Liên tiếp các vụ tự tử tại Tòa nói lên điều gì?

Thao Ngoc|

Trong những năm qua, liên tiếp diễn ra các vụ án oan sai tại nước ta làm dư luận rất phẫn nộ. Đến nỗi có người đã nói rằng, Việt Nam không những là cường quốc dân oan về đất đai, mà còn là cường quốc các vụ án oan do ngành tư pháp gây ra.

Sau khi ông Phước chấp nhận dùng cái chết để chứng tỏ mình vô tội thì các cán bộ tòa án họp báo sau đó vẫn nói rằng họ xét xử công tâm, đúng người đúng tội và không sai.
Tuy nhiên, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án này. Điều đáng nói là kẻ gây ra tai nạn làm chết người trong vụ án này vừa có nồng độ cồn vượt mức cho phép, không có bằng lái xe, thì chỉ phạt vi phạm hành chánh. Còn ông Phước là nạn nhân thì bị kết án 3 năm tù.

Và ngày hôm qua (11/6), tại Hà Nam, do không đồng tình với 2 bản án sơ thẩm của TAND huyện Lý Nhân và phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Ch. đã dùng xăng thiêu mình tại sân UBND xã Hợp Lý và tử vong sau đó.

https://lsvn.vn/ha-nam-tu-tu-vi-khong-dong-tinh-voi-phan-qu…

Những điều đó chứng tỏ ngành tư pháp đã thất bại và cần nhanh chóng được cải tố, đổi mới.

Ông Huỳnh Văn Nén, “người tù thế kỷ”phải chịu 17 năm tù oan, đã nói một câu rất sâu sắc và ý nghĩa: “Chỉ cần tù oan một ngày là đã tan nát cả một cuộc đời”.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy trình giải quyết vụ án hình sự gồm 3 bước.Là điều tra, truy tố và xét xử. Trong đó quá trình tiến hành điều tra là quan trọng nhất. Hầu hết các vụ án oan sai đều xuất phát từ những sai sót của quá trình điều tra.

Vì muốn lập thành tích để được khen thưởng nhờ phá án nhanh, để được lên sao lên vạch, hoặc vì những động cơ nào đó, các điều tra viên đã bức cung, nhục hình buộc bị cáo phải nhận tội. Các bị cáo vì không chịu nổi những đòn tra tấn rất chuyên nghiệp, đã được huấn luyện rất bài bản của các chuyên gia, do sợ chết trong trại tạm giam, nên đã viết các bản cung do điều tra viên đọc, để hy vọng sống sót chờ ngày ra tòa phản cung,rằng do bị bức cung nhục hình nên phải nhận những tội mình không phạm.

Đến khi ra tòa, mặc dù bị cáo chối tội và nói do bị bức cung nên phải nhận tội. Nhưng quan tòa lại nói rằng bị cáo nói bị bức cung là không có cơ sở, và các lời khai của bị cáo đã thể hiện bị cáo đã nhận tội. Và câu nói chết người “án tại hồ sơ” được chưng ra. Vậy là kết án oan.
Điều quan trọng nữa là vai trò luật sư không được coi trọng.

Theo LS Ngô Ngọc Trai(đoàn luật sư Hà Nội): “Ở giai đoạn điều tra, luật sư không được chủ động vào trại giam gặp bị can, việc gặp phải có sự giám sát của điều tra viên, nếu cơ quan điều tra không cho phép thì trại giam sẽ không cho gặp.

Trong khi đó pháp luật quy định khi dự cung luật sư chỉ được hỏi khi được điều tra viên cho phép. Luật quy định việc giải thích các quyền và nghĩa vụ cho bị can là thẩm quyền của điều tra viên. Nếu luật sư chen vào tranh thủ nói với bị can rằng là bị can được quyền trình bày lời khai, thì bị sự ngăn cản của điều tra viên. Quá trình hỏi cung nếu luật sư thấy có sự gò ép, mớm cung mà lên tiếng bày tỏ không đồng tình thì bị quy cho là gây khó khăn cho việc điều tra. Bộ LTTHS 2015 quy định việc hỏi cung không được ghi âm ghi hình, nên rất khó khăn cho luật sư.

Vì những hanh chế như thế cho nên dù người ta ngồi tù oan hàng chục năm, nhưng đến khi tổ chức xin lỗi thì chỉ làm qua loa mươi lăm phút cho có là xong.

Điều trớ trêu là những kẻ gây oan sai trong những vụ án oan này, từ điều tra viên, công tố viên cho đến quan tòa, đều nhởn nhờ ngoài vòng pháp luật, hoặc cùng lắm chỉ bị kiểm điểm hoặc “rút kinh nghiệm sâu sắc” là xong. Còn tiền bồi thường cho người bị oan sai lại lấy từ tiền thuế, là mồ hôi xương máu của dân.

Có ý kiến đề xuất rằng: Nếu xử oan sai một vụ án, thì Chánh tòa phải chịu 50 % mức tù mà chính Chánh toà đã tuyên, và trả 50 % tiền bồi thường cho nạn nhân. Nếu tù tử hình oan thì chánh án phải tù từ 15 đến 20 năm đúng như tử tù, (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân”.

Nhưng đó chỉ là những ước mơ. Còn hiện tại, tuy nhà nước đã và đang có chủ trương cải cách nền tư pháp. Nhưng như vậy chưa đủ.

Chừng nào vẫn chưa chấm dứt tình trạng”án bỏ túi”, chừng nào tòa án chưa hoàn toàn được độc lập trong khâu xét xử, chừng nào các điều tra viên còn được trao quá nhiều quyền hành, chừng nào vai trò luật sư vẫn được coi như là vật trang trí làm đẹp phiên tòa.v.v. Thì chừng ấy những vụ án oan sai vẫn sẽ chưa chấm dứt.

Cách đây khoảng hai thế kỷ, khi thấy bọn sư sãi dốt nát nhưng muốn khoe tài nhố nhăng trên chùa, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết:

“Ai về nhắn nhủ phường lòi tói
Muốn sống mang vôi quét trả đền”

Thao Ngoc 12/6