. Công dân có quyền có nơi ở nơi ở hợp pháp; 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý; 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Nghĩa là, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở của công dân được bảo đảm tại Điều 6 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự [BLTTHS] quy định: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang… Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.” Do đó, công dân có quyền từ chối ‘làm việc’ với công an khi họ gửi ‘giấy mời’, có quyền chất vấn công an về nội dung buổi làm việc; còn công an không có quyền bắt/tạm giam/tạm giữ công dân một cách trái phép nếu như không trưng dẫn ra được bằng chứng cáo buộc công dân đó vi phạm pháp luật, nếu như không có lệnh của Tòa án, hoặc Viện kiểm sát.
Giả sử một công dân nào bị bắt/tạm giữ/tạm giam tại trụ sở công an hoặc cơ quan cảnh sát điều tra thì công dân có quyền im lặng, quyền được có luật sư, quyền được thông báo về cho gia đình biết về tình trạng giam giữ. Công dân không có nghĩa vụ chứng minh mình có tội, mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 10 BLTTHS.
Qua buổi hội thảo, một bạn trẻ sống tại Thủ Đức, bày tỏ: “Em thích nhất biết cách ứng phó với an ninh. Em sẽ tự tin hơn trong việc lên án bất công mà không sợ việc đó là trái pháp luật nữa.” “Em mong được tham dự nhiều buổi hội thảo với các chủ đề này hơn, để có thêm kiến thức pháp luật, nhờ đó mà em biết những việc em đang làm cho đất nước là những việc làm đúng, nên em sẽ bớt sợ hơn nếu có gặp công an và làm việc với họ.” Một bạn trẻ sống tại Sài Gòn tham dự buổi thảo luận, mong ước.
Huyền Trang, GNsP
Nguồn: FB Tin Mừng Cho Người Nghèo