Trước thềm đại hội 13, ông Trọng đưa ra một số phường chèo trong gánh hát gọi là Lý Luận Trung Ương để nói nhăng nói cuội và tung hô lời của Nguyễn Phú Trọng như những lời vàng ngọc. Nhưng khi suy ngẫm kỹ thì rõ ràng lươn, chạch làm sao trèo cao tới Bộ Chính Trị nếu không có ai đó nâng đỡ.
Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 12 vào ngày 14 tháng Năm, 2020, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 của đảng CSVN coi vấn đề cán bộ “là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.”
Công tác chuẩn bị nhân sự ấy như thế nào? Hôm 7 tháng Bảy, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư Ký Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đăng đàn giải thích trên báo đảng Vietnamnet. Theo ông Thông, việc chọn lựa cán bộ giới thiệu vào trung ương và các cấp uỷ đảng lần này dựa trên 3 tiêu chí: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Kiên định vào cương lĩnh và đường lối đảng.
Ba kiên định mà ông Thông nêu lên để làm nền tảng đánh giá, lựa chọn cán bộ thật ra cũng không có gì mới. Nó vẫn được lập đi lập lại từ những kỳ đại hội trước như những nguyên tắc bất di bất dịch, dù thời thế và nhãn quan chính trị của cán bộ ngày nay đã thay đổi. Nhưng chính ông Thông cũng thừa nhận rằng “Nghị quyết trung ương cũng nhấn mạnh phẩm chất chính trị đầu tiên, rồi mới đến năng lực.” Nói khác đi, câu “hồng hơn chuyên” bao giờ cũng là “chân lý.”
Người dân bên ngoài cũng thấy rất rõ, ba kiên định mà đảng yêu cầu đối với các ứng viên để được đề cử vào trung ương hoàn toàn vì đảng. Nó mang lợi ích cho sự toàn trị của đảng CSVN hơn là vạch ra con đường phát triển dân chủ cho đất nước.
Ông Thông còn nhắc đến chỉ thị miệng của ông Nguyễn Phú Trọng là “đừng để cho những con lươn, con chạch lươn lẹo nó trèo lên cao mà trèo lên tận Bộ Chính Trị.” Lời nói của ông Trọng đem hai loài chỉ sống dưới lớp bùn để ví von với cán bộ đảng không khỏi làm người ta liên tưởng những cán bộ quy hoạch chiến lược, những hạt giống đỏ trong khoá trước đang ngồi tù như uỷ viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng, uỷ viên trung ương Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và còn nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh uỷ bị sa thải, kỷ luật vì hủ hoá, kém khả năng như Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang, Lê Viết Chữ… Vậy ai là người để cho loại lươn, chạch này trèo cao đến thế?
Thông thường lươn và chạch vốn là loài giỏi trốn và sống dưới bùn, chúng không có chân mà làm sao trèo cao được? Chỉ có loài khỉ, vượn trong rừng mới trèo cao, mới có thể tập dáng vẻ của “con người chuyên chính vô sản” và tuyên bố những lời lẽ xôm tụ. Nhờ thế chúng mới được đảng chú ý và được nâng đỡ hết lòng thì chúng mới leo tận Bộ Chính Trị cầm vận mạng đất nước.
Một khi đã dùng ví dụ sai tất nhiên đưa đến cách làm cũng sai và làm theo kiểu đánh bùn sang ao. Để khắc phục tình trạng lươn, chạch trèo cao trong những khoá trước, Ông Thông liệt kê ra nhiều biện pháp nào là cho cán bộ học qua các khoá, các lớp bồi dưỡng chính trị và thực tập nhiều buổi, sau khi chọn lọc nếu bản lĩnh chính trị tỏ ra dao động, nhất là thiếu “ba kiên định” thì sẽ bị loại. Thật ra những lớp bồi dưỡng chính tri này chỉ là màu mè bên ngoài, cán bộ được cử đi học sẽ ứng xử như những con khỉ, bắt chước giảng viên, bắt chước đàn anh học làu các câu kinh điểm Mác-Lê để mong được…trèo cao. Thế thôi!
Những cán bộ cộng sản là những con người sống trong môi trường không có xương sống, đứng thẳng trong xã hội mà mong muốn thành gù. Thì thử hỏi ai ai cũng phải bắt chước loài khỉ làm theo những điều mà ông Trọng thích để có cơ hội trèo cao. Rốt cuộc, các lý thuyết gia ăn lương đảng trong Hội Đồng Lý Luận Trung Ướng cứ nói cho đã miệng, khi bầu bán xong trung ương, năm sau thế nào cũng lòi ra những con lươn, con chạch của ông Trọng.
Vì lẽ 3 tiêu chí mà đảng dựa vào để chọn “nhân tài” hoàn toàn không nằm ở năng lực hay đạo đức mà toàn là thứ phấn son giả hiệu bôi trét bên ngoài mà đảng gọi là “phẩm chất chính trị.”
– Làm gì ở thời đại này còn có chủ nghĩa Mác-Lê để làm nền tảng cho Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa, loại xã hội mà ông Trọng đã nói, 100 năm nữa cũng tìm không thấy. Vì chủ thuyết cộng sản ngày nay đã trở thành đề tài nghiên cứu trong thư viện hơn là một trào lưu tư tưởng có thể dẫn dắt xã hội tiến lên. Mô hình ấy cũng chứng minh sự sai lầm và thất bại không thể chối cãi ở Liên Xô trước đây, một bài học mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam không muốn học, nên cứ trụ vào đó để bắt dân tộc Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa trong hoang tưởng.
– Làm gì ở thời này mà dám kiên định độc lập, chủ quyền trong khi tàu chiến Trung Quốc ngang dọc trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền ngụy xưng của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nói kiên định độc lập, chủ quyền mà chưa bao giờ dám mạnh miệng tố cáo sự hung bạo của Bắc Kinh và kiện họ ra trước toà án quốc tế thì sự kiên định ấy cũng chỉ để đảng tự hào với nhau.
– Làm gì ở thời này cán bộ nào còn kiên định với cương lĩnh, đường lối đảng. Bởi dự phóng của đảng đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hoá-hiện đại hoá đã thất bại thảm hại. Nay để sửa chữa, cương lĩnh lại phóng tầm nhìn đến năm 2030 rồi 2045 là thời kỳ mà các lãnh đạo hiện nay đã an giấc ngàn thu trong giấc mơ của mình. Sự thất bại này cho thấy đường lối đảng là đường lối ăn đong từng ngày nên Việt Nam mới trở thành một nước không muốn phát triển. Thế thì cán bộ trên dưới cũng giả vờ tin theo đảng, nói theo đảng nhưng khi có dịp vơ vét được thì cứ vơ vét cho đầy túi.
Tóm lại, trước thềm đại hội 13, ông Trọng đưa ra một số phường chèo trong gánh hát gọi là Lý Luận Trung Ương để nói nhăng nói cuội và tung hô lời của Nguyễn Phú Trọng như những lời vàng ngọc. Nhưng khi suy ngẫm kỹ thì rõ ràng lươn, chạch làm sao trèo cao tới Bộ Chính Trị nếu không có ai đó nâng đỡ.
Rốt cuộc những vụ án cán bộ tham ô trong mọi ngõ ngách chính quyền cộng sản, chính là lỗi của hệ thống chính trị, mà kẻ đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính là các ông tổng bí thư qua các thời kỳ.
Phạm Nhật Bình