Cầu không vận Berlin - (Cầu hàng không Berlin)
Nhiều người không biết rằng cách đây 71 năm, trong mùa hè 1948 đã diễn ra cầu hàng không lớn nhất trong lịch sử
Thành phố Tây Berlin với hơn 2,2 triệu dân, nằm lọt thỏm trong Đông Đức XHCN, được nuôi sống bằng 75% hàng hóa từ Tây Đức. 25% còn lại là nông sản, nguyên liệu từ các vùng nông thôn Đông Đức. Theo thỏa thuận Potsdam, Tây Đức và Đồng minh được phép sử dụng 5 đường tàu hỏa, 5 đường cao tốc và 3 hành lang bay để vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa Tây Đức và Tây Berlin. Nhưng từ đầu năm 1948, Liên Xô đã bắt đầu chặn dần các đầu mối giao thông đường bộ đường sắt đi vào Tây Berlin. Người dân Đông Đức cũng hết đường bán nông sản, củi đốt cho Tây Berlin.
Sáng sớm 24.6.1948, Tư lệnh quân đồn trú Liên Xô tại Đông Đức ra lệnh cắt điện, nước từ các nhà máy phía đông sang các quận phía tây. Các nhà máy điện, nước tây Berlin vẫn làm việc, nhưng nguồn nguyên liệu chỉ dự trữ cho vài tuần. Chính quyền Tây Berlin có tính đến khả năng những cuộc khủng hoảng ngoại giao nên đã dự trữ nhiều thứ: Ví dụ như thuốc men đủ cho 6 tháng, xăng dầu đủ cho 4 tháng. Nhưng Tây Berlin là điểm dừng chân cho dòng người tỵ nạn từ khắp Đông Đức đổ về để đi sang Tây Đức. Trước khi bức thành Berlin được dựng lên hôm 13.8.1961, người Đông Đức nào muốn chạy sang Tây Đức mà không phải đi qua biên giới Đông-Tây Đức đầy mìn và dây thép gai, thường đến Đông Berlin (như kiểu ta lên thủ đô thăm Hồ Gươm), rồì lén qua phố bên kia sang Tây Berlin. Từ đó họ xin tỵ nạn và đươc chuyển bằng máy bay về Tây Đức. Do vậy đúng vào lúc Berlin bị phong tỏa đường bộ, đường sắt vào buổi trưa cùng ngày, dự trữ thực phẩm của thành phố chỉ còn đủ cho 5 tuần. Nguy hiểm nhất là than sưởi và than cho nhiệt điện chỉ đủ cho 30 ngày.
Mục tiêu của Stalin là gây sức ép để phương tây từ bỏ quyền chiếm đóng Tây Berlin. Nhưng ông ta đã nhầm.
Mỹ, Anh và Đồng Minh đã tiến hành một cuộc không vận tiếp tế lớn nhất trong lịch sử, không phải chỉ để cứu 9000 lính Mỹ, 7600 lính Anh và 6100 lính Pháp đang đóng ở đó, mà để duy trì cuộc sống của Tây Berlin, được coi là thành trì của „Thế giới tự do“ trong lòng CHXH. Tham gia vào chiến dịch này gồm hàng ngàn máy bay, chủ yếu của không quân Mỹ và Anh. Các nước Úc, Tân Tây Lan, Canada và Nam Phi cũng gửi máy bay tham gia.
Pháp tuy là cường quốc chiếm đóng Đức, nhưng đang vướng chiến tranh Đông Dương nên chỉ cử vài chiếc “Bà già” chở hàng sang cho quân Pháp ở Tây Berlin. Để góp phần, Pháp cho phép xây sân bay thứ ba là Tegel, ngay trên vùng chiếm đóng của họ. Ngày 5.11.1948, công binh Pháp đã bàn giao sân bay với đường băng 2,42 km, được coi là dài nhất châu Âu ngày đó, cho phép máy bay vận tải hạng nặng hạ cánh và cất cánh. Sân bay Tempelhof được chia sẻ tải trọng từ đó. Còn sân bay Gatow chỉ là một bãi cỏ hạ cánh cho máy bay nhỏ.
Cho đến lúc này, hàng ngày sân bay Tempelhof phải đón nhận hàng trăm máy bay vận tải các loại. Ngày cao điểm 13.8.1948 được gọi là “Ngày thứ sáu đen” vì 700 máy bay vận tải bay đen kịt bầu trời Tây Berlin để chờ hạ cánh với tần suất 2 phút một chiếc. Ở mặt đất, công nhân bốc vác làm việc với cường độ điên cuồng, rút ngắn thời gian dừng lại của mỗi máy bay từ 75 phút xuống còn 30 phút. Trên trời, máy bay phải bay thành nhiều độ cao, cách nhau 500m để không bị lạc ra khỏi 3 đường hành lang hẹp mà lực lượng phòng không Liên Xô cho phép. Đã có những cuộc tập trận bắn đạn thật của cao xạ Liên Xô dọc theo đường biên của hành lang bay. Ban đêm tỉnh thoảng đèn thám không bỗng chiếu sáng để gây rối mắt cho phi công.
Sau khi thêm sân bay Tegel, hàng ngày, khoảng 1000 chuyến bay từ các sân bay Tây Đức tới Tây Berlin. Trong thời gian 11 tháng, đã có 277.569 chuyến bay, vận tải 2.1 triệu tấn hàng hóa. Người ta vận chuyển tất cả, từ khoai tây, rau xanh, sữa, muối… để nuôi sống thành phố. Berlin vốn là môt trung tâm công nghiệp nên cũng cần vận chuyển hàng hóa sản xuất ra thị trường. 74.000 tấn hàng đã được xuất đi. Nhưng quan trọng nhất là gần 1,5 triệu tấn than đá, than nâu được vận chuyển bằng máy bay: Những cân than đắt như vàng đó đã cứu sống tây Berlin trong mùa đông 1948-1949.
Tuy huy động một lực lượng khổng lồ như vậy, trung bình mỗi ngày Berlin chỉ nhận được khoảng 7000 tấn hàng tiếp tế, trong khi nhu cầu trước đó của thành phố vốn đã bị tàn phá nặng nề là 10.000 tấn/ngày. Do vậy dân chúng Tây Berlin phải thắt lưng buộc bụng rất nhiều suốt trong thời gian bị phong tỏa. Khẩu phần tem phiếu được duy trì từ năm 1945, nay lại bị siết thêm. Nạn nhân chịu hậu quả nặng nhất tất nhiên là các em nhỏ.
Lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tempelhof, anh phi công Mỹ Gail Halvorsen bỗng nhìn thấy những em bé đứng bên đống gạch vụn đổ nát bên ngoài đường băng đang vẫy tay. Đứa nào cũng gầy gò, thiếu ăn. Anh đến gặp bọn trẻ và hứa sẽ mang cho chúng quà bằng cách thả dù. Vì máy bay xếp hàng hạ cánh tần xuất 90 giây, nên anh bảo:
phi công Mỹ Gail Halvorsen
- Chú sẽ lắc cánh trước khi ném quà, các cháu đón nhặt nhé.
Hôm sau anh gói ghém kẹo bánh và các túi nho khô, treo vào những chiếc dù nhỏ. Gần đến chỗ đã hẹn, anh lắc cánh vài lần rồi ném những gói quà nhỏ này xuống cho đám trẻ em đang hò hét bên dưới. Thật không thể tả nổi niềm vui của lũ trẻ khi nhặt được những gói quà nặng tình với những chiếc dù xinh đẹp. Từ đó lũ trẻ đặt cho Gail cái tên là “Chú cánh lắc” (Onkel Wackelflügel)
“Chú cánh lắc” (Onkel Wackelflügel)
Việc làm của Gail đã được nhiều phi công khác noi theo. Hàng ngàn những cánh dù như vậy được ném xuỗng Berlin từ độ cao vài trăm mét mỗi ngày. Những chiếc máy bay ném bom quân sự dữ tợn, đen ngòm, mới cách đó ba năm từng gieo chết chóc kinh hoàng xuống nước Đức, nay được người Đức gọi bằng cái tên thân yêu: “Máy bay ném bom nho”(Rosinenbomber)[3]. Từ đó trẻ em Berlin có một trò chơi mới, hàng ngày đi nhặt các gói quà theo những cánh dù nhỏ đáp xuống thành phố.
Hành động của Gail Halvorsen đã khiến các bà mẹ Đức ở miền Tây xúc động. Họ tổ chức quyên góp, mua hàng và đóng thành các bưu kiện nhu yếu phẩm, nhờ các phi công Mỹ gửi cho các bà mẹ không quen biết ở đầu kia của đất nước. Gần ba triệu gói hàng như vậy đã sưởi ấm lòng người Tây Berlin trong mùa đông đó.
Sau 11 tháng, Stalin biết là không khuất phục được Berlin, trong khi Wilhelm Pieck, chủ tịch Đông Đức thì lo ngai không khí chiến tranh có thể gây bùng nổ làn sóng tỵ nạn sang Tây Đức. Ngày 12.5.1949, mọi phong tỏa Berlin được tháo gỡ. Các cửa khẩu đường sắt, đường bộ lại được khai thông. Máy bay Đồng minh tiếp tục bay vài ngàn chuyến nữa để nâng dự trữ mọi mặt của Tây Berlin lên hai tháng
“Chú cánh lắc” lái chiếc “Máy bay ném bom nho” đã trở thành biểu tượng cho tình người, tình hữu nghị. Tên của ông đã được Thành phố Berlin đặt cho một trường học và một sân thể thao. Tháng 6.2018, nhân kỷ niệm 70 năm cầu hàng không Berlin, ông “chú” 98 tuổi lại sang Berlin gặp lại các ông bà “cháu” ngày xưa nhặt nho của mình.
Köln, 9.08.2019
[1]https://vi.wikipedia.org/…/C%E1%BA%A7u_kh%C3%B4ng_v%E1%BA%A…
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Gail_Halvorsen
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Raisin_Bombers