Trên các trang mạng xã hội gần đây có một số bài viết về hai vấn đề khác nhau. Vấn đề thứ nhất là tính cách bất hợp pháp của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) được luật sư Lê Công Định chứng minh trong một bài viết ngắn nhưng rõ ràng và súc tích (1). Vấn đề thứ hai là cái đảng bất hợp pháp đó lại hạnh hoẹ công dân Việt Nam về việc họ tiếp xúc với một đảng chính trị khác (2). Nói rõ hơn là, an ninh CSVN hoạnh hoẹ một số các nhà hoạt động xã hội, sau khi họ tham dự khóa học về công cụ truyền thông “Story Maker” do Đài Á Châu Tự do, Tổ Chức Hiến Chương 19 và đảng Việt Tân đồng tổ chức.
Cũng tham dự khoá huấn luyện, cũng do đảng Việt Tân (đồng) tổ chức; chuyện này khiến người ta nhớ lại cuộc đàn áp, khủng bố của CSVN kéo dài suốt từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2011 trên khắp ba miền đất nước sau khoá huấn luyện “Đấu Tranh Bất Bạo Động” (do Việt Tân tổ chức), và trở thành một tin nóng (vụ án14 thanh niên Công Giáo) tràn ngập trên khắp các cơ quan truyền thông Việt ngữ cũng như thế giới.
Nếu dùng công cụ tìm kiếm Google với từ khoá rõ ràng, không lẫn lộn, chẳng hạn như “vụ án 14 thanh niên công giáo” kết quả sẽ là 1,500,000 (0.40 seconds), hoặc bằng tiếng Anh với từ khoá “vietnam prison sentences of 14 activists” sẽ ra kết quả 1,370,000 (0.41 seconds), cho thấy vấn đề này “nóng” và được sự quan tâm của người Việt cũng như thế giới như thế nào!
14 thanh niên này bị bắt theo kiểu bắt cóc của quân khủng bố, sau đó bị kết án tổng cộng 83 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự, vì các hoạt động ôn hòa cổ xúy cho dân chủ, chống lại bất công xã hội, và phản đối Trung Quốc xâm lược.
Ba người bị án tù nặng nhất là:
Ông Đặng Xuân Diệu: blogger và kỹ sư xây dựng cầu đường (13 năm tù giam và 5 năm quản chế)
Anh Hồ Đức Hoà: tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ khoa tiếng Anh, là một blogger, một doanh nhân, hoạt động cộng đồng và xã hội (bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế)
Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một ký giả nhiếp ảnh. Với chức năng ký giả, cô ghi lại và chuyển tải hình ảnh trung thực của những biến cố xã hội đáng quan tâm, điển hình như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (cô bị kết án 9 năm tù giam và 3 tháng quản chế).
Trong một bài viết trên báo New York Times ngày 9/1/2013 (3), ký giả Seth Mydens đã nhận định rằng, đây là cuộc khủng bố lớn nhất của CSVN trong những năm vừa qua nhắm vào các blogger và những nhà hoạt động xã hội.
Khủng bố và tuyên truyền ngu dân vốn vẫn là hai vũ khí song hành và đắc dụng của các nhà cầm quyền cộng sản để trị dân. Từ khi internet thịnh hành thì tuyên truyền ngu dân không những ngày càng mất tác dụng mà còn tạo phản ứng ngược. Thế nhưng, với các công cụ bạo lực trong tay, từ hệ thống luật pháp đến công an, toà án, nhà tù, liệu rằng “vũ khí” khủng bố của CSVN còn tác dụng không? Vụ án 14 thanh niên yêu nước có lẽ là một “case study” để khảo sát điều này, khi người ta kiểm điểm lại phản ứng của cộng đồng Việt Nam (trong và ngoài nước), của gia đình các đương sự, của chính các đương sự và của thế giới.
Phản ứng của cộng đồng
Phản ứng này được thấy rõ ràng nhất trong những ngày xử án và tiếp diễn sôi nổi suốt mấy tháng sau đó cho đến tận nay. Hàng trăm đồng bào, người từ miền Nam ra, kẻ từ miền Bắc vào, người từ miền Trung đến,.... vượt qua đủ loại ngăn chặn dọc đường của công an để dự phiên toà được gọi là “công khai”, nhưng tất cả đều bị hàng rào an ninh dày đặc chặn ở phía trước toà án. Hình ảnh hơn 700 đồng bào đứng dưới mưa cầu nguyện trước toà án, có lẽ đã quá đủ để cho thấy sự ủng hộ của quần chúng đối với những thanh niên yêu nước, chuộng công bằng, công lý như thế nào rồi.
Tiếp theo là những buổi thắp nến cầu nguyện liên tiếp diễn ra ở nhiều cộng đồng trong cũng như ngoài nước, kéo dài suốt mấy tháng. Song song là những cuộc vận động mang tính cách ngoại vận tại những sứ quán các quốc gia có ảnh hưởng ở trong nước, cũng như vận động chính giới, dân biểu, nghị sĩ, của cộng đồng hải ngoại.
Đã có 28,400 người ký tên vào Bản Lên Tiếng đòi hỏi CSVN phải thả vô điều kiện cho họ. Trong số này có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Đức Giám Mục Cao Đình Thuyên, Hòa Thượng Thích Không Tánh, Cụ Lê Quang Liêm, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng… và rất đông các vị Linh Mục thuộc Giáo phận Nghệ An cũng như các nhà đấu tranh dân chủ.
Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc giáo phận Vinh cũng đã ra bản tuyên bố lên án việc bắt giữ nhóm thanh niên này là trái với luật lệ và Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Bản tuyên bố cũng lên án việc chính quyền không cho phép người thân của các thanh niên trên được gặp mặt thân nhân của họ.
Phản ứng của gia đình
Thời gian nhà cầm quyền CS có thể bóp chặt nhân dân trong bàn tay sắt máu của họ đã có những chuyện đau lòng như bố mẹ, thân nhân của những người trốn nghĩa vụ quân sự phải đi tố cáo nhà cầm quyền con em của họ, để không bị mất sổ gạo. Trong những năm gần đây, từ khi bùng nổ những cuộc đấu tranh yêu nước chống Trung Quốc xâm lược, chống bách hại tôn giáo, chống cưỡng chế dân oan,... thân nhân của những nạn nhân bị nhà cầm quyền bắt bớ, giam cầm, hầu hết đều đứng về chính nghĩa với con em của họ. Thân nhân của thanh niên yêu nước trong vụ án này cũng vậy. Họ không những không còn sợ sự khủng bố của đảng, mà còn tự hào về những việc làm của con em mình.
Chẳng hạn như ông Trần Đức Trường, cha của anh Trần Hữu Đức, một trong số các thanh niên bị kết án, đã có cơ hội nói với đài RFA rằng: «Gia đình nói thật rất tự hào về việc làm của con mình, hành động con cái là hoàn toàn đúng. Hành động con cái đã nói lên được tiếng nói từ lương tâm, tức là đã làm được những việc có ích cho xã hội.». Hay như anh Hồ Văn Lực, người nhà của anh Hồ Đức Hòa, sau cuộc vận động tại tòa đại sứ Canada đã cho biết rằng, đại diện các gia đình đã trình bày việc 14 anh em bị nhà cầm quyền bắt giữ là trái phép, cũng như đã nhắc tới việc được nhiều người yêu công lý-sự thật trong và ngoài nước ký tên ủng hộ trong Bản Lên Tiếng yêu cầu thả 14 thanh niên Công Giáo.
Phản ứng của chính các đương sự
Phiên xử phúc thẩm các Thanh niên Yêu nước
Do sự ngăn cản của công an không cho thân nhân các bị cáo vào toà án, nên sự ghi nhận về phản ứng của các thanh niên yêu nước trong vụ án có thể không được đầy đủ. Tuy nhiên, người ta biết anh Trần Minh Nhật đã tỏ thái độ khí khái ngay trong phiên toà qua câu nói: “Tôi không có tội nên nhà cầm quyền Việt Nam muốn bỏ tù hay làm gì thì cứ tùy thích.” Tương tự, anh Đặng Xuân Diệu đã nói trước toà rằng: “Tôi không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm nên dù nhà cầm quyền có dùng nhục hình và bản án nặng nề để hại tôi thì chính quyền đang dẫm đạp lên đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam và đó là chuyện của họ, họ phải tự chịu trách nhiệm.” Thanh niên yêu nước Thái Văn Dung cũng mạnh mẽ lên tiếng “Nếu Việt Nam có dân chủ thì tôi phải được trả tự do ngay bây giờ”.
Phản ứng của thế giới
Sau phiên toà phi pháp xử các thanh niên yêu nước, một làn sóng phản đối nhà cầm quyền CSVN đã dâng tràn khắp thế giới. Đặc biệt là các tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), chính giới, dân biểu, nghị sĩ tại các quốc gia dân chủ.
Bản tin ngày 09/1/2013 của hãng thông tấn Reuters đăng bản thông cáo của tổ chức Human Rights Watch về vụ án 14 thanh niên yêu nước với khá nhiều chi tiết về điều bị nhà cầm quyền cộng sản coi là “tội” của của mỗi nạn nhân. Chẳng hạn như ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà cùng với Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, bị cáo buộc là đã tham gia viết trang mạng “Báo Không Lề” để cung cấp tin tức và bình luận về những điều bị cấm đề cập đến trên báo chí nhà nước. Hay như Bà Đặng Ngọc Minh và con là cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn “có tội” đã viết những chữ “HS – TS – VN” (Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam) để đánh động tinh thần yêu nước của quần chúng trước sự xâm lăng biển đảo của Trung Quốc. v.v...
Ngay sau phiên toà đầu tiên xử 14 thanh niên yêu nước, trong một bản thông báo ra ngày 11/9/2011, Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lo ngại trước bản án dành cho 14 nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam. (4)
Hơn một năm sau, ngày 27/08/2012, 12 tổ chức quốc tế đã gởi thư ngỏ đến Thủ tướng CSVN yêu cầu thả tức khắc cho 17 thanh niên yêu nước, đồng thời xóa bỏ mọi cáo buộc đối với 17 bloggers và nhà hoạt động xã hội bị công an bắt giữ tùy tiện từ tháng 07/2011. Trong số các tổ chức NGO đó có: Human Rights Watch, ACAT France, Access Now, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Media Legal Defense Initiative, International Freedom Of Expression, Electronic Frontier Foundation, Front Line Defenders, Southeast Asian Press Alliance SEAPA, v.v…
Trước đó, vào hôm 12/03/2012, 9 tổ chức phi chính phủ cũng đã gởi cho Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng một bức thư ngỏ với mục đích tương tự, yêu cầu Việt Nam thả và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với 5 trong số 17 người bị bắt là Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh và Paulus Lê Sơn.
Ngày 12/3, dân biểu Quốc hội Canada, ông Wayne Marston, đã gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi phóng thích 14 thanh niên yêu nước cùng những nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam. Trong thư, dân biểu Marston nhắc nhở Việt Nam trách nhiệm phải thực thi các cam kết tôn trọng nhân quyền với quốc tế và đồng thời khuyến cáo rằng thế giới đang theo dõi thành tích nhân quyền của Hà Nội. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam giờ đây không còn có thể che mắt quốc tế về các vi phạm nhân quyền được nữa.
Ngày 25 /7/2012, Giáo sư Allen Weiner, đồng giám đốc Chương trình Stanford luật quốc tế và luật đối chiếu thuộc luật khoa Đại học Stanford, đã đệ trình lên Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về bắt giữ tùy tiện UNGWAD, thay cho các thanh niên yêu nước đang bị giam cầm.
Chương trình phát thanh ngày 28/8/2012, đài Á Châu Tư Do đã phát đi bài viết của Thanh Trúc, tường trình từ Thái Lan, cho biết, bên cạnh những tổ chức NGO đã lên tiếng đòi lại công lý cho 14 thanh niên yêu nước như đã nêu ở trên, bà Nani Jansen, cố vấn pháp lý của tổ chức Media Legal Defense Initiative, cũng đã yêu cầu thả những thành viên bloggers mà theo quan điểm của bà thì họ bị bắt một cách bất hợp pháp vì đã sử dụng quyền tự do ngôn luận.
Từ Bangkok, bà Gayathry Venkisteswaran, Giám đốc điều hành SEAPA, tức Southeast Asian Press Alliance – tức Liên minh Báo chí Đông Nam Á cũng gửi một thư ngỏ đến nhà cầm quyền CSVN bày tỏ sự quan ngại là: “Việt Nam đã áp dụng những điều luật mơ hồ, nếu không muốn nói là hồ đồ, để làm cái cớ bắt giữ và bịt miệng những người không nói không nghĩ theo mình. Đó là phạm luật, là chà đạp quyền và lợi ích của công dân.”
Từ Dublin, Ireland, giám đốc Phòng Báo Chí và Liên Lạc của Front Line Defenders, ông Jim Loughran, cho rằng đàn áp và bạo lực là điều thường xảy ra đối với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam mà “Điển hình của chuyện này là nhóm 17 người đã bị bắt và đang bị cầm tù, họ là bloggers, là công dân làm báo, là những nhà hoạt động trong cộng đồng”.
Logo của một số tổ chức nhân quyền lên tiếng đòi thả các Thanh niên Yêu nước
Kết luận
Trong “Đèn Cù”, nhà văn Trần Đĩnh viết khá nhiều về không khí khủng bố gờn gợn bao trùm khắp nước với nhiều hành vi đàn áp, bắt bớ trong suốt những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, trong nhiều chiến dịch khủng bố của nhà cầm quyền việt cộng. Lúc đó chưa có Human Rights Watch, chưa có các tổ chức phi chính phủ của thế giới chú ý đến Việt Nam, chưa có internet,v.v... nên các nạn nhân không còn cách nào hơn là chịu sự trù dập tàn tệ, hay tù ngục không biết bao giờ ra.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, với sự bắt buộc phải hội nhập vào thế giới bên ngoài, CSVN không còn có thể tự tung tự tác được nữa. Tuy rằng các nạn nhân của chế độ vẫn nhất thời bị giam cầm, tù ngục, nhưng họ không bị cô đơn như những nạn nhân của chế độ, được nhà văn Trần Đĩnh lột tả trong tác phẩm của ông.
Sự ủng hộ của thân nhân, của gia đình, của cộng đồng trong và ngoài nước đối với 14 thanh niên yêu nước, được đưa ra trong bài này, là một “case study”, để thấy rằng, “vũ khí” khủng bố của nhà cầm quyền Hà Nội nay đã giảm tác dụng rất nhiều. Những ủng hộ của gia đình các nạn nhân, của đồng bào trong nước và cả ở bên kia bờ đại dương, của thế giới, đã tạo nên một thế liên hoàn, vừa có tác động giữ vũng tinh thần của các nạn nhân (đặc biệt là đã phá vỡ thế bao vây kinh tế gia đình các nạn nhân của chế độ), vừa có tác động tạo nên sức ép nặng nề lên chế độ.
Trường hợp của 14 thanh niên yêu nước diễn ra gần như cùng lúc với sự đối kháng của những người trẻ khác như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh,... lại càng trở nên quan trọng, vì nó tiêu biểu cho sự đối kháng của thế hệ trẻ đối với chế độ.
Xin mượn 4 câu thơ của blogger Vũ Bất Khuất nói về sự khí khái của giới trẻ đấu tranh để kết thúc bài viết này.
“Bắt thì bắt, không sợ.
Tù thì tù, đã sao.
Tôi nói vì yêu nước,
Yêu quốc dân, đồng bào.”
- - -
Ghi chú:
1. https://www.facebook.com/viettan
2. https://www.facebook.com/tao.vovan.1?fref=ts
3. http://www.nytimes.com/2013/01/10/world/asia/activists-convicted-in-viet...
4. http://danluan.wordpress.com/2013/01/11/van-phong-cao-uy-nhan-quyen-lien...