Lúc này nước Đức không được để mất tinh thần

WELT - Von Michael Rühle  - Nguyễn Xuân Hoài lược dịch
 
Wladimir Putin công khai nói về leo thang hạt nhân. Tác giả bài báo này là một trưởng ban của NATO, đã trả lời những câu hỏi cấp bách nhất: Mối đe dọa của Nga thực tế đến mức nào? Liệu bom nguyên tử có bảo vệ được Ukraine? Sự phòng vệ như thế nào sẽ là tốt nhất đối với nước Đức?
 
Kể từ khi Tổng thống Nga Wladimir Putin tuyên bố cách đây vài tuần rằng sự can thiệp của phương Tây vào chiến dịch chống Ukraine của ông ta có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân, các chuyên gia an ninh đứng ngồi không yên. Thủ tướng Olaf Scholz cảnh báo về nguy cơ hạt nhân nếu phương Tây bị coi là một bên tham chiến. Những người khác, từ các giáo sư đại học đến các tác giả báo "Spiegel" lại kêu gọi Đức phải tiếp cận với bom nguyên tử. Một bộ phận thuộc Viện Nghiên cứu về hòa bình của Đức, vốn cũng bị choáng váng về cuộc chiến của Putin, tiếp tục đòi khẩn thiết loại bỏ vũ khí hạt nhân để che đậy sự bất lực của họ.
 
Cuộc tranh luận gay cấn của người Đức một lần nữa cho thấy yêu sách của phương Tây sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 rằng họ muốn giải quyết sâu hơn vấn đề răn đe hạt nhân trong tương lai đã không thực sự được đáp ứng. Vẫn còn thiếu một sự lý giải trí tuệ, sáng suốt về các khả năng và giới hạn của răn đe hạt nhân. Sau đây là một số gợi ý để phân tích vấn đề đầy rắc rối này:
 
Thứ nhất, vũ khí hạt nhân vẫn là một nhân tố quan trọng trong chính trị quốc tế. Việc Nga gần như tôn thờ vũ khí hạt nhân và thường xuyên đe dọa sử dụng chúng, cũng như sự phát triển của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và Triều Tiên cho thấy rõ ràng rằng về lâu dài việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân không phải là một lựa chọn hợp lý.
 
Không phải vô cớ mà chính quyền Biden từ chối ý định ban đầu là giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính sách an ninh của mình.
 
Mục tiêu về một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn nằm trong chương trình nghị sự quốc tế, nhưng trọng tâm phải là các điều kiện mà một thế giới như vậy có thể thực hiện được. Từ đó người ta nhận thấy nay các điều kiện này chưa tồn tại trong tương lai gần. Do đó nước Đức sẽ tiếp tục phải sống trong bối cảnh chính trị được đặc trưng bởi vũ khí hạt nhân.
 
Thứ hai: Vũ khí hạt nhân đưa nền chính trị quốc tế vào kỷ luật nhưng nó không làm cho chủ sở hữu trở nên không bị tổn thương. Không thể phủ nhận những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong thời đại hạt nhân đã nẩy sinh nhiều cuộc chiến tranh thông thường nhưng chưa bao giờ có hai quốc gia có vũ khí hạt nhân lại sử dụng chúng để kình chống nhau.
 
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vũ khí hạt nhân có thể răn đe tất cả các cuộc xung đột quân sự. Một kẻ tấn công theo đuổi một mục tiêu hạn chế có thể tính đến chuyện đối thủ sẽ đáp trả ở dưới ngưỡng phản ứng hạt nhân.
Một ví dụ là cuộc tấn công của Ai Cập và Syria vào Israel hồi tháng 10 năm 1973. Mặc dù cả hai kẻ tấn công đều biết Israel sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng cả hai đã mạo hiểm tham chiến một cách hạn chế để đạt được lợi thế về chính trị. Chỉ khi sự tồn tại của Israel bị đe dọa thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân mới trở nên khả thi thì các đối thủ mới chịu buông tha cho nhau.
 
Độ tin cậy của răn đe hạt nhân không chỉ được đo bằng sức mạnh hủy diệt của những loại vũ khí này, mà trên hết là bởi các lợi ích đang bị đe dọa.
 
Vì lý do đó, các liên minh như NATO có tầm quan trọng sống còn, bởi vì chúng là tín hiệu để các thành viên coi mình có một không gian an ninh chung. Do đó, kẻ tấn công không thể kiếm lợi về chính trị thông qua một hoạt động quân sự hạn chế chống lại các đồng minh riêng lẻ mà không thể không tính đến một sự đáp trả chung.
 
Thứ ba: Những nghi ngờ về sự trung thành của Mỹ trong tương lai đối với liên minh không nhất thiết dẫn đến một "lựa chọn hạt nhân của châu Âu". Quan điểm cho rằng châu Âu có thể phá vỡ mấu chốt khó khăn nhất trong một chính sách an ninh và đối ngoại chung khi một tổng thống tương lai của Mỹ bị cáo buộc sẽ rút biện pháp bảo vệ hạt nhân đối với các đồng minh để tập trung hơn vào Trung Quốc, đây là một đánh giá sai tình hình ở nhiều khía cạnh.
 
Trong Liên minh châu Âu không có sự đồng thuận về hạt nhân mà là một bất đồng lớn về tính hợp pháp của răn đe hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của Anh không còn được cung cấp cho EU kể từ "Brexit". Ý tưởng về việc nằm dưới cái ô hạt nhân của Pháp thông qua đồng tài trợ cho các lực lượng hạt nhân của Pháp dường như là một điều còn quá xa vời.
 
Vũ khí hạt nhân của Pháp tăng thêm tính răn đe vì chúng ảnh hưởng đến tính toán rủi ro của đối thủ, nhưng chúng là "vũ khí thiêng liêng" cổ điển. Nó nhằm trước hết bảo vệ nước Pháp. Và Paris chưa bao giờ dấu giếm ý định mọi quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp luôn là một quyết định thuần túy của quốc gia.
 
Thứ tư: Hoa Kỳ vẫn là cường quốc bảo vệ hạt nhân duy nhất đối với nước Đức. Sự bảo vệ này được tổ chức trong khuôn khổ của NATO chứ không phải ở bất cứ nơi nào khác. Một sự đồng thuận hạt nhân thể hiện trong chiến lược và khả năng quân sự chỉ có thể có trong Liên minh Đại Tây Dương .
 
Trong bối cảnh liên minh cũng vậy, tổng thống Mỹ một mình quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ, và chỉ có Hoa Kỳ, có đủ quyết tâm chính trị, phương tiện tài chính và khả năng quân sự để củng cố vai trò điều tiết quốc tế của mình bằng những lời hứa đáng tin cậy về bảo vệ hạt nhân.
 
Đồng thời, những lời hứa bảo vệ này là một công cụ quan trọng của việc không phổ biến vũ khí hạt nhân vì chúng làm giảm động lực của các đồng minh trong việc tự mình trang bị vũ khí hạt nhân. Đây chính là lý do tại sao Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò này.
 
Mặt khác, bất cứ ai yêu cầu Đức phái có vũ khí hạt nhân vì người ta không muốn đợi cho đến khi Washington gửi thông báo hạt nhân đến nhà của họ, và do đó phải chủ động đề phòng, hành động như vậy có nghĩa là tự sát vì sợ chết. Mối quan hệ hạt nhân giữa Mỹ và các đồng minh mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì mà những người theo chủ nghĩa dân tộc hạt nhân mới đang đề xuất.
 
Thứ năm: Một nỗ lực để nước Đức độc lập về hạt nhân sẽ là trường hợp xấu nhất đối với vai trò của Đức trong hệ thống quốc tế. Ngay cả khi tất cả mọi người đều kêu gọi Đức cần chịu trách nhiệm nhiều hơn về chính sách an ninh, điều này chắc chắn không có nghĩa là Đức sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân. Ngược lại: làm như thế Đức sẽ tự cô lập mình trên trường quốc tế.
 
Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ không đơn thương độc mã. Và đó là lý do tại sao ngay cả một cuộc tranh luận đơn thuần về vũ khí hạt nhân cũng lợi bất cập hại cho dù có nghi ngờ chính đáng về đường lối của Nga trong tương lai.
Thứ sáu: Đức phải gắn bó với việc chia sẻ hạt nhân. Không nơi nào có sự hợp tác được thể chế hóa về các vấn đề hạt nhân, từ các tuyên bố chính trị đến các cuộc tập trận quân sự, hơn ở NATO. Khó có thể tưởng tượng được mức độ tương đồng cao hơn giữa các quốc gia có chủ quyền.
 
Thông qua vai trò của mình trong việc chia sẻ hạt nhân, Đức đang bày tỏ sự sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và rủi ro hạt nhân. Người Mỹ, và cả Đông Âu, có thể yêu cầu đối với Đức, đây là một yêu cầu chính đáng.
 
Trong bối cảnh đó, quyết định gần đây của Berlin mua F-35 của Mỹ để đảm bảo sự tham gia hạt nhân có tầm quan trọng khôn lường, đối với Đức cũng như vai trò trong tương lai của Đức trong liên minh. Vì liên minh này sẽ vẫn là liên minh hạt nhân chừng nào còn vũ khí hạt nhân.
 
Kết luận: Sự lẫn lộn hiện nay vừa thừa vừa khó tránh khỏi. Bởi vì câu trả lời cho câu hỏi nước Đức nên xác định vị trí hạt nhân của mình như thế nào đã có từ lâu. Nó có thể được tìm thấy ở đâu đó trong hơn nửa thế kỷ qua: trong sự hợp tác tin cậy trong NATO, dựa trên chia sẻ hạt nhân, trong việc tiếp tục các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngay cả khi đối mặt với những cử chỉ đe dọa của Nga, không có lý do gì để Đức bị mất bình tĩnh và mất tinh thần.
 
Ukraine-Krieg: Deutsche Atomwaffen wären Suizid aus Angst vor dem Tod - WELT
Lúc này nước Đức không được để mất tinh thần
WELT - Von Michael Rühle  - Nguyễn Xuân Hoài lược dịch