Làm sao cho dân tin?

Trong hơn 80 năm tồn tại, đảng CSVN tự cho mình được giao phó sứ mạng lịch sử là độc quyền dẫn dắt dân tộc Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa… phồn vinh.

Mặc dù trong hơn 80 năm đó, đảng đã đưa hàng triệu thanh niên vào chỗ chết qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu vô ích, nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn còn mịt mù xa xôi. Cái mà đảng đem được cho người dân là sự tụt hậu trong đời sống xã hội, kinh tế, giáo dục và công lý bất công chồng chất.

Người dân Kỳ Anh biểu tình trước cổng tập đoàn Formosa Hà Tĩnh ngày 2-10-2016. Citizen photo

Cũng không ai biết thần thánh nào đã giao cho đảng cái sứ mạng to tát ấy, nhưng đảng cũng lập tức đóng đinh nó vào Điều 4 hiến pháp để khẳng định vị thế của đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đến… muôn đời.

Từ đó, đảng như một người cầm lái vĩ đại nắm toàn quyền cai trị, đứng trên luật pháp sinh sát toàn dân. Bất chấp sự bất mãn của tầng lớp bị trị thấp cổ bé miệng, đảng luôn tự hào về một điều không có thật: sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào vai trò lãnh đạo trời cho của mình.

Một mặt, đảng tự lừa dối mình và lừa dối người dân khi nói “dân tin đảng”. Mặt khác người dân thừa biết đảng nói dối và lừa bịp mình nhưng vẫn lặng lẻ tin rằng đảng nói thật. Nhưng với thời gian và sự nhận thức của người dân thay đổi, nay đã đến lúc đảng nhận ra cái gọi là niềm tin đó không còn được bao nhiêu.

Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi những cán bộ làm công tác dân vận của đảng chợt mở mắt thấy mọi sự không như họ lạc quan. Vì vậy ngày 5 tháng 1 vừa qua, Bí thư thường trực Đinh Thế Huynh đã thay mặt Bộ chính trị đến khuyến dụ các cán bộ dân vận là phải làm sao cho dân tin.

Hay nói cách khác, giờ đây đảng CSVN đã nhìn thấy sự thật: niềm tin của dân vào đảng đã xuống dốc thê thảm. Muốn chữa căn bệnh này, ông Đinh Thế Huynh kêu gọi tăng cường “quan hệ máu thịt” của nhân dân với đảng và nhà nước. Cụ thể là việc gì có lợi cho dân thì làm còn việc gì có hại cho dân thì tránh.

Kêu gọi của ông Đinh Thế Huynh nghe thì thật hay nhưng quả thật chỉ là để mị dân. Vì thực tế cho thấy trong hơn 10 năm qua, những người cộng sản cầm quyền đã chẳng những bất chấp nguyện vọng của người dân mà còn hành động ngược lại những gì họ nói. Quan hệ máu thịt giữa đảng và dân mà ông Đinh Thế Huynh nói chỉ là thứ quan hệ ngược chiều, bất bình đẳng giữa một bên là kẻ thống trị và người bị trị.

Thử nhìn lại một vài sự kiện nổi bật trong những năm trước đây để thấy đảng đã làm gì cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ngăn chặn và đàn áp biểu tình yêu nước chống Trung Cộng

Năm 2011, trước sự kiện tàu Hải giám Trung Cộng ngày 26 Tháng 6 đã ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, CSVN không làm gì ngoài những lời lẽ “cực lực phản đối” chiếu lệ. Thái độ của Hà Nội tỏ ra thần phục Bắc Kinh hết mức khiến phản ứng của người dân sau đó càng thêm quyết liệt.


Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 12-6-2011. Ảnh: Internet

Xuất phát từ lòng yêu nước, các cuộc biểu tình chống hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Đông đã diễn ra sáng Chủ nhật ngày 5 Tháng 6, tại Hà Nội và Sài Gòn.

Tiếp đến vào đầu Tháng 5, 2014, vụ Trung Cộng đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa cũng làm bùng lên những cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng trong cả hai lần cách nhau 3 năm, chính quyền cũng chỉ có đối sách duy nhất là ngăn cấm và cản trở các cuộc biểu tình chống Trung Cộng và bắt giữ một số người.

Dù rất mềm yếu với Trung Cộng nhưng khi người dân tự đứng lên biểu tình chống Trung Cộng xâm lược thì bị đảng ngăn chận và gọi đó là tiếp tay thế lực thù địch, âm mưu lật đổ chính quyền. Điều đó có làm người dân tin tưởng vào chính sách của đảng chút nào không?

Cướp đoạt đất đai nông dân

Núp dưới quy định “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”, nhà nước cộng sản đã thực hiện nhiều cuộc cưỡng chế đất đai suốt nhiều năm liền, tạo ra một tầng lớp Dân Oan đông đảo từ Nam chí Bắc. Đồng thời biến tay chân của các lãnh đạo đảng thành giai cấp tỷ phú đỏ, những cái sân sau hoạt động dưới hình thức kinh doanh bất động sản, tức buôn bán đất đai cướp được của nông dân.

Bị đẩy vào đường cùng, Dân Oan tổ chức biểu tình đòi trả lại ruộng đất bị cướp đoạt. Thế nhưng thay vì giải quyết nguyện vọng người dân theo pháp luật, đảng đã dùng bạo lực để trấn áp không nương tay. Năm 2012 đánh dấu cao điểm của sự phản kháng từ nông dân bị cướp đất. Ngày 5 Tháng 12, 2012, chính quyền huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế đầm nuôi tôm của anh Đoàn Văn Vươn nhưng bị chống trả mãnh liệt. Sau đó, vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên xảy ra hôm 24 Tháng 4, khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ khi họ cương quyết không giao đất cho tập đoàn Ecopark. Gần đây nhất, trong vụ Dân Oan Dương Nội, bà Cấn Thị Thêu lại bị bắt giữ, khép tội “gây rối trật tự công cộng” tuyên án bà 20 tháng tù giam.

Ngày nay cái gọi là “liên minh công nông” mà đảng đề cao cuối cùng chỉ là mỹ từ nhằm lợi dụng xương máu các thành phần dân tộc này. Sau khi thành công và nắm được chính quyền, đảng không ngần ngại trở mặt đẩy công nhân và nông dân vào bước nghèo khó.

Bao che Formosa trong thảm họa môi trường biển


Lực lượng Thanh Niên Xung Phong trực thuộc UBND TPHCM đã hành xử với nhân dân như kẻ thù trong ngày biểu tình phản đối Formosa 8-5-2016. Ảnh: Facebook

Từ Tháng 4, 2016, thảm họa môi trường biển do công ty Formosa gây ra, thay vì nhanh chóng kết án thủ phạm đảng lại ra sức bao che bằng mọi cách cho Formosa, bất chấp thiệt hại nặng nề người dân đang gánh chịu. Trước tình trạng ấy, người dân lại xuống đường chống Formosa, bảo vệ môi trường, đòi hỏi sự minh bạch từ chính quyền. Nhưng một lần nữa, đảng lại ngăn chận, đàn áp vì cho là thế lực xấu lợi dụng phá hoại. Đến khi người dân đi khiếu kiện ôn hòa, đòi bồi thường theo luật định, đảng lại dùng phương pháp cũ, tung công an ngăn chận vì cho là phá hoại trật tự, làm lợi cho thế lực thù địch.

Những điều trái nghịch nói trên diễn ra hầu như thường xuyên, cho thấy là càng ngày đảng CSVN càng xa rời quần chúng. Cho nên dù ông Đinh Thế Huynh có bỏ công ra sức kêu gọi, đảng cũng không thể nào làm mất đi được hình ảnh đáng phỉ nhổ là đảng “Hèn với Giặc Ác với Dân".

Tóm lại, cái gọi là “làm cho dân tin” đã biểu hiện một tâm trạng lo sợ của CSVN về sự phẫn nộ của quần chúng hiện nay có thể bùng nổ thành một cao trào quét sạch chế độ như đã từng diễn ra ở Đông Âu (1989), Bắc Phi (2011).

http://www.viettan.org/Lam-sao-cho-dan-tin.html