Hồ Phú Bông
Sau khi được “giải phóng”, chúng tôi đã phải rời bỏ quê hương, vượt biên bằng đường biển. Ghe tôi vượt biên chỉ dài 11 mét, hết nước, hết thực phẩm, mạng sống như chỉ mành treo chuông thì được tàu Hohsing Arrow vớt đưa vào Singapore. Lúc đó mới biết ghe có 50 người cả trẻ em, bị lạc hướng, cách Philippines hơn ngàn hải lý.
Ngay hôm sau, đoàn JVA Mỹ (Joint Voluntary Agency) vào phỏng vấn, gặp người bạn cũ làm việc trong đoàn. Tâm tình sau đó, chị cho biết, người Mỹ rất quý trọng người can đảm. Vì thế những người đứng ra tổ chức vượt biên, dễ được nhận.
Điển hình, có ba anh em rất chân quê ở Đồng Tháp, đốn cây vông trong vườn đóng chiếc ghe vượt biên. Đã hẳn ghe đó ra biển không khác gì trẻ em xếp chiếc ghe bằng giấy thả trôi theo dòng nước. Chuyện phải đến đã đến. Ghe trôi dạt, may mà chưa chìm. Người anh chờ chết, hai người em cũng kiệt sức thì được tàu cứu. Người anh phải nằm tại bệnh viện ở Singapore hơn hai tuần. JVA phỏng vấn ngắn và nhận ngay, dù họ không liên quan gì đến VNCH. Nhưng họ xin đi Na Uy vì hy vọng có thể bảo lãnh được gia đình chỉ khoảng nửa năm, lúc đó Mỹ – Việt Nam chưa bang giao.
Thể hiện “Mỹ tính” qua phim, là hình ảnh anh cao bồi một mình một ngựa rong ruổi, tình cờ gặp bọn cướp hiếp dân lành, bất chấp nguy hiểm, đấu trí, đấu súng… pằng pằng. Tiêu diệt xong lại vó ngựa lên đường trước quyến luyến của dân làng, đặc biệt với đôi mắt ướt lệ, thẫn thờ của giai nhân.
Lịch sử xây dựng nước Mỹ không hiếm những người hùng như thế nên họ thích người can đảm, dám sống chết với bổn phận và trách nhiệm. Họ không có “văn hóa tuẫn tiết” như phương Đông.
– So sánh với chế độ XHCN Việt Nam hiện tại thì trái ngược. Những ai dám thể hiện bổn phận và trách nhiệm công dân, thẳng thắn bày tỏ chính kiến, dù hoàn toàn ôn hòa, vẫn bị chế độ độc tài đảng trị bịa chuyện để gán ghép tội. Các bản án đến 5, 10, 15 năm tù mà phiên tòa chỉ kéo dài 4 hay 5 tiếng đồng hồ!
Ở các nước tư bản báo chí được tự do điều tra những sai trái của chính quyền để đưa ra ánh sáng. Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam kể là ông bị nhiều châm biếm, phê phán nhưng nhờ đó có thể điều hành việc nước tốt hơn.
– So sánh với báo chí phương Tây, truyền thông Việt Nam là dàn hợp xướng chỉ ca ngợi đảng. Lịch sử thời phong kiến, Tàu cũng như Việt, cho biết, khi vua thích nịnh thần thì triều đại đó sụp đổ! Dàn hợp xướng “kỷ nguyên vươn mình” đang mở công suất lớn ca ngợi ông Tô Lâm “bò dát vàng”.
***
Về phương diện tu, câu cửa miệng dân dã là: Thứ nhất, tại gia; thứ hai, tại chợ; thứ ba, tại chùa.
Tại gia, là tự hướng thượng. Tại chợ, là trực tiếp giữa đời thường tham/ sân/ si để buông bỏ ngã mạn. Tại chùa, là để thâm sâu về Phật pháp.
Sư Thích Minh Tuệ trực tiếp với đời thường, tu theo hạnh đầu đà ba y một bát, xưng con với mọi người, buông bỏ tham/ sân/ si. Nhiều lần sư xác nhận mình chỉ “đang tu học”.
Suốt 5 năm hành khất đơn độc Bắc/ Nam – Nam/ Bắc, tối ngủ ngồi nơi có thể, để tu học. Đến khi bị/ được các YouTubers phát hiện, người dân mới biết. Theo dõi rồi ngưỡng mộ, đổ xô tìm gặp để được đảnh lễ. Chỉ thời gian rất ngắn, hàng triệu người hướng về sư thì các chùa của Phật giáo nhà nước có tượng Phật lớn, có chùa nguy nga tráng lệ, có các “sư” “thông thái”, “uyên bác” bỗng chốc lại vắng tanh.
Qua hình ảnh hành khất Thích Minh Tuệ người dân được giác ngộ. Hướng về điều Thiện Lành.
Nếu là “chính quyền”, đã hẳn đây là cơ hội hiếm có phải chụp lấy để xiển dương. Một xã hội mà người dân hướng về điều Thiện Lành, đương nhiên xã hội đó phải tốt đẹp. Vì đạo đức là nền tảng để phát triển mọi mặt, như văn hóa, chính trị, kinh tế… được như thế người dân mới thật sự có tự do, hạnh phúc.
Chuyện người Nhật kéo xe ở Tokyo, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ tìm hỏi người khác mới đưa được vị khách nước ngoài, là cụ Phan Bội Châu (1), đến đúng nơi ghi trên danh thiếp nhưng nhứt định không nhận tiền tip.
Chuyện khác, mới hơn, là thảm họa sóng thần tsunami Tohoku, năm 2011 (2). Dòng người đói lả xếp hàng dài kiên nhẫn chờ cứu trợ, không trách cứ, than vãn. Có người còn nhường phần ăn cho người cần hơn. Trăm người khác thì tự nguyện ở lại, dù có thể chết, để khắc phục hậu quả rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ra sức cứu thảm họa ô nhiễm môi trường.
Với vài chuyện “rất nhỏ” nói trên thì việc phát triển thần kỳ của nước Nhật, chỉ 25 năm sau khi đất nước tan hoang vì thua trận Thế chiến thứ II, chẳng có gì phải ngạc nhiên!
– Thế nhưng, 50 năm sau khi chiếm được miền Nam, chế độ XHCN Việt Nam làm ngược lại hoàn toàn.
Ví dụ, vào nửa đêm tại Huế, họ “úp sọt” sư Thích Minh Tuệ và khoảng gần trăm người. Ban ngày công an gìn giữ trật tự đoàn hành khất rất tốt. Tối, chọn chỗ cho đoàn ngủ nghỉ. Nhưng đến khuya thì đột kích, tấn công không khoan nhượng. Tống người lên xe, phân tán họ cách Huế vài chục cây số rồi đẩy xuống đường nơi vắng vẻ. Riêng sư Minh Tuệ biệt tích, mấy ngày sau công an mới phổ biến hình ảnh đang lăn tay làm căn cước. Sau đó nói sư “ẩn tu”. Dù “ẩn tu” là thoát ly xã hội, trong khi sư Minh Tuệ khất thực, là “tu giữa chợ đời”!
Giờ thì mọi chuyện khá rõ ràng, ép sư làm căn cước để làm hộ chiếu và visa. Trung ương tìm cách trục xuất sư khỏi nước.
Không chỉ thế, còn cử đặc vụ theo đoàn để kiềm chế. Thượng tá công an về hưu, có bằng “Tiến sĩ Tâm lý”, “tình nguyện” theo “Thầy” nhưng làm trưởng đoàn (!) trong khi sư Minh Tuệ chỉ muốn nhờ giúp đỡ làm giấy tờ và tìm hiểu lộ trình đi Ấn Độ.
Đoàn người hiện đang ở Thái Lan gặp nhiều rắc rối, nếu không muốn nói là hỗn độn. Sự hỗn độn không phải vô tình. Gây ra hỗn độn có mục đích.
***
Một chế độ khi người dân làm bổn phận và trách nhiệm công dân, dám nói lên sự thật, là độc tài đảng trị có nguy cơ đưa đất nước đến tai họa thì bị xử tù. Một mầm Thiện Lành quý hiếm mới phát hiện, qua hình ảnh hành khất Thích Minh Tuệ, được cả triệu người kính ngưỡng, thì tìm cách triệt tiêu.
Chế độ đó sẽ đưa đất nước về đâu? Bản thân chế độ sẽ về đâu? Không có tự do dân chủ “kỷ nguyên vươn mình” sẽ về đâu?
________
Chú thích:
(2) https://www.buctranhvancau.com/new-blog/2020/3/7/nh-li-thm-ha-v-ng-khu