Mình luôn cho rằng một con người khi nhỏ thì phải được học kỹ năng sinh tồn như bơi, nhóm lửa, thoát hiểm… còn lớn lên thì phải học các kỹ năng hỗ trợ như máy tính, lái xe, ngoại ngữ, chụp ảnh... Bạn càng trang bị cho mình nhiều kỹ năng thì bạn càng sống ung dung và không hoảng sợ hay lúng túng khi gặp tình huống bất ngờ dù bạn ở cương vị nào.
Ví dụ thực tế: khi mình 26 tuổi, làm Trợ lý Tổng Biên tập TBKT, trong một số tình huống như đi công tác nước ngoài mà hạn chế về kinh phí, mình sẽ được chọn vì có thể thay thế được cả 1 đội ngũ đi cùng sếp: Có thể lái xe khi cần, phiên dịch vài ngoại ngữ, chụp ảnh và ghi chép như một phóng viên chuyên nghiệp trên laptop, thậm chí dựng maket cho bài viết trên phần mềm dàn trang báo luôn.
Lưu ý là thời 1996 máy tính rất ít chứ không phổ thông như bây giờ, ô tô thì lác đác và hầu như không ai biết lái, chụp ảnh bằng máy phim cũng không đơn giản. Đến nỗi một phóng viên đi viết bài khi nào cũng phải kèm theo phóng viên ảnh vì không biết chụp, và nếu đi tỉnh thì lại phải thêm “ông” lái xe, rất phiền phức và tốn kém. Mình muốn mọi người, sếp hay nhân viên, đều phải có kỹ năng để không bị phụ thuộc vào anh lái xe, thằng đánh máy hay ông phiên dịch. Có lẽ cũng vì thế mà mình trở nên “khó tính” khi các thư ký, trợ lý và nhiều quản lý cấp trung của mình sau này, cho đến tận bây giờ, dù trưởng thành ở một thời kỳ dễ dàng hơn bọn mình nhiều mà cũng không có các kỹ năng tối thiểu đó?!
Từ đó mình nhận ra rằng, Giáo dục và Đào tạo của VN đang bị lẫn lộn và… hỏng về triết lý. Người ta đang đào tạo ra những cái máy giải toán, máy viết văn ngay ở độ tuổi còn cần… giáo dục phổ thông. Theo mình, trẻ em cho đến 10 tuổi, tức là hết Tiểu học chỉ cần biết các kiến thức phổ thông nhất là đọc viết và làm toán cộng trừ nhân chia sơ đẳng. Thời gian còn lại là phải trang bị cho các cháu các kỹ năng sinh tồn, biết tự chăm sóc bản thân và cách tư duy phổ thông. Ví dụ như khi bơi thì cần phải làm gì để người nổi, tự suy luận và phát triển cách bơi phù hợp với cơ thể mình. Làm sao giữ thăng bằng tốt nhất khi đi xe đạp, quan sát đường và tránh các chuyển động hay vật đứng yên trên đường như thế nào là hợp lý nhất. Đó cũng là rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, chứ không phải cứ học toán mới là tư duy. Các cháu chưa thể dùng toán để tính toán đường đi cho xe đạp khỏi đâm cột điện được.
Ngay cả các “kiến thức” về lòng yêu nước, yêu Bác Hồ hay về Đội, Đoàn, Đảng… cũng là rất khiên cưỡng. Bởi những đứa trẻ còn đánh răng chưa đúng cách, còn chưa biết yêu bố mẹ, vẫn làm nũng, đòi hỏi… thì làm sao ý thức được về lòng yêu nước hay đảng vĩ đại cỡ nào mà cứ nhồi vào đầu chúng? Hơn nữa, Yêu là một cảm xúc bản năng, không phải cứ dạy mới có. Ở đây, sai lầm nữa là muốn “giáo dục” các cháu yêu nước theo cùng 1 cách, không muốn chấp nhận sự đa dạng về cảm xúc và cách thể hiện. Một người khi yêu là phải hô toáng lên hay một người khi yêu cứ âm thầm chăm sóc hay có người luôn dạy bảo chỉ dẫn, thậm chí chỉ trích những tật xấu để làm người yêu mình tốt lên… thì ai yêu hơn? Sao phải giống nhau? Và người này lại cho người kia là… phản động trong khi đều là yêu nước cả? Đó không phải giáo dục, mà là… nhồi sọ.
Rồi khi lên cấp 3, tức là PTTH, các cháu phải học đồng loạt nào là logarit, nào là tích phân, nào là công thức hóa học hữu cơ…vv và vv. Có khi đơn giản các cháu chỉ cần biết là “phân người” thôi chẳng hạn, thì nay thành ra một loạt chữ và số loằng ngoằng. Mình chắc chắn rằng, 99,9% những người ở đây không ai có thể nói được logarit là gì và đã từng ứng dụng nó vào việc gì trong cuộc sống, hay thành phần cơ bản của phân người là gì, công thức hóa học của nó ra sao . (Trừ số cực ít người sau này được đạo tạo ở đại học về chuyên ngành liên quan).
Bất cập ngay ở ngay cái tên gọi toàn bộ 12 năm học là Phổ thông, nhưng kiến thức nhồi nhét ở đó lại hoàn toàn không Phổ thông một chút nào. Nó ít các kỹ năng phổ thông cơ bản, không biết cách mổ gà nhưng lại biết cách… giết rồng, để mà chẳng bao giờ có cơ hội áp dụng.
Nghĩa là Giáo dục cần phải cải tổ từ cái gốc, từ cái triết lý giáo dục. Nếu không, xã hội sẽ tốn một nguồn lực khổng lồ và đến 90% trong khoảng thời gian 12 năm của mỗi đời người, qua bao thế hệ, đang được dùng vào những việc vô nghĩa, hầu như không ai nhớ và vận dụng được gì trong cuộc sống của mình. Và lại phải dùng chừng đó thời gian, lẽ ra để lao động làm ra của cải, để bổ sung các kỹ năng tối thiểu còn thiếu kia.
Nguyên Tống Butgai