Liệu Việt Nam có thể trở thành “kỳ tích Châu Á?”

Tân Phong - Web Việt Tân|

Được cho là một trong những nền kinh tế hiếm hoi có chỉ số GDP tăng trưởng dương trong thời đại “cúm Tàu,” nhiều báo chí nước ngoài vừa qua đã khen ngợi về thành tích chống dịch hiệu quả và đà tăng trưởng kinh tế nổi bật của Việt Nam. Trên tờ New York Times hôm 13 tháng Mười, đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, tác giả Ruchir Sharma đã có những lời tán dương “Việt Nam giống như phép màu từ một thời kỳ đã qua, đang hướng đến xuất khẩu để vươn lên sự thịnh vượng” và đặt ra tựa đề bài viết như một khả năng để ngỏ “Is VietNam the next ‘Asian Miracle’?”

Cuối tháng Chín, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings công bố một dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng GDP là 1,9% trong năm 2020 và 11,2% trong năm 2021. Với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo vừa nêu, S&P Global Ratings xếp hạng Việt Nam đứng thứ nhì, sau Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) cũng vừa công bố báo cáo về cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) năm 2020. Trong báo cáo này, ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Báo cáo Triển Vọng Kinh Tế Thế Giới của IMF cũng đưa ra dự đoán GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD và trở thành nền kinh tế thứ 4 ở Đông Nam Á.

Kể ra việc so sánh nền kinh tế của một quốc gia gọi là “rừng vàng, biển bạc,” tài nguyên phong phú, có bờ biển dài hơn 3000 km và dân số gần 100 triệu dân với một quốc đảo mà tài nguyên tự nhiên còn không có cả nước ngọt, dân số chưa đầy 5,5 triệu dân như Singapore thì quả là khập khiễng. Với những đánh giá dựa trên tiêu chí tăng trưởng GDP và xuất cảng, báo chí nước ngoài đang nhìn nhận tích cực về nền kinh tế của đất nước hình chữ S. Nhân đó, giới chức cầm quyền Việt Nam tha hồ “ngạo nghễ” và coi đó là thành tựu vượt bậc, là “phép màu” của những “đỉnh cao trí tuệ” cộng sản.

Việc đánh giá sức mạnh của nền kinh tế đơn thuần dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng GDP và xuất cảng đối với một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI), trong khi năng suất lao động vẫn ở mức rất thấp, ngày càng cách xa với những nước như Malaysia, Singapore, Đài Loan trong khu vực thì phải nói là nhận xét quá hời hợt. Tuy vậy, những đánh giá này lại dễ dàng đánh lừa một số người bàng quan và có thể là “phép màu” cho những tham vọng chính trị của các phe đảng ở Việt Nam trong giai đoạn “nhạy cảm” hiện tại. Đó quả là một sự “trùng hợp” thú vị?

Cần nhắc lại vào giai đoạn 2005 – 2007, Việt Nam cũng đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục trên 7,5% GDP. Khi đó rất nhiều báo chí và tổ chức xếp hạng kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam như một “con hổ mới của Đông Á,” là “ngôi sao đang lên” của Châu Á… Đây cũng là giai đoạn mà đầu tư công, mức bơm tiền kỷ lục trong nhiệm kỳ của ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ ít năm sau đó, không những chính phủ ông Dũng đã tiêu hết sạch tiền, để lại khối nợ công khổng lồ với những đại công trường dang dở, dự án ma từ Bắc chí Nam. “Ngôi sao Việt Nam” chưa kịp sáng, đã lịm tắt.

Công thức “tăng trưởng” của ông Dũng khi đó cũng giống hệt như của ông Nguyễn Xuân Phúc hiện tại. Tuy nguyên nhân và hoàn cảnh quốc tế có khác, nhưng tham vọng chính trị vẫn đóng vai trò quyết định các chính sách kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hoàn toàn nhờ bơm tiền, đầu tư công tràn lan kém hiệu quả và phụ thuộc khối doanh nghiệp FDI.

Để trả lời cho câu hỏi để ngỏ của Ruchir Sharma “Is VietNam the next ‘Asian Miracle’?” chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất và các đặc tính của nền kinh tế “tư bản hoang dã” mang tên “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam. Nó khác gì với những nền kinh tế dựa vào nhà nước ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan hay Trung Quốc? Ngoài ra, các yếu tố mang tính đặc thù khác cũng gián tiếp tác động không nhỏ tới nền kinh tế như hệ thống giáo dục đào tạo, văn hóa và thể chất, tâm lý của người Việt Nam mà trong khuôn khổ của bài viết không thể đề cập tới.

Kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam khác gì với các nền kinh tế dựa vào nhà nước ở các quốc gia Đông Á và Trung Quốc?

Nền kinh tế Việt Nam tồn tại rất nhiều nghịch lý và có vẻ không tuân theo các qui luật kinh tế. Tính phi quy luật của nó xuất phát từ sự méo mó của thị trường, hệ thống hành chính quan liêu khổng lồ nhũng lạm, cũng như chịu nhiều tác động ngoại lực chi phối. Điều này khiến cho các dự đoán kinh tế ngắn hạn của nhiều chuyên gia, học giả kinh tế nổi tiếng cũng có thể sai lệch. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế và buộc phải chấp nhận các luật chơi chung, thì câu chuyện hoàn toàn khác.

Để tìm hiểu bản chất nền kinh tế có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam, phải bắt đầu từ cội nguồn nơi sinh ra những lý thuyết và mô hình kinh tế xã hội đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tới những não trạng của giới chóp bu cộng sản cũng như các yếu tố nội tại của hệ thống kinh tế, chính trị Việt Nam. Những thay đổi của địa chính trị thế giới và khu vực ảnh hưởng tới các khuynh hướng chính trị, phe phái ở Việt Nam và chi phối tới hình thái kinh tế của quốc gia hình chữ S này như thế nào?

Con đường thay đổi nền kinh tế ở Việt Nam có những đặc thù riêng. Những cuộc “cải tiến, cải lùi” kinh tế theo mô hình Xô Viết, Trung Quốc hay các quốc gia Đông Á cũng đều được Hà Nội áp dụng thử nghiệm nửa vời, hình thức nhưng kém hiệu quả hơn nhiều. Có thể ví von nền kinh tế Việt Nam là một nồi lẩu hổ lốn, được nấu bởi một gã đầu bếp vụng về, có thói quen ăn bớt tiền chợ là thể chế CSVN.

Nền kinh tế dựa vào nhà nước phiên bản 1.0: Liên Xô

Xô Viết là một hình thái kinh tế xã hội hoàn toàn dựa vào Nhà nước, chịu sự chi phối toàn diện bởi thể chế chính trị và bộ máy hành chính kiểu kim tự tháp khổng lồ. Nền kinh tế chỉ huy này đã từng đạt được những bước phát triển và thành tựu đáng kinh ngạc và trở thành nền kinh tế số 2 thế giới trước khi sụp đổ vào những năm cuối của thế kỷ trước. Bí ẩn về sự tăng trưởng của Liên Xô chỉ có thể được giải mã nếu xem xét từ khía cạnh thể chế.

Theo đánh giá của Phương Tây, GNP thực tế của Liên Bang Xô Viết tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 5,4% giai đoạn 1928 -1940, 6% giai đoạn 1950 -1960 và 5,1% giai đoạn 1960 -1970. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của các nước công nghiệp hàng đầu trong cùng kỳ trước khi lao dốc xuống còn 3,7% giai đoạn 1970 -1980 và 2% giai đoạn 1982 -1984. Trong vòng 55 năm từ 1928 -1984, kinh tế Liên Bang Xô Viết tăng trưởng bình quân 4,3% trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ là bình quân 3,1% (Gregory và Stuart, 1994).

Lời giải cho sự tăng trưởng thần kỳ đó của Liên Xô là do sự mở rộng nhanh chóng các yếu tố đầu vào. Một nền kinh tế có thể đạt được tăng trưởng sản lượng nhanh hơn nếu có nhiều vốn và lao động được đưa vào sản xuất hoặc thông qua cải tiến kỹ thuật công nghệ. Theo kinh tế học thì tăng trưởng nhờ vốn và lao động là tăng trưởng theo chiều rộng, còn tăng trưởng nhờ cải tiến khoa học công nghệ được gọi là tăng trưởng theo chiều sâu. Thông qua tăng trưởng theo chiều sâu, các nhân tố đầu vào được sử dụng hiệu quả hơn.

Trong khi Liên Xô đạt được mức tăng trưởng cao nhờ tăng trưởng theo chiều rộng thì Hoa Kỳ tăng trưởng theo chiều sâu bởi những cải tiến khoa học công nghệ. Khoảng 64% tăng trưởng GNP của Liên Xô giai đoạn 1928 -1966 nhờ vào mở rộng các yếu tố đầu vào và chỉ có 36% còn lại là do cải tiến kỹ thuật. So sánh với Hoa Kỳ cùng thời gian đó, 33% tăng trưởng dựa vào các yếu tố đầu vào và 67% là do cải tiến khoa học công nghệ.

Vấn đề ở đây không phải tăng trưởng theo chiều rộng là điều gì xấu mà là tính không bền vững của nó. Một đất nước không thể mở rộng liên tục với tốc độ cao các yếu tố đầu vào chủ yếu nhờ vốn và lao động. Việc tăng trưởng theo chiều rộng dường như là một đặc điểm chung của các nền kinh tế phát triển sau. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cần dịch chuyển một lượng lớn lao động nhàn rỗi từ nông thôn ra thành thị. Điều quan trọng là quá trình tăng trưởng theo chiều rộng phải có khả năng chuyển đổi thành tăng trưởng theo chiều sâu và thời gian chuyển đổi này là bao nhiêu lâu có ý nghĩa quyết định.

Lịch sử đã cho thấy sự bất lực của nền kinh tế Liên Xô trong việc chuyển đổi quá trình phát triển theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Tính phi thị trường và được điều hành bằng mệnh lệnh hành chính của nền kinh tế chỉ huy đã tạo ra mức tăng trưởng cao trong giai đoạn đầu nhờ huy động hiệu quả các yếu tố đầu vào đã trở thành lực cản không thể vượt qua nổi trong giai đoạn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu sau này.

Một nhà máy ở Magnitogorsk thời Sô Viết (1930). Ảnh: Internet

Là một nền kinh tế không có thị trường, khu vực công nghiệp tiêu dùng bị coi nhẹ và kém phát triển, bị cô lập bởi, toàn bộ xã hội Xô Viết được tổ chức và thiết kế như một quân đội khổng lồ, lấy công nghiệp nặng làm trọng tâm và có mức độ chuyên môn hóa cao. Những đặc điểm này đã mang lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong một giai đoạn nhất định nhưng chính điều đó đã khiến nền kinh tế mất đi tính năng động và không có khả năng tìm ra các hướng phát triển công nghệ mới trong tương lai. Mất đi “lợi thế thông tin,” con tàu Liên Xô đã đi vào vùng biển đầy sương mù mà không có la bàn. Như Hayek đã lập luận từ cách đây rất lâu rằng không một cơ chế tập trung hóa nào có thể thu thập và xử lý các thông tin tản mát về nhu cầu sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu một cách hiệu quả như thị trường tự do.

Trong khi đó, Phương Tây đã tập trung phát triển các ngành kỹ thuật hóa chất, vật liệu mới, khoa học máy tính, tự động hóa… thì Liên Xô vẫn đặt trọng tâm phát triển công nghiệp nặng và tăng trưởng theo chiều rộng. Những thành tựu kinh tế, khoa học và quá trình phát triển bền vững, liên tục của Phương Tây được cho là nhờ vào thị trường tự do, công nghiệp tiêu dùng, các ngành dịch vụ hỗ trợ cho giao dịch như bảo hiểm, tài chính, marketing… Một xã hội và nền kinh tế tự do đảm bảo tính năng động, sáng tạo tốt nhất. Do đó, nó có thể phát hiện và nắm bắt những xu hướng thị trường và kỹ thuật tiên phong. Trong khi một nền kinh tế chỉ huy và một xã hội khép kín, quan liêu như Liên Xô thì không thể có khả năng đó. Những nỗ lực bám đuổi theo Phương Tây của Liên Xô trong giai đoạn những năm cuối thập niên 1980 đã không đem nhiều kết quả và khoảng cách trở thành vĩnh viễn khi “đế chế Đỏ vĩ đại” sụp đổ vào cuối thế kỷ 20.

Mặc dù vậy, mô hình kinh tế Liên Xô đã đạt được những thành tựu không thể chối bỏ và những ưu điểm nhất định của nó đã trở thành một mô hình mẫu cho rất nhiều quốc gia phát triển sau phân tích và học tập. Thất bại của những kẻ đi trước có thể là bài học cho những kẻ đi sau khôn ngoan nhìn nhận và đạt được thành công. Các nước Đông Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan là những quốc gia có nền kinh tế dựa vào nhà nước nhưng có những khác biệt căn bản trong mức độ can thiệp của nhà nước vào thị trường và vấn đề sở hữu tư nhân. Có thể coi đó là một hình thái cao hơn, bền vững và hiệu quả hơn phiên bản cũ ở Liên Xô.

Phiên bản 2.0 của các quốc gia Đông Á

Thành công của khu vực Đông Á về phát triển kinh tế được thế giới ghi nhận và gọi là Sự thần kỳ Đông Á. Tám nền kinh tế phát triển cao bao gồm Nhật Bản, “4 con hổ” là Hong Kong, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc và 3 nền kinh tế mới NIE là Thailand, Indonesia và Malaysia. Tính trung bình trong 4 thập niên 1950 -1990, những nền kinh tế này đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn cả Liên Xô thời kỳ huy hoàng nhất. Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và giữ ngôi vị này nhiều thập kỷ trước khi bị mất vào tay Trung Quốc năm 2019.

Ngoại trừ Hong Kong là một nền kinh tế hoàn toàn tự do và có lịch sử hình thành phát triển khác biệt với phần còn lại của Châu Á. Các quốc gia Đông Á khác còn lại đều học hỏi mô hình phát triển hướng về xuất khẩu, dựa vào nhà nước của Nhật Bản và đạt được những thành tựu vượt trội. Bình quân thu nhập đầu người của các quốc gia này đạt mức ngang bằng với các nước phát triển OECD vào cuối thế kỷ 20. Những nước thuộc nhóm NIE cũng áp dụng chiến lược tương tự và thu hẹp khoảng cách thu nhập so với các quốc gia phương Tây.

Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng các nền kinh tế Đông Á có những khác biệt cơ bản so với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô bởi chúng chủ yếu dựa trên vào sở hữu tư nhân.  Đặc điểm này đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế hơn rất nhiều so với nền kinh tế chỉ huy như Liên Xô. Mặc dù tăng trưởng của các quốc gia Đông Á ở thời gian đầu cũng phụ thuộc vào việc mở rộng các yếu tố đầu vào. Nhà nước đóng vai trò điều phối và định hướng lĩnh vực sản xuất, phát triển công nghiệp quốc gia với các chế độ kế hoạch hóa 5 năm/lần. Nhiều nghiên cứu cho thấy chính phủ Nhật Bản đã đóng vai trò đầu tàu trong hoạch định chính sách phát triển công nghiệp của nước này và cơ quan trực tiếp lèo lái con tàu kinh tế, khoa học công nghệ của Nhật Bản là MITI – Bộ Công Thương và Đầu Tư Nhật Bản. Các cơ quan nhà nước đã giúp các ngành công nghiệp thế mạnh của Nhật như chế tạo ô tô, bán dẫn, vi tính, điện tử dân dụng… có những phát triển vượt bậc. Tuy vậy, trong những năm 1990, người ta chứng kiến sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản kéo dài với mức tăng trưởng bằng 0 trong hơn một thập kỷ. Trong thời gian đó, Phương Tây đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Thị trường tự do đã chứng tỏ tính năng động và sáng tạo vượt trội so với trí tuệ dựa vào Nhà nước.

Thành tựu rực rỡ của nền kinh tế Nhật Bản đã được các quốc gia học hỏi trong đó có Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng nhất. Những năm 1960, chính phủ Hàn Quốc tập trung chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho 6 ngành công nghiệp chiến lược là sắt thép, chế tạo máy, luyện kim màu, đóng tàu, điện tử và hóa dầu. Chính phủ hoạch định chiến lược đầu tư tổng thể và triển khai chúng thông qua việc kiểm soát tín dụng, thuế, trợ cấp và thuế quan. Những công ty tư nhân lớn trong các lĩnh vực trọng điểm này được các chuyên gia chính phủ khách quan đánh giá và lựa chọn ra các doanh nghiệp ưu tú nhất. Chính phủ hỗ trợ tối đa cho các công ty này và phát triển thành các Chaebol. Mối quan hệ giữa chính phủ và các Chaebol là mối quan hệ hữu cơ khăng khít. Đó là mô hình “công ty quốc gia” hết sức thành công như Samsung, Hyundai, Daewo – trở thành “tam trụ cột” và là động lực phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc.

Xưởng đóng tàu thuộc Hyundai Heavy Industries ở Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Chung Sung-jun/ Getty Images

Đối với Singapore, bước phát triển kỳ diệu đưa một quốc đảo nghèo, có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam, trở thành một con hổ của Châu Á là do chính phủ Lý Quang Diệu đã có được những quan chức trí tuệ kiệt xuất, những chuyên gia hàng đầu về kinh tế và công nghệ đóng vai trò định hướng công cuộc hiện đại hóa đất nước ở mọi giai đoạn phát triển. Một trong những cơ quan tập trung nhóm tinh hoa ưu tú đó là Ủy ban phát triển kinh tế. Thay vì hậu thuẫn các tập đoàn công nghiệp trong nước, chính phủ Singapore coi việc thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài do các doanh nghiệp FDI là chiến lược then chốt trong công cuộc công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu trong những năm 1960.

Chính phủ Singapore tiếp nhận cái tập đoàn quốc tế một cách chọn lọc. Ban đầu là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đến những năm 80s, chính phủ ưu tiên các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác, hóa chất, điện tử cao cấp, công nghệ sinh học, quang điện… Chính phủ của Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã tạo ra một môi trường kinh doanh cực kỳ hấp dẫn, thuận lợi, nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, đồng thời đầu tư mạnh vào hạ tầng, liên tục nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. Singapore sử dụng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân như một ngôn ngữ thứ 2 từ rất sớm và điều này mang lại ưu thế cạnh tranh lớn cho đội ngũ lao động của Singapore ở Châu Á.

Đài Loan là một phiên bản lai giữa mô hình kinh tế phát triển dựa vào nhà nước ở giai đoạn những năm 50-80 và dần chuyển thành nền kinh tế tự do cuối những năm 1990. Những năm 50s, chính phủ Đài Loan thành lập Ủy ban đầu tư và phát triển công nghiệp đóng vai trò định hướng cho quá trình phát triển kinh tế thông qua các chính sách đầu tư, ngoại thương và thuế khoá. Những năm 60s, nhà nước quyết định chiến lược chuyển hướng đặt trọng tâm từ xuất khẩu sang chế tạo và chính sách “ngoại tranh, nội bảo” giống như Nhật Bản. Những năm 80s, sự định hướng của nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao như bán dẫn, sản xuất vi tính, linh kiện… đã chứng tỏ tính đúng đắn và viễn kiến của các nhà lập chính sách kinh tế vĩ mô Đài Loan. Các doanh nghiệp Đài Loan hiện đang ở top dẫn đầu thế giới trong công nghệ bán dẫn, điện tử, tự động hóa và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi nền kinh tế và khoa học phát triển đến mức độ cao, chính phủ Đài Loan đã chủ động nhanh chóng rút khỏi vai trò định hướng và để thị trường tự do tự quyết định. Được ví như “Isarel vùng Đông Á,” mô hình phát triển kinh tế, khoa học công nghệ của Đài Loan có thể nói là một mô hình mẫu phát triển hết sức thành công, có tính bền vững, khắc phục được những nhược điểm của các nền kinh tế dựa vào Nhà nước trước đó, rất đáng nghiên cứu và học hỏi.

Phiên bản Trung Quốc

Trung Quốc là một quốc gia cộng sản và ý thức hệ cộng sản bao gồm các lý thuyết kinh tế chính trị của các “lãnh tụ cộng sản” như Lê Nin – Mác – Mao Trạch Đông có tác động chi phối đối với hình thái kinh tế của quốc gia. Trước giai đoạn cải cách kinh tế năm 1978, nền kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế chỉ huy giống như Liên Xô nhưng kém phát triển hơn, mức độ chuyên môn hóa thấp hơn nhiều.

Các cuộc “đại nhảy vọt” huy động toàn bộ nguồn lực xã hội vào xây dựng, phát triển công nghiệp nặng của Mao Trạch Đông không những không đạt được tăng trưởng và các thành tựu khoa học kỹ thuật như Liên Xô, ngược lại nó trở thành đại thảm họa cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Bị giam cầm trong cái lồng ý thức hệ và nỗi ám ảnh về việc đảng bị mất quyền lực chi phối, kiểm soát toàn diện xã hội, các nỗ lực tìm con đường phát triển kinh tế bằng việc tháo bỏ gông cùm cho kinh tế tư nhân đều thất bại.

Đặng Tiểu Bình. Ảnh: Internet

Mọi việc chỉ thay đổi khi Đặng Tiểu Bình nắm được quyền lực và tiến hành các cuộc cải tổ kinh tế vào những năm 1978 theo hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các đặc khu kinh tế ven biển phía Nam và Đông Nam, cho phép kinh tế tư nhân phát triển trong các lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ. Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước SOE vẫn đóng vai trò chủ chốt và nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, khai khoáng, viễn thông, tài chính, luyện kim, chế tạo máy, hàng không… song nền kinh tế đã chuyển đổi mạnh mẽ từ một nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế mở, đa thành phần và hướng trọng tâm vào xuất khẩu.

Câu cách ngôn nổi tiếng của Đặng “Không cần biết mèo trắng, mèo đen, miễn bắt được chuột là mèo tốt” thể hiện sự chú trọng tính hiệu quả và thực dụng thay vì những nguyên tắc cứng nhắc theo hệ ý thức hệ cộng sản cũ kỹ. Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi đã thay đổi các thể chế kế hoạch ngay cả khi cốt lõi của sở hữu nhà nước chưa thay đổi.

Với vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước, Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng phi thường trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20. GDP tăng 7 lần từ 145 tỷ Mỹ Kim vào năm 1978 lên hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2000. Con số này năm 2019 đã là 14.360 ngàn tỷ Mỹ Kim (gấp 14 lần sau 20 năm) và Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới theo tiêu chí xếp hạng GDP.

Tăng trưởng bình quân của Trung Quốc cũng tương đương mức tăng trưởng của các quốc gia Đông Á trong nhiều thập niên liên tiếp. Điểm khác biệt của Trung Quốc so với các nền kinh tế Đông Á là mức độ can thiệp thị trường của nhà nước ở Trung Quốc lớn hơn và sở hữu tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế và tranh cãi. Những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc vẫn thuộc sở hữu nhà nước và các tập đoàn tư nhân như Huawei thực chất cũng vẫn do các các “bố già Trung Nam Hải” nắm quyền định đoạt.

Trong hai thập niên đầu tiên của quá trình cải cách, họ Đặng chủ yếu tập trung vào cải cách nông nghiệp, mở cửa ngoại thương, đầu tư nước ngoài, tự do hóa giá cả theo “hai lộ trình” đối với các thị trường sản phẩm nông nghiệp, phân quyền cho các vùng và cải cách chính sách tài khóa, từng bước công nhận kinh tế tư nhân, cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Nhà nước. Những kết quả đạt được rất tích cực dù biện pháp cải cách còn đơn giản.

Ví dụ như “hệ thống trách nhiệm của hộ gia đình” đã trao cho hàng triệu nông dân phần đất đai canh tác riêng trong một thời gian dài, sau nhiều thập niên canh tác tập thể kém hiệu quả theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Thay đổi mang tính cách mạng này trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại 70% lao động có việc làm, không những giải quyết được vấn đề lương thực trong nước, mà còn xuất khẩu. Đây chính là hình mẫu cho những cải cách nông nghiệp “khoán 10” ở Việt Nam trong những năm 80s mà CSVN bắt chước theo chứ cũng không phải là một phát kiến gì mới mẻ.

Trung Quốc tiến hành công nghiệp hóa trên cơ sở cải cách các doanh nghiệp nhà nước, từng bước thay đổi các cơ chế quản trị, tài chính, thị trường… điều đó rất khác biệt với các quốc gia Đông Á sử dụng lực lượng doanh nghiệp tư nhân làm nòng cốt. “Kinh tế tư nhân” là cụm từ mà Trung Quốc thậm chí còn tránh dùng tới tận đến thập niên 90. Tuy vậy, trên thực tế, tư nhân được khuyến khích trong các lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, dịch vụ, buôn bán phân phối nhỏ lẻ… Khối kinh tế này từ con số 0 vào năm 1978 đã đóng góp 23% GDP vào năm 2003.

Tiền thân của những doanh nghiệp tư hùng mạnh của Trung Quốc hôm nay phần lớn xuất phát điểm từ những cơ sở sản xuất, dịch vụ ở cấp hương trấn, rất nghèo nàn, lạc hậu thập niên 80s, 90s. Khi Đặng đi thăm Singapore, đã ấp ủ những “cải cách” theo mẫu hình của Lý Quang Diệu – “một nhà nước chuyên chế tư bản” thay thế cho nhà nước chuyên chính vô sản đã lỗi thời.

Sự thành công phi thường của nền kinh tế Trung Quốc ngoài việc vận dụng Nhà nước như một công cụ phát triển, các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và đặt trọng tâm vào xuất khẩu… phải kể đến sự đóng góp to lớn của “chìa khóa vàng” Hong Kong. Nền kinh tế Hong Kong rất khác biệt với tất cả phần còn lại của Châu Á. Đây là một thị trường tự do mẫu mực, hội tụ tất cả các đỉnh cao về sản xuất tiêu dùng, chế tạo, dịch vụ… một di sản vô giá về hệ thống luật pháp, các chuẩn mực quản trị, kế toán, tài chính, ngân hàng, quyền sở hữu… mà Phương Tây đã để lại Châu Á. Đây chính là cửa ngõ để Trung Quốc bước ra thế giới sau thời gian dài bị cô lập. Đồng thời, Hong Kong là nơi cung cấp Vốn, Công nghệ và Kiến thức thị trường, quản trị doanh nghiệp cho Trung Quốc đại lục trong giai đoạn cải cách kinh tế. Không có những yếu tố cốt tử này, Trung Quốc mãi mãi không có ngày hôm nay.

Chỉ riêng các doanh nhân gốc Hoa ở Hong Kong đã đầu tư vào Trung Quốc bằng tất cả các đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản, Anh… cộng lại trong những năm 80 -90s. Thập niên 80s, hơn 20 tỷ Mỹ Kim vốn được các doanh nhân Hong Kong mang về đầu tư vào Quảng Đông. Khoảng 95.000 dự án và cơ sở sản xuất vừa và nhỏ chuyển từ Hong Kong sang Quảng Đông. Năm 2001, đầu tư từ Hong Kong vào Trung Quốc lục địa đạt 16,7 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần đầu tư của Hoa Kỳ trong cùng thời điểm.

Ngoài ra, cũng cần phải có đánh giá và nghiên cứu chuyên sâu tác động của các “quốc sách” mà Trung Quốc cộng sản đảng âm thầm thực hiện. Đó là những chính sách thao túng tiền tệ, trộm cắp và cưỡng đoạt các bí mật công nghệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, mua chuộc các cơ cấu quốc tế, thao túng truyền thông và lũng đoạn nền chính trị của nhiều quốc gia khác… để giành ưu thế cạnh tranh không lành mạnh trên trường quốc tế mà các lãnh đạo của Hoa Kỳ, EU đã công khai vạch mặt Trung Quốc Cộng Sản Đảng. Những thủ đoạn đen tối này được một nhà nước chuyên chế hùng mạnh thực hiện một cách hệ thống, tất nhiên đóng một vai trò không nhỏ đằng sau sự phát triển thần kỳ hơn 4 thập kỷ vừa qua.

Và công cuộc “cải tiến, cải lùi” ở Việt Nam sẽ đi tới đâu?

Nếu như cùng một quãng thời gian 4 thập kỷ tiến hành cải cách kinh tế theo mô hình dựa vào nhà nước, hướng về xuất khẩu, các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đều đã trở thành các nền kinh tế phát triển, có trình độ khoa học công nghệ cao. Đối với Trung Quốc, nỗ lực cải cách từ thời Đặng Tiểu Bình cũng đã biến đổi một Trung Quốc nghèo đói trở thành nền kinh tế số 2 thế giới… thì “phép màu” này đã không diễn ra ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ đạt được mức tăng trưởng của các quốc gia Đông Á và không bền vững. Biểu đồ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1990 tới nay cho thấy tăng trưởng luôn đi theo hình Sin. Mức tăng trưởng cao nhất sau “Mở cửa” là vào năm 1995, với mức tăng 9,5%. Mỗi khi đạt “đỉnh,” Việt Nam lại “tụt dốc không phanh” và phải mất 10 năm để leo lên một “đỉnh” khác, thấp hơn nhiều so với “đỉnh” trước đó.

Trong giai đoạn trước 1990, giới chức CSVN luôn biện hộ cho sự yếu kém của nền kinh tế XHCN bởi lý do bị chiến tranh tàn phá và đế quốc Mỹ cấm vận. Song sự thực, Việt Nam là quốc gia nhận được viện trợ nước ngoài lớn nhất trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài vũ khí và phương tiện chiến tranh, Miền Bắc Việt Nam được các quốc gia XHCN giúp phát triển công nghiệp nặng như thủy điện, luyện kim, chế tạo máy, dệt may, nhuộm, giấy…

Miền Nam được các nước Phương Tây giúp phát triển công nghiệp nhẹ và lực lượng doanh nghiệp tư nhân cũng đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật. Nền kinh tế sản xuất tiêu dùng và dịch vụ của miền Nam Việt Nam khi đó là hình mẫu phát triển cho các quốc gia Đông Nam Á. Đáng tiếc thay, “di sản” quí báu này đã bị người cộng sản hủy hoại trong chớp mắt bởi các chính sách ngu xuẩn sau 30 tháng Tư, 1975 khiến quốc gia rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi các nguồn viện trợ nước ngoài không còn.

Về cơ bản, có hai hệ thống kinh tế xã hội tác động lớn tới Việt Nam là hệ thống của Liên Xô giai đoạn trước 1986 và mô hình Trung Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ. Giới chức CSVN đã bắt chước và áp dụng các chính sách cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc một cách dè dặt và nhiều tranh cãi cho tới tận ngày hôm nay.

Sau hơn 30 năm “Mở cửa,” Việt Nam vẫn là quốc gia kém phát triển, tăng trưởng kinh tế vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng bằng việc huy động thêm vốn, lao động. Nền kinh tế chủ yếu vẫn là gia công đơn giản, khai thác tài nguyên thô. Nền khoa học kỹ thuật yếu kém và hệ thống giáo dục quốc dân tồn tại quá nhiều tệ nạn, lạc hậu. Chất lượng đào tạo thấp khiến chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Bình quân GDP/đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Đông Timor và Myamar! Mặc dù tăng trưởng GDP được đánh giá tích cực trong những năm gần đây nhưng khoảng cách tuyệt đối về tỷ số GDP/đầu người so với các quốc gia khác trong khu vực lại ngày một xa hơn.

Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam là một bản sao chép vụng về, một phiên bản thấp hơn và kém hiệu quả hơn so với của mô hình Trung Quốc. Việt Nam lấy lực lượng doanh nghiệp nhà nước làm “xương sống” phát triển cho nền kinh tế và là đối tượng thực thi các chính sách cải cách cũng như cải tiến công nghệ. Nhưng hiệu quả của “cải cách” quá yếu kém, khối doanh nghiệp nhà nước ngày một sa sút, không thể cáng đáng vai trò “chủ đạo” dù được đầu tư nguồn lực khổng lồ cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân nội địa bị chèn ép và đối xử bất công cũng như chịu đựng một chế độ thuế khóa tàn nhẫn, đầy rẫy tiêu cực đến mức không thể lớn nổi!

Trong giai đoạn 2000 – 2010, giới chức CSVN tham vọng xây dựng các Chaebol như của Hàn Quốc bằng việc đầu tư lớn vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như như Vinashin, Vinalines, Vinachem, Vinacomin… Tất cả những tập đoàn này đều trở thành những cái hang chuột không đáy, thua lỗ nặng nề và để lại Núi Nợ khổng lồ. Giới chóp bu Ba Đình cũng mong muốn xây dựng một “siêu bộ” có chức năng tương tự như MITI (Bộ Công Thương và Đầu Tư Nhật Bản) đảm trách việc hoạch định, tập trung nguồn lực vào những ngành trọng tâm như đóng tàu, xi măng, mía đường, thủy điện, luyện kim, hóa chất…

Nhưng hãy nhìn vào những “thành tích” tàn phá nền kinh tế của Bộ Công Thương Việt Nam trong hai thập niên vừa qua. Hầu hết những đại dự án do bộ Công Thương quản lý đều thất bại thảm hại, trở thành những đống sắt vụn ngàn tỷ. Bộ Công Thương là cơ quan làm tốt nhất việc biến Việt Nam trở thành… bãi rác của Trung Quốc. Tất cả các dự án năng lượng, luyện kim, khai khoáng… đều bị Bộ Công Thương ép buộc phải nhập và sử dụng công nghệ lạc hậu từ anh bạn vàng 4 Tốt, để lại những hậu quả khôn lường về kinh tế cũng như môi trường về lâu dài!

Các cơ quan tư vấn như Ban Kinh Tế TW, Ban Kinh Tế Tư Nhân, tổ tư vấn kinh tế chính phủ… của CSVN đều lập ra theo hình mẫu “ủy ban phát triển kinh tế” của Singapore hay “ủy ban đầu tư và phát triển công nghiệp” của Đài Loan. Nhưng những cơ quan tư vấn này hoặc không đảm bảo tính khách quan, độc lập hoặc không đủ năng lực để tạo ra những chính sách “cải cách” thực sự.

Có thể nói, quá trình “cải cách kinh tế” của giới chức CSVN giống như câu chuyện “đẽo cày giữa đường.” Sau mỗi giai đoạn sao chép vụng về một hình mẫu phát triển nào đó không đạt hiệu quả như kỳ vọng, họ lại chuyển sang một mô hình mới. Họ thiết lập các cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức… hình thức giống hệt với mô hình mẫu. Vấn đề nghiêm trọng ở đây là tất cả cơ cấu và chính sách cải cách đều mang lại kết quả rất hạn chế. Tại sao lại như vậy?

Hầu hết những nỗ lực “cải tiến, cải lùi” này đều nửa vời hoặc tính hình thức. Nó là sản phẩm duy ý chí của một “lãnh tụ” cộng sản nào đó tùy thời điểm. Do đó, nó là một “mode thời trang” của các phe nhóm chính trị. Mode của giai đoạn 2016-2020 là “mode Singapore,” sau khi các “mode Hàn Quốc” yêu thích của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bị vứt bỏ. Khi thực hiện “Cải cách,” các nhà lập chính sách kinh tế vĩ mô không xét đến những thuộc tính và các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam, mà phụ thuộc vào “quyết tâm chính trị” và “khẩu vị” của phe nhóm mạnh nhất trong đảng và chính phủ. Chưa kể đến quốc nạn tham nhũng và bộ máy quan liêu khổng lồ, có hiệu năng cực kỳ thấp ở Việt Nam. Chỉ riêng điều này thôi cũng khiến cho nỗ lực cải cách từ trên xuống của giới chóp bu rơi vào đầm lầy của tệ nạn nhũng nhiễu và trì trệ ở địa phương và các bộ ngành.

Và như vậy, mọi nỗ lực “cải cách” để phát triển nền kinh tế Việt Nam giống như vũ điệu cha cha cha, cứ tiến một bước lại lùi hai bước. Tất nhiên, nhờ đầu tư nước ngoài và xuất cảng của khối doanh nghiệp FDI, những bảng thành tích về kinh tế vĩ mô vẫn được tô hồng, quả bóng tăng trưởng được bơm lên bằng tín dụng và đầu tư công vẫn lung linh cho đến khi vỡ toang khi Núi Nợ đổ ụp xuống đúng vào thời điểm diễn ra suy thoái toàn cầu.

Sẽ không có một “kỳ tích Châu Á” nào cả và đó là câu trả lời cho Ruchir Sharma.

Bài viết có tham khảo những luận cứ trong “The Paradox of Catching up” của tác giả Li Tan, nhà xuất bản Macmillan, 2005.

Tân Phong
https://viettan.org/lieu-viet-nam-co-the-tro-thanh-ky-tich-chau-a/

Bài trước: Nền kinh tế “3 chân, còn 1” và khả năng trở thành “kỳ tích Châu Á”