Luật Magnitsky với “ngu dốt tầm đỉnh cao”

Hình minh hoạ. Người dân với các khẩu hiệu phản đối phiên toà xét xử dân oan Cấn Thị Thêu ở Hà Nội hô, 20/9/2016 - Reuters

Đồng Tâm - rfa.org|

Luật Magnitsky – tên chính thức: “Russia and Moldova Jackson-Vanik Repeal and Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act of 2012” – là dự luật được thông qua tháng 12/2012, bởi Quốc hội Mỹ. Dự luật được Tổng thống Obama ký ngày 14/12 cùng năm, nhằm trừng phạt các quan chức Nga chịu trách nhiệm về cái chết của kế toán thuế Nga Sergei Magnitsky trong nhà tù Moskva năm 2009. Năm 2016, “Đạo luật Global Magnitsky Act” (tên rút gọn của Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) được ban hành, áp dụng không chỉ ở Mỹ, mà mở rộng ra quy mô toàn cầu, ủy quyền cho chính phủ Mỹ xử phạt những ai bị coi là vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản và cấm họ vào Mỹ.

Công cụ và phương tiện hữu hiệu?

Đạo luật Magnitsky nói trên – liệu có thể trở thành công cụ và phương tiện hữu hiệu đối với quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ – khi ban hành và áp dụng liệu có thể giám sát, chế tài tốt hơn những hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam? Một số nhà quan sát hiện nay đang trăn trở, làm cách nào để quốc tế có biện pháp chế tài hiệu quả hơn đối với quá trình vi phạm nhân quyền trong nước? Năm ngoái, từ châu Âu, vào ngày 25/9/2020, một nhóm 64 dân biểu thuộc EU đã ký một bức thư chung gửi lên Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu kêu gọi EU phải có những biện pháp cụ thể để buộc Việt Nam phải tôn trọng dân chủ – nhân quyền.

Tiến thêm bước nữa, hôm 7/12/2020, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua một quyết định mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên thiết lập khuôn khổ trừng phạt nhân quyền toàn cầu, gọi là Đạo luật Magnitsky, nhằm chế tài những cá nhân và tổ chức vi phạm và xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trên toàn thế giới, thông qua việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh. Tên đầy đủ của đạo luật mới này là “Cơ chế của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu”, viết tắt bằng tiếng Anh là EUGHRSR. Quyết định mang tính đột phá này của EU được ban hành nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày LHQ thông qua Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, hay là Ngày Nhân quyền 10/12/1948 – 10/12/2020.

Trước đây, chưa từng có nhiều quốc gia hưởng ứng Đạo luật Magnitsky. Lúc đầu có Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Gibraltar, Jersey và ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva là những nước đi tiên phong. Hiển nhiên, giờ đây có thêm một số các nước khác, như Australia và Liên minh châu Âu ban hành Đạo luật Magnitsky, thì những quan chức vi phạm nhân quyền ở các nước độc tài như Việt Nam sẽ đối mặt với khả năng bị trừng phạt cao hơn, nhiều nơi hơn. Liên quan đến kỳ vọng này, phải nhắc đến báo cáo về vụ việc (trong đêm 9/1/2020) và phiên toà xử 29 người (hôm 7/9/2020) vụ Đồng Tâm tại Việt Nam, được soạn thảo song ngữ Việt – Anh, do một nhóm các nhà hoạt động công bố.

Theo những người trực tiếp viết báo cáo, các mục tiêu chính khi họ thực hiện hành vi ấy: Một là lưu trữ, ghi lại một biến cố bi thảm ở Việt Nam đương đại. Hai là, làm cho càng nhiều người càng tốt biết về vụ khủng bố Đồng Tâm, những vấn đề luật pháp, chính trị trong tiến trình tố tụng ở Việt Nam, những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà Đồng Tâm là trường hợp tiêu biểu. Ba là, nếu có thể, đem đến một công cụ cho các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế tận dụng để vận động cho vấn đề Đồng Tâm, cho các nạn nhân của vụ Đồng Tâm. Một trong những tác giả của báo cáo này là cô Phạm Đoan Trang, hiện đã bị bắt và bị cầm tù trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo.

Hình minh hoạ. Người dân Đồng Tâm tại phiên toà xét xử ở Hà Nội hôm 7/9/2020. TTXVN

Đồng Tâm là vụ án nghiêm trọng, nhưng không phải theo cách dựng chuyện của chính quyền, mà nghiêm trọng theo nghĩa đây thực chất là vụ nhà nước giết dân, tấn công vào mục tiêu dân sự một cách có tổ chức và quy mô. Những luật sư bào chữa trong phiên toà diễn ra ở Hà Nội cho biết, các kiến nghị và khiếu nại của họ đều bị Hội đồng xét xử bác bỏ. Trong khi đó, người thân của 29 bị cáo bị lực lượng công quyền kiểm soát chặt chẽ, không được dự phiên toà. Những ngày sắp tới – kỷ niệm một năm biến cố đầy máu, nước mắt của dân và những âm mưu thâm độc nhưng ngu dốt của chính quyền – liệu xã hội dân sự ở Việt Nam có dấy lên được những hồi chuông nào để cảnh báo?

Không chỉ ngu dốt mà còn tàn bạo

Tính đến ngày cuối cùng của năm 2020, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức hầu như đã tuyệt thực đến ngày thứ 40 trong tù mà chính quyền vẫn phớt lờ. Tương tự như nhà báo Phạm Đoan Trang, nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng vừa bị bắt. Nếu như Phạm Đoan Trang đi sâu bình luận giải thích về những vấn đề dân chủ – nhân quyền, thì Trương Châu Hữu Danh dấn thân đột phá hầu hết các sự kiện nóng trên cả nước. Cách thức tác nghiệp của Hữu Danh cũng bản lĩnh khác người là tận dụng mọi phương tiện kỹ thuật từ máy ảnh, điện thoại, flycam, ghi âm... dùng mọi loại hình truyền thông, video clip, hình ảnh để chuyển tải tới công chúng những thông tin sinh động, trực quan.

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) cũng vừa công bố báo cáo năm 2020 và chỉ ra rằng, Việt Nam bị xếp hạng thứ 5 trên thế giới về kỷ lục bắt giam các nhà báo. RSF cho biết, Việt Nam hiện đang cầm tù 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers. Những điều khoản được áp dụng để xử những nhà yêu nước này là các điều 117 và điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, với những tội danh mơ hồ như “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu… nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thường được đưa ra để truy tố và kết án các nhà báo và bloggers.

Nhưng giờ đây, với “Đạo luật của EU về Trừng phạt Vi phạm Nhân quyền Toàn cầu” (EUGHRSR), 27 quốc gia thành viên có thể chế tài bất cứ cá nhân hay tổ chức nào vi phạm nhân quyền ở VN và trên thế giới. Thủ tục dự trù có 3 biện pháp chế tài đối với thủ phạm: phong tỏa tài sản của thủ phạm, cấm thủ phạm nhập cảnh vào các quốc gia EU, cấm chuyển tiền cho các thủ phạm. Đối tượng có thể là các cá nhân, hoặc tổ chức, doanh nghiệp và ngân hàng, được liệt kê với 12 tội danh, chia thành các nhóm tội và thủ phạm đương nhiên bị chế tài như diệt chủng, tra tấn, hành vi trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc vi phạm quyền tự do hội họp, vi phạm quyền tự do ngôn luận, vi phạm quyền tự do tôn giáo.

Khối EU thông qua Kế hoạch EUGHRSR với một sự đồng thuận tuyệt đối để bày tỏ quyết tâm chống vi phạm nhân quyền trên quy mô toàn cầu. Với thủ tục mới này thì không còn một thủ phạm nào trên toàn thế giới có thể an tâm được nữa, vì 27 quốc gia EU sẽ liên kết với Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc để đan thành một mạng lưới chế tài rộng khắp toàn hành tinh. Khi EU thực thi Luật Magnitsky chế tài kẻ thủ ác vi phạm nhân quyền, sẽ mang lại hy vọng và cơ sở luật pháp quốc tế cho phong trào nhân quyền Việt Nam. Từ trước đến nay, Hà Nội ký rất nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, hàng năm họ đều báo cáo (láo) rằng, họ thực hiện tốt. Nhưng trên thực tế, Việt Nam đâu có nhân quyền.

Liên quan đến quyền lập hội chẳng hạn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thề sẽ không cho phép hình thành các hội, tổ chức đối lập. Bất cứ tổ chức dân sự độc lập nào ra đời, công an đều dựng thành án và bắt đi tù, như Nhóm Hiến pháp, Hội Anh em Dân chủ, Liên minh Dân tộc Việt Nam, hay gần đây là Hội Nhà báo Độc lập, Nhà Xuất bản Tự do… Các quyền khác như quyền biểu tình, quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt… cũng vậy. Chính quyền bỏ tù với những tội danh rất phi lý. Nay có một đạo luật trừng phạt những quan chức chịu trách nhiệm để khống chế họ khi đi ra nước ngoài, phong tỏa tài sản… thì may ra việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam mới có tương lai.

Ngày 31/12/2020, thầy giáo Thái Bà Tân viết bài thơ mới để phản đối cái gọi là cấm dân bàn tán về nhân sự tứ trụ. Trước hiện tượng lần đầu tiên trong lịch sử, ĐCSVN đặt phương án nhân sự cao cấp của đại hội, đặt vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền vào hạng “Tuyệt Mật”, Thái Bá Tân đã mạnh mẽ phê phán: “Cái gì cũng tuyệt mật/ Thật lạ cái nước ta/ Tức là cũng tuyệt mật/ Quan hệ với Trung Hoa. / Tuyệt mật việc đàm phán/ Bán đất, bán biển trời/ Tuyệt mật để thằng bán/ Được tôn vinh muôn đời? / Thế mà vẫn lem lẻm/ Dân biết, dân kiểm tra/ Đố ai hiểu não trạng/ Thằng lãnh đạo nước ta. / Mà chúng sợ gì nhỉ?/ Dân biết thì đã sao?/ Tiên sư thằng lãnh đạo/ Ngu dốt tầm đỉnh cao!”

Liệu Đạo luật Magnitsky sẽ là thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng hay Bộ trưởng Tô Lâm hoặc từ dàn lãnh đạo mới sau Đại hội 13 nếu có vị nào đó “ngu dốt tầm đỉnh cao” – Những người trước sau sẽ nghĩ ra đủ cách để hãm hại thầy Thái Bá Tân?

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/magnitsky-act-and-new-height-of...