Loại trừ tin nhiễu liên quan tới EVFTA

Cuộc điều trần EVFTA - Nhân quyền của EU tại Bỉ vào tháng 10 năm 2018.

Thục-Quyên - (VNTB)|

EVFTA là chữ tắt của European Union-Vietnam Free Trade Agreement/Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu Châu và Việt Nam.

Mạng lưới Người bảo vệ Nhân quyền VETO! đã tổ chức một buổi thuyết trình ngày 18.05.2019 tại Bad Vilbel (gần Frankfurt), nhằm đưa tin tức chính xác liên quan đến những ràng buộc nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu Châu và Việt Nam(1), đồng thời trình bày những cơ sở pháp lý VETO! đã dựa vào để vận động hữu hiệu với Liên minh Âu châu (LMÂC) trong một năm rưỡi qua, hầu đưa cao trọng trách của EVFTA trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
 
EVFTA và những ràng buộc nhân quyền
 
Nói tới Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu Châu và Việt Nam EVFTA thì phải nói tới:
- PCA Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện,
- FTA Hiệp định Thương mại, và
- IPA Hiệp định Bảo hộ Đầu tư.
PCA là hiệp định với khung luật và cơ chế hoạt động ràng buộc vững chắc về Nhân quyền. FTA và IPA chịu sự ràng buộc nhân quyền định rõ trong PCA và đồng thời những cam kết đối với những luật nhân quyền quốc tế.
Vi phạm nhân quyền là vi phạm đến bản chất của PCA, FTA và IPA.
Như vậy, chiếu điều 57 PCA, vi phạm bản chất của PCA, FTA và IPA có thể dẫn đến việc chế tài, kể cả ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ những Hiệp định FTA và IPA.
 
Chỉ sau khi được Nghị viện ÂC phê chuẩn, FTA mới thực sự đi vào hiệu lực
 
FTA cần sự phê chuẩn của Nghị viện Âu châu.
 
IPA cần sự phê chuẩn của tất cả 28 quốc hội của các quốc gia thành viên trong Liên minh Âu châu (27 quốc gia sau Brexit).
Hiện nay tin đồn EVFTA (FTA và IPA) có thể được “thông qua” hoặc “ký kết” chỉ vô tình hay cố ý gây ra hiểu lầm. Đây chỉ là dự tính của Hội đồng Bộ trưởng LMÂC đem FTA và IPA ra cứu xét vào ngày 28.05.2019 để quyết định có cho phép ký hay không. Và dù quyết định thuận, dù những cơ quan trách nhiệm có gặp gỡ để ký kết, FTA và IPA cũng chưa có hiệu lực.
FTA phải chờ Nghị viện Âu châu phê chuẩn và IPA phải chờ được toàn thể các quốc hội các nước thành viên LMÂC phê chuẩn. Việc phê chuẩn IPA có thể cần nhiều năm. Do đó mọi chú ý hiện nay phải nên được dồn vào quyết định của Nghị viện Âu châu đối với FTA.
 
VETO! hỗ trợ việc thực hiện những khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định EVFTA
 
Sự tôn trọng các quyền con người là một bộ phận quan trọng của EVFTA và vi phạm các quyền này là một vi phạm nguyên tắc của thỏa thuận.
 
Kể từ khi triển khai thực hiện Hiệp định PCA vào năm 2012 và kể từ khi kết thúc đàm phán EVFTA vào năm 2016, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi một cách đáng kể: số lượng người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ và bị kết án vẫn đang tăng đều đặn, dù trong lĩnh vực tự do tôn giáo, ý kiến, báo chí hoặc hiệp hội, khiến chính Nghị viện Âu châu đã lên tiếng đặt vấn đề rất nhiều lần.
1. Trong tình huống này, quyết định của EU phải được dựa vào các hành động chứ không phải là lời hứa của Việt Nam trong quá trình phê chuẩn EVFTA.
 
2. VETO! đưa ra 4 yêu cầu để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh nhân quyền trong mục tiêu của Hiệp định.
 
Điều 1. EU chỉ nên phê chuẩn EVFTA sau khi Việt Nam phê chuẩn ba công ước cốt lõi ILO 87, 98 và 105, và ban hành Luật Lao động, cũng như Luật Công đoàn hoặc hiệp hội phù hợp.
 
Công ước ILO 87 về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập phải được ký đầu tiên để bảo đảm việc thực thi đứng đắn những công ước: Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về chống lao động cưỡng bức.
 
Điều 2. Trả tự do trước khi ký EVFTA cho tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam đã bị bắt hoặc bị kết án kể từ khi hoàn tất PCA, đặc biệt là những người trong danh sách quan tâm của Nghị viện ÂC.
 
Điều 3. Phải thiết lập một cơ chế đền bù và giúp đỡ nạn nhân trong trường hợp bị tước đoạt bất hợp pháp quyền sở hữu bất động sản hoặc tài sản di động.
 
Điều 4. Phải thiết lập cơ chế đánh giá tác động của các phiên Đối thoại Nhân quyền EU-VN, với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ độc lập (NGO).
 
Cơ chế này (nhân quyền) phải được thêm vào các cơ chế hiện hành đánh giá những chính sách thương mại của EVFTA. Trong trường hợp vi phạm nguyên tắc điều 57 của PCA, trong đó bao gồm các vi phạm nhân quyền, phái đoàn Đối thoại NQ phải khuyến cáo Ủy ban Hỗn hợp EU-VN áp dụng các biện pháp thích hợp để sửa sai và tránh tái phát.
 
Tình trạng hiện nay
 
Dưới áp lực của những XHDS và một số dân biểu Nghị viện ÂC, ngày 10/10/2018, Ủy ban INTA (Thương mại Quốc tế) của Nghị viện ÂC đã tổ chức một buổi điều trần công khai về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam(2).
Những dân biểu giữ những chức vụ then chốt trong các ủy ban của Nghị viện ÂC đã lên tiếng mạnh mẽ, đưa vấn đề tôn trọng cũng như bảo vệ nhân quyền là điều kiện phải có, để Nghị viện ÂC có thể phê chuẩn EVFTA.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể, tiến trình phê chuẩn đã bị đình trệ. Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 đã ngưng nhóm họp và LMÂC sẽ bầu nghị viện mới từ ngày 23 tới 26.05.2019.
Sau bầu cử, Nghị viện nhiệm kỳ 9 sẽ cần thời gian để tổ chức(3):
 
Ngày 24.06.2019 Các khối đảng thông báo chánh thức thành phần của họ.
Ngày 01.07.2019 Nghị viện nhiệm kỳ 8 chính thức chấm dứt nhiệm kỳ.
Ngày 02.07.2019 Lễ bàn giao giữa các Nghị viện nhiệm kỳ 8 và 9.
Và cho tới tháng 10.2019 là thời gian để thành lập những Ủy ban để bắt đầu làm việc.
Dự tính hiện nay là mùa thu 2019 Nghị viện nhiệm kỳ 9 mới có thể họp bàn về EVFTA.
Trước đó, những nhóm XHDS, những tổ chức phi chính phủ quan tâm đến khía cạnh nhân quyền của EVFTA, nên tránh mất thì giờ vì những tin nhiễu và liên lạc sớm để vận động các nghị viên trúng cử.
 
T.Q.
__________
Chú thích: