Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Cách đây gần 2 năm, theo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước được Quốc Hội cộng sản thông qua ngày 15 tháng Mười Một, 2018, những thông tin về sức khoẻ lãnh đạo đã được liệt vào phạm vi bí mật quốc gia cần được bảo vệ.
Khi đạo luật này có hiệu lực vào tháng Bảy năm nay, hôm 24 tháng Tám vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một văn bản dưới luật trong đó quy định thông tin liên quan đến các uỷ viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư trung ương đảng nằm trong danh mục: TỐI MẬT. Quyết định mang số 1295 này công bố ra, nếu như được Nhật Bản áp dụng nguyên xi có lẽ không có cuộc họp báo ngày 28 tháng Tám của Thủ Tướng Shinzo Abe.
Tại cuộc họp báo, ông Abe cho biết bệnh tình của mình, nói rõ ra là chứng viêm loét đại tràng, và ông không muốn sự suy yếu sức khoẻ đưa đến những quyết định sai lầm trong đại sự. Thủ tướng Nhật Bản cúi đầu xin lỗi quốc dân “vì không thể làm tròn nghĩa vụ” và tuyên bố từ chức thủ tướng. Đồng thời ông hứa với người dân Nhật rằng sẽ cố gắng tổ chức tuyển cử để tìm người thay thế trong vòng 3 tuần.
Thái độ của Thủ Tướng Abe quả thật là sự ứng xử của lãnh đạo một cường quốc có trách nhiệm, chẳng những của người dân Nhật Bản mà còn đối với cả thế giới. Vì người dân Nhật cũng biết rằng ông Abe dù là một lãnh đạo cao nhất chính phủ, cũng chỉ là con người. Ông đã hành xử đúng theo nguyên lý bình thường trong vòng luân chuyển “sinh lão bệnh tử,” đâu có gì phải giấu giếm.
Mặt khác nếu ông chữa xong bệnh và khoẻ mạnh trở lại, ông có thể ra ứng cử nếu còn muốn chấp chánh. Giống như một năm trong nhiệm kỳ 2006-2007 ông cũng đã phải từ nhiệm vì bệnh viêm loét đại tràng, sau đó trở lại lèo lái con thuyền chính trị Nhật Bản trong suốt 8 năm từ 2012 đến ngày từ chức.
Người dân Nhật sống trong tinh thần dân chủ tiến bộ, hãnh diện vì đất nước có những nhà lãnh đạo thật lòng và ứng xử minh bạch với dân như ông Abe. Đó là điểm sáng không chỉ ông Abe của Nhật Bản có, mà bất cứ nhà lãnh đạo nào của các quốc gia văn minh dân chủ đều phải có.
Trong khi đó nhìn lại Việt Nam, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại ban hành quy định sức khoẻ của các uỷ viên Bộ Chính Trị và uỷ viên Ban Bí Thư khoảng trên dưới 20 người, được coi là “tối mật” thật là điều dị hợm và bất thường. Những người lãnh đạo đảng CSVN lo sợ điều gì mà sức khoẻ của chính mình lại không dám công khai như Thủ Tướng Abe đã làm?
Khi xếp sức khoẻ của 20 người lãnh đạo tối cao của đảng, tức của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không biết ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng có thấy rằng họ đang đi ngược lại nguyên tắc minh bạch, xuyên suốt và quan trọng hơn là cố tình chối bỏ vòng sinh – lão – bệnh – tử thông thường?
Giá như có uỷ viên nào trong Bộ Chính Trị hay Ban Bí Thư bị mắc bất cứ thứ bệnh nào dù nặng nhẹ ra sao, thì cứ nói thẳng ra là họ đang nằm bệnh, chữa bệnh. Một thông tin đơn giản và dễ hiểu cho tất cả mọi người trong xã hội.
Thật ra người dân cũng chẳng quan tâm gì mấy tới sức khoẻ của lãnh đạo vì tất cả đã được Ban Bảo Vệ, Chăm Sóc Sức Khoẻ Cán Bộ Trung Ương chăm sóc tận tình. Người dân chỉ tò mò tìm hiểu và thông tin cho nhau khi nhà nước nói quanh co, lấp liếm. Những tin tức hoả mù về bệnh hoạn của ông này bà nọ do nhà nước độc quyền đưa ra càng kích thích người ta đồn đoán và nghi ngờ về sự không thành thật của chế độ.
Còn nếu cán bộ nào đang ở vào thời kỳ bệnh nặng họp hành không được, không tham gia công tác được thì hãy cho họ nghỉ để cho người khác thay thế. Tại sao lại cứ giữ kín để bắt người đó giữ một trách vụ mà họ không đủ khả năng chu toàn. Như trường hợp ông Đinh Thế Huynh Uỷ Viên Bộ Chính Trị khoá 12, suốt 4 năm qua không hề thấy xuất hiện và cũng không biết ông ta còn sống hay đã qua đời. Tại sao lại phải che giấu một sự thật mà ai cũng biết để làm gì, hay đảng dùng sự bí mật như trong thời kỳ hoạt động cách mạng để làm những chuyện mờ ám và coi đó là uy quyền.
Qua sự kiện Thủ Tướng Abe từ nhiệm vì bệnh và quyết định nâng lên hàng “tối mật” sức khoẻ của lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN cho ta thấy mấy điều:
Một, đảng CSVN thật sự rất khinh thường người dân, chẳng những vậy còn coi đảng viên của họ cũng không ra gì. Sự đạo diễn của đảng bao trùm cả những cái chết gần đây của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang hay sự vắng mặt mờ ám của Đinh Thế Huynh minh chứng cho quyền lực độc tôn đối với mọi thành phần đảng viên. Trước những sự không minh bạch, người dân suy đoán tìm hiểu thì chế độ cho là “nói xấu lãnh đạo.”
Hiện nay tình trạng sức khoẻ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang trong tình trạng mập mờ dưới sự kềm toả của đảng, khiến dư luận lấy đó làm một đề tài đàm tiếu, chê cười trên các trang mạng xã hội. Ngay chính bản thân ông Trọng, dù đi có người dìu cũng không có can đảm và sự thành thật của một nhà lãnh đạo, dám tuyên bố từ chức như Thủ Tướng Abe của Nhật Bản.
Hai, cho đến thế kỷ 21, đảng CSVN vẫn cố tình sống trong sự bưng bít, úp úp mở mở và coi đó như một chính sách khôn ngoan. Đảng bất chấp xã hội loài người đã và đang thay đổi theo hướng ngày càng minh bạch, xuyên suốt. Điều này cho thấy đảng CSVN luôn luôn tự mâu thuẫn và làm trái lại những gì họ hô hào toàn dân phải tin theo.
Ba, thành phần lãnh đạo trong Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư là đám người say mê quyền lực tuyệt đối. Họ che giấu và dựa vào nhau để giữ quyền, trao quyền cho nhau theo lề lối độc tôn phe nhóm, không chấp nhận sự thay đổi có lợi cho đất nước.
Hơn bao giờ hết, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu phát triển và xây dựng để trước hết bắt kịp các quốc gia trong khối ASEAN, sau nữa có một vị trí xứng đáng trên thế giới. Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam ngoài miệng thì kêu gào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cách mạng công nghiệp 4.0 mà trong hành động thì luôn luôn giữ kín mọi chuyện trong sự bí mật. Vậy thử hỏi làm sao đất nước tìm thấy ánh sáng để tiến lên?
Phạm Nhật Bình