Mạng lưới nhân quyền Việt Nam công bố giải nhân quyền 2019
Mạng lưới nhân quyền Việt Nam công bố giải nhân quyền 2019
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố 3 nhà hoạt động nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam 2019: (từ trái) MS Nguyễn Trung Tôn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn và LS Lê Công Định. Ảnh: viettan.org edited
Hôm 21 tháng Mười Một, 2019, trong một cuộc họp báo tại Little Saigon, California, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam cho năm 2019.
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, và Luật Sư Lê Công Định là ba người được tuyển chọn nhận giải từ một danh sách đề cử gồm 12 cá nhân và 3 tổ chức.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam được trao hàng năm cho cho các cá nhân và tổ chức trong nước đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại Trụ sở Thượng Viện Canada, thủ đô Ottawa, Canada vào ngày 7 tháng Mười Hai, 2019 nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 71.
Vài dòng tóm lược về 3 vị nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay, 2019:
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn
Năm 2008, sau khi được phong chức mục sư, ông đã hăng say dấn thân vào con đường truyền bá phúc âm trong hoàn cảnh thường xuyên bị ngăn cản, quấy nhiểu và đàn áp của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt lần thứ nhất và kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2011. Sau khi ra khỏi tù, Mục Sư Tôn vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng nghỉ cho nhân quyền và dân chủ trong tư cách thành viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam và Hội Anh Em Dân Chủ.
Vào ngày 30 tháng Bảy, 2017, Mục Sư Tôn lại bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt cùng với một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ. Riêng Mục Sư Tôn, với tư cách là Chủ Tịch Hội Anh Em Dân Chủ, phải chịu 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Hiện nay MS Nguyễn Trung Tôn đang bị giam giữ tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai.
Mục Sư Nguyễn Trung Tôn đã can đảm đứng lên bảo vệ và đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, và sự toàn vẹn lãnh thổ một cách ôn hòa dù phải chấp nhận bao nghịch cảnh: Vu khống, đe dọa, triệt kế sinh nhai, hành hung, và tù tội.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn
Năm 1989, khi mới 4 tuổi, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã cùng gia đình vượt biên sang Thái Lan để kiếm tìm tự do và phải sống trong nhiều trại tị nạn với bao thiếu thốn suốt 7 năm trời trước khi bị trục xuất về lại Việt Nam.
Từ 2009 Nguyễn Đặng Minh Mẫn bắt đầu tham gia một số hoạt động đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược (dự án Bauxite Tây Nguyên, xâm chiếm Biển Đông, Quần Đảo Hoàng Sa – Trường Sa với chiến dịch vẽ chữ HS.TS.VN). Cô cũng đã chụp ảnh những cuộc biểu tình để phổ biến trên mạng xã hội và đưa tin cho các báo đài ở hải ngoại.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị chính quyền CSVN bắt vào ngày 31 tháng Bảy, 2011 cùng với mẹ, anh trai và một số bạn trẻ khác. Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế. Cô mãn hạn tù vào ngày 2 tháng Tám, 2019.
Là một phụ nữ nhỏ bé về thể xác nhưng với ý chí bất khuất, tinh thần dũng cảm và lòng yêu nước thiết tha, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã vạch ra cho thế hệ trẻ Việt Nam khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, một con đường đấu tranh ôn hòa nhưng cương quyết cho Tự Do, Nhân Phẩm, và Nhân Quyền. Nguyễn Đặng Minh Mẫn xứng đáng để được tuyên dương và trao Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2019.
Luật Sư Lê Công Định
Luật Sư Lê Công Định sau khi hoàn tất chương trình cử nhân luật tại Việt Nam, ông nhận được học bổng Fulbright để theo học chương trình thạc sĩ luật tại Đại Học Tulane ở Hoa Kỳ. Ông là thành viên của luật sư đoàn của Việt Nam và Hoa Kỳ, và là thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam – Hiệp Hội Luật Sư Châu Á – Thái Bình Dương, thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông. Ông được bầu vào chức vụ phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư TP.HCM (2005-2008).
Vào năm 2005, cùng với Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long, LS Lê Công Định lập ra nhóm Nghiên Cứu Chấn để nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam. Tác phẩm “Con Đường Việt Nam” của nhóm đã đưa ra khuyến nghị tôn trọng và ủng hộ quyền con người là chiến lược khắc phục nguy cơ sụp đổ kinh tế.
Tháng Năm, 2009, LS Lê Công Định bị bắt cùng với Trần Huỳnh Thức, Lê Thăng Long, và Nguyễn Tiến Trung. Ngày 20 tháng Giêng, 2010 ông bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ông được trả tự do trước thời hạn vào ngày 6 tháng Hai, 2013.
Từ ngày được phóng thích đến nay, Luật Sư Lê Công Định vẫn tiếp tục con đường tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ, và Nhân quyền với ngòi bút sắc bén của mình.